Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Tạo sự chủ động, linh hoạt

chiều 24/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. (Ảnh: Dương G
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. (Ảnh: Dương G

Theo chương trình, chiều 24/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ.

Dự án Luật được xây dựng nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần thực hiện Nghị quyết số 56/2017 của Quốc hội.

Đánh giá kỹ tác động

Theo Tờ trình của Chính phủ, nội dung sửa đổi của Luật Tổ chức chính quyền địa phương tập trung vào việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan của chính quyền địa phương các cấp; cơ cấu tổ chức của Hội đồng Nhân dân; phương thức hoạt động của chính quyền địa phương; tổ chức chính quyền địa phương ở hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và cụ thể hóa chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Đáng chú ý, việc giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp này.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh từ hai người xuống còn một người. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên như hiện hành. Chính phủ thống nhất với loại ý kiến thứ nhất.

[Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận 3 dự án Luật] 

Nội dung này đã được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, đánh giá kỹ tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến bày tỏ băn khoăn về tình trạng bộ máy chính quyền địa phương "lúc nhập, lúc tách, lúc tăng, lúc giảm," tác động bất lợi đến tư tưởng của cán bộ.

"Tôi không đồng ý giảm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, phải để nguyên 2 người như Luật hiện hành. Sắp tới, theo Nghị quyết Trung ương, nhất quán thực hiện Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân. Nếu Bí thư kiêm nhiệm mà chỉ có một Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân chuyên trách rất nhiều việc, không thể làm được, nhất là trong điều hành kỳ họp, chuẩn bị cho kỳ họp và hoạt động giám sát,” Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu quan điểm.

Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Đặng Ngọc Huy cho biết Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định cấp tỉnh, cấp huyện có 2 Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân không làm tăng biên chế ở địa phương, mà thực chất là nâng chức danh Ủy viên Thường trực của Hội đồng Nhân dân (theo Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân năm 2013) lên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân.

Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả giám sát hoạt động của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thành phố của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017 và theo dõi hoạt động của Hội đồng Nhân dân từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho thấy, hiện nay Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thành phố trung bình có từ 9 đến 11 đại biểu hoạt động chuyên trách. Một số nơi như Hà Nội có 18 đại biểu Hội đồng Nhân dân chuyên trách, Tuyên Quang có 15 đại biểu.

Số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân chuyên trách như vậy đã tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức và hoạt động của Hội đồng Nhân dân, bước đầu đảm bảo cho Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân phát huy vai trò của mình khi quyết định chức năng giám sát.

Do đó, hầu hết Thường trực Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố đều kiến nghị giữ nguyên cơ cấu tổ chức Hội đồng Nhân dân như hiện nay, không nên thay đổi để đảm bảo hoạt động của Hội đồng Nhân dân có hiệu lực, hiệu quả trên thực tế, tránh hình thức.

Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Tạo sự chủ động, linh hoạt ảnh 1(Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động thật kỹ vấn đề này vì đổi mới phải đồng thời đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng công việc, chứ không chỉ nhằm mục tiêu giảm biên chế.

Việc đánh giá tác động cần làm rõ nếu giảm số lượng các chức danh này thì trên toàn quốc sẽ giảm được bao nhiêu biên chế và số lượng cán bộ dôi dư này sẽ sắp xếp, bố trí thế nào cho phù hợp; đồng thời, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân tăng lên hay giảm đi.

Đẩy mạnh phân cấp

Đối với Luật Tổ chức Chính phủ, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 5 điều. Trong đó, Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ được sửa đổi, bổ sung theo hướng Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và quy định về tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành, chính quyền địa phương.

Nhiều ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung này và cho rằng, quy định như vậy đã quán triệt tinh thần của Trung ương là đẩy mạnh phân cấp, tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương, bộ, ngành trong việc thực hiện quyền xác định cơ cấu “mềm,” thực hiện việc bố trí cấp phó phù hợp cho các đơn vị trực thuộc trong tổng số cấp phó được có.

Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Điều 28 của Luật Tổ chức Chính phủ được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm Chính phủ thống nhất trong quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức; xác định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan hành chính nhà nước khác thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; quy định rõ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền của mình về quản lý công chức, viên chức.

Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền giữa Thủ tướng Chính phủ với bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chất lượng, hiệu quả hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục