3/4 chương trình hỗ trợ kinh tế của IMF phát huy tác dụng

Quỹ Tiền tệ quốc tế công bố báo cáo cho biết 3/4 chương trình hỗ trợ của quỹ giai đoạn 2011-2017 đã đạt các mục tiêu đề ra như giải quyết vấn đề cán cân thanh toán và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
3/4 chương trình hỗ trợ kinh tế của IMF phát huy tác dụng ảnh 1Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế ở Washington. (Nguồn: euractiv)

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 20/5 công bố báo cáo cho biết 3/4 chương trình hỗ trợ của quỹ trong giai đoạn 6 năm qua đã đạt các mục tiêu đề ra, song còn một số vấn đề, trong đó có những dự báo tăng trưởng "màu hồng."

Từ năm 2011-2017, IMF giám sát 133 chương trình hỗ trợ kinh tế cho các nước thành viên. Kết quả hoạt động này đã được nêu trong báo cáo đánh giá trên.

Đây là lần đầu tiên IMF tiến hành đánh giá các chương trình của mình kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Theo báo cáo 3/4 số chương trình của IMF đã thành công, một phần hoặc hoàn toàn, trong việc đạt các mục tiêu đề ra, như giải quyết vấn đề cán cân thanh toán và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hơn thế, các hỗ trợ đã trở thành "chất xúc tác" giúp những nước nhận có thể có thêm khoản hỗ trợ tài chính từ các nhà cho vay chính thức khác, cũng như các nhà tài trợ.

[IMF: Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đe dọa đến kinh tế thế giới]

Điều này giúp bảo vệ các nền kinh tế của các quốc gia đó tránh bị đứt gãy lớn hơn.

Báo cáo cũng phát hiện rằng hầu hết các nước thành viên không cần cắt giảm chi tiêu xã hội, vì hơn 1/3 chương trình là dành cho các nước có thu nhập thấp, cần tăng chi tiêu nhằm thúc đẩy tăng trưởng và giảm đói nghèo.

Mặt khác, các gói hỗ trợ phải đối mặt với nhiều trở ngại, như các dự báo tăng trưởng kinh tế quá lạc quan. Vì vậy, các tác giả báo cáo trên khuyến cáo cần thận trọng hơn khi sử dụng các dự báo như vậy và cần phân tích sâu hơn về tác động các chương trình của quỹ đối với tăng trưởng kinh tế của quốc gia tiếp nhận.

Hơn nữa, cần sự phán đoán "thận trọng hơn" khi cân nhắc tái cơ cấu nợ, và việc hiểu rõ hơn các thể chế và khả năng chính trị của các quốc gia có thể giúp tránh tình trạng nhắm vào "các mục tiêu phi thực tế."

Các tác giả cũng kêu gọi tiếp xúc hiệu quả hơn với công chúng nói chung, cho rằng đây là một "khía cạnh đang bị đánh giá thấp" của thành công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục