'Mỹ-Trung nên giải quyết mọi vấn đề thông qua cam kết hơn là đối đầu'

Chiến lược gia Andy Rothman cho rằng Mỹ và Trung Quốc đã đạt được tiến triển trong quan hệ song phương thông qua cam kết ở mọi cấp độ, tuy nhiên đôi lúc có "sự lỡ nhịp hoặc hiểu lầm trong đối thoại."
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 2, trái) bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina ngày 1/12/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 2, trái) bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina ngày 1/12/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỹ và Trung Quốc nên giải quyết các vấn đề của họ thông qua cam kết hơn là đối đầu. Đây là nhận định của chiến lược gia về đầu tư làm việc tại quỹ Matthews Asia có trụ sở tại thành phố San Francisco (Mỹ), khi đề cập đến quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở một hội thảo chuyên đề được tổ chức tại trung tâm San Francisco ngày 20/5, chiến lược gia Andy Rothman cho rằng Mỹ và Trung Quốc đã đạt được tiến triển trong quan hệ song phương thông qua cam kết ở mọi cấp độ, tuy nhiên đôi lúc có "sự lỡ nhịp hoặc hiểu lầm trong đối thoại về quan hệ Mỹ-Trung."

Ông Rothman khẳng định: "Điều đó phản ánh cách thức để giải quyết những vấn đề vẫn còn tồn tại thông qua sự cam kết hơn là khơi mào một mối quan hệ đối đầu theo kiểu Chiến tranh Lạnh."

Chuyên gia Rothman, người đã sống và làm việc tại Trung Quốc trong hơn 20 năm, cũng lưu ý về sự phát triển của Bắc Kinh trong nhiều năm qua.

[Trung Quốc: Thỏa thuận thương mại với Mỹ phải có lợi cho đôi bên]

Ông nhấn mạnh: "Nếu họ (Trung Quốc) không thay đổi, thì làm cách nào (tập đoàn) GM bán được gần 4 triệu chiếc xe hơi một năm tại Trung Quốc, hơn cả con số họ bán được tại Mỹ. Năm ngoái, doanh số của Cadillac đã tăng 30% - lần đầu tiên Cadillac bán được nhiều xe hơi tại Trung Quốc hơn ở Mỹ."

Trong suốt quá trình tranh chấp thương mại kéo dài 8 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, Mỹ đã tăng thuế đối với lượng hàng hóa có tổng giá trị 250 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 110 tỷ USD.

Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế thế giới không chỉ gây thiệt hại cho hai nước, mà còn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hiện, chưa rõ tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn kéo dài bao lâu khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại giữa hai bên vẫn lâm vào bế tắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục