Đổi thay trên quê hương Bình Ca lịch sử

Bến Bình Ca, thuộc thôn Bình Ca, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang – nơi ghi dấu chiến thắng đầu tiên của quân ta trên mặt trận sông Lô, trong Chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông năm 1947.

Đã 72 năm trôi qua, ý nghĩa của chiến thắng lịch đó luôn là niềm tự hào của người dân xã Vĩnh Lợi. Phát huy truyền thống cách mạng, người dân Vĩnh Lợi hôm nay đang đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương.

Chú thích ảnh
Tượng đài Chiến thắng Bình Ca lịch sử.

Để hiểu rõ về chiến thắng lịch sử trên bến Bình Ca năm xưa, chúng tôi tìm đến thôn Bình Ca, xã Vĩnh Lợi – nơi có Tượng đài Chiến thắng Bình Ca uy nghi, khắc dòng chữ biểu dương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trận Bình Ca - Tiểu đoàn 42 đã đánh lui một trận đổ bộ của giặc, xung phong cướp súng bắn chìm pháo thuyền, ghi một chiến công đầu tiên mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô”.

Ông Lý Văn Tính, 81 tuổi, thôn Thái An, xã Vĩnh Lợi (nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi) cho biết: Bến Bình Ca năm xưa được coi là huyết mạch giao thông chắn giữ cửa ngõ phía Tây của chiến khu Việt Bắc, nối vùng an toàn khu với Trung du. Năm 1947, giặc Pháp mở cuộc tổng tiến công chiến lược lên chiến khu Việt Bắc, chính tại bến Bình Ca này ngày 12-13/10/1947, Tiểu đoàn 42 (Tiểu đoàn Bình Ca) đã đánh lui một trận đổ bộ giặc Pháp. Chiến thắng Bình Ca có ý nghĩa bảo vệ cửa ngõ phía Tây của An toàn khu (ATK) nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân.

Phát huy truyền thống cách mạng, ngày nay, người dân xã Vĩnh Lợi đang nỗ lực từng ngày xây dựng quê hương. Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bình Ca – thôn đi đầu trong trồng rừng phát triển kinh tế của xã Vĩnh Lợi cho biết: Kinh tế chủ yếu của người dân trong thôn là trồng rừng và chăn nuôi. Thôn có 62 hộ dân, 100% hộ trong thôn trồng rừng, với tổng diện tích gần 70ha. Nhờ trồng rừng, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, tạo động lực, nền tảng để người dân trong thôn cùng đóng góp xây dựng nông thôn mới. Thôn đã xây dựng được nhà văn hóa gắn với sân thể thao khang trang; 90% hộ dân có nhà xây kiên cố; gần 90% hộ dân có 3 công trình hợp vệ sinh. 100% đường bê tông liên thôn được đầu tư xây dựng, giúp việc đi lại vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận tiện. Hộ nghèo trong thôn giảm còn 5 hộ. Thôn nhiều năm liền đạt thôn văn hóa…

Ông Nguyễn Văn Cần, thôn Bình Ca, xã Vĩnh Lợi chia sẻ, được sự vận động của cán bộ địa phương, gia đình ông cũng như các hộ dân trong thôn luôn nêu cao ý thức, tinh thần tự giác trong việc xây dựng nông thôn mới. Ngoài đóng góp xây dựng các công trình mang lại lợi ích chung cho người dân như làm đường bê tông, xây dựng nhà văn hóa… gia đình ông còn đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương phù hợp cho trồng rừng, gia đình ông chọn trồng keo để phát triển kinh tế. Hiện gia đình ông có 4ha keo, chăn nuôi gần 400 con gà thịt. Nhờ thu nhập từ trồng rừng và chăn nuôi, gia đình ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm các trang thiết bị như ti vi, tủ lạnh, xe máy… phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày.

Sự chủ động, ý thức của người dân trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương cũng là lợi thế trong xây dựng nông thôn mới ở xã Vĩnh Lợi. Anh Nguyễn Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi cho biết: Xuất phát điểm của xã khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới thấp. Năm 2011, xã mới đạt 6/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp với quy mô nhỏ lẻ. Kết cấu hạ tầng còn kém, chưa đồng bộ, hoàn chỉnh, công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển… Vì vậy, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới; đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, đoàn thể xã; triển khai tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên, nhân dân toàn xã hiểu được vai trò, ý nghĩa và trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng nông thôn mới. Xã vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học và sản xuất để tăng năng suất lao động, tạo nguồn lực để xây dựng nông thôn mới…

Chú thích ảnh
Đường bê tông thôn Bình Ca, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) giúp người dân đi lại thuận tiện.

Với sự đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ chính quyền và nhân dân, Vĩnh Lợi đang đổi thay từng ngày. Hiện xã đã hoàn thành 16/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới: Trên 85% trục đường xã được bê tông hóa; hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 9,6%. Kinh tế phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với các mô hình sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế: trồng rau, nuôi cá lồng đặc sản... đời sống người dân ngày càng được nâng cao…

Anh Tính cho biết thêm: Thời gian tới, xã huy động mọi nguồn lực tập trung thực hiện ba tiêu chí còn lại, gồm: Tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Theo đó, xã tiếp tục phân công công việc cụ thể cho từng tổ chức hội, đoàn thể… trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới; huy động sự ủng hộ của các doanh nghiệp trên địa bàn để xóa nhà tạm cho 20 hộ dân. Đồng thời, xã tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trong công tác vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư; đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững… Xã Vĩnh Lợi phấn đấu cuối năm 2019 sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh: Vũ Quang Đán (TTXVN)
Độc đáo Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La tại Tuyên Quang
Độc đáo Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La tại Tuyên Quang

Ngày 17/3, tại khu di tích Đền Hạ, phường Tân Quang (thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang), UBND thành phố Tuyên Quang đã long trọng khai mạc Lễ hội rước mẫu Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La, thu hút đông đảo người dân Tuyên Quang và du khách thập phương tới dự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN