Đảm bảo tài chính và sử dụng hiệu quả cho bảo tồn đa dạng sinh học

Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, một trong những rào cản để đạt được các mục tiêu về đa dạng sinh học là sự thiếu hụt về tài chính dành cho công tác bảo tồn.
Đảm bảo tài chính và sử dụng hiệu quả cho bảo tồn đa dạng sinh học ảnh 1Hồ Pá Khoang, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao của thế giới, với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu có ý nghĩa to lớn, mang lại lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp cho nền kinh tế quốc gia.

Đặc biệt, trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, đa dạng sinh học là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng, cung cấp vật liệu cho xây dựng và các nguồn dược liệu, thực phẩm…

Tuy vậy, đa dạng sinh học tại Việt Nam đang bị suy thoái nghiêm trọng. Các hệ sinh thái bị tác động và khai thác quá mức; diện tích rừng, nhất là rừng tự nhiên bị thu hẹp đáng báo động.

Tốc độ tuyệt chủng của một số loài ngày một tăng. Hậu quả tất yếu dẫn đến là sẽ làm giảm, mất các chức năng của hệ sinh thái như điều hòa nước, chống xói mòn, tiêu hủy chất thải, làm sạch môi trường, đảm bảo vòng tuần hoàn vật chất và năng lượng trong tự nhiên, giảm thiểu thiên tai, các hậu quả cực đoan về khí hậu, dẫn đến hệ thống kinh tế sẽ bị suy giảm do mất đi các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, môi trường.

Nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, thông qua Quyết định số 1250 ngày 31/7/2013.

Cùng với các kế hoạch hành động quốc gia, Việt Nam cũng đã chủ động phê chuẩn và thực hiện nhiều công ước, sáng kiến quốc tế liên quan đến đa dạng sinh học, nhằm tranh thủ các hỗ trợ kỹ thuật và tài chính.

Nguồn tài chính thiếu và sử dụng kém hiệu quả

Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, đến thời điểm này Việt Nam đã gặt hái được một số thành tựu quan trọng, song vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản để đạt được các mục tiêu về đa dạng sinh học.

[Bảo tồn đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử]

Một trong những rào cản đó là sự thiếu hụt về tài chính dành cho công tác bảo tồn. Mặc dù những năm gần đây, ngân sách nhà nước dành cho công tác này vẫn tăng đều nhưng luôn dưới mức 1% tổng mức chi tiêu.

Các nguồn tài chính khác cho bảo tồn đa dạng sinh học như ODA, các khoản vay, trái phiếu nhà nước… có sẵn nhưng chưa đủ để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Báo cáo rà soát chi tiêu cho đa dạng sinh học tại Việt Nam được thực hiện trong khuôn khổ Sáng kiến Tài chính cho đa dạng sinh học (BIOFIN) - một quan hệ đối tác toàn cầu do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) quản lý được thực hiện, nhằm xác định chi tiêu cho đa dạng sinh học có phù hợp với chiến lược, kế hoạch và chính sách của quốc gia hay không; đề xuất các giải pháp tài chính cần thực hiện trong tương lai.

Đến tháng 3/2018, nhóm chuyên gia của Dự án BIOFIN đã nhận được thông tin, số liệu của 30 khu bảo tồn (1 khu bảo tồn biển, 12 vườn quốc gia, 13 khu bảo tồn thiên nhiên, 4 khu bảo tồn loài và sinh cảnh) với tổng diện tích gần 731.000ha và khoảng 612.000ha đất rừng.

Kết quả phân tích cho thấy trong giai đoạn 2011-2015, toàn bộ 30 khu bảo tồn chi tổng cộng gần 1.673.000 đồng để duy trì hoạt động của Ban quản lý và các hoạt động liên quan đến đa dạng sinh học. Trong đó, 95,9% tổng mức chi tiêu từ ngân sách nhà nước, 2,6% từ quỹ xã hội và chỉ 1,5% từ đầu tư tư nhân.

Nhóm chuyên gia của Dự án BIOFIN cũng chỉ ra rằng các nguồn tài chính hiện có không đủ và cũng không được sử dụng hiệu quả, vì đa dạng sinh học vẫn tiếp tục bị suy thoái.

Trong khi hệ sinh thái rừng đang phải đối mặt với sự sụt giảm về số lượng và chất lượng. Hệ sinh thái nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm do nồng độ và độc tính chất thải từ sản xuất công nghiệp, hộ gia đình cũng như hóa chất, thuốc trừ sâu.

Hệ sinh thái biển và ven biển bị khai thác quá mức trong suốt thời gian dài. Nhiều loài quý, quý hiếm vẫn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao vì nạn khai thác tràn lan và mất môi trường sống.

Trên 65% nguồn tài chính của Khu bảo tồn được chi cho tiền lương, chi phí hoạt động của Ban quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng, chỉ dưới 35% chi phí dành cho các hoạt động bảo tồn. Việc đầu tư vào các vùng đệm để giảm áp lực về bảo tồn vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng.

Đảm bảo tài chính bền vững

Dự án Khắc phục trở ngại nhằm tăng cường hiệu quả quản lý các khu bảo tồn ở Việt Nam (Dự án PA) do Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trực thuộc Tổng cục Môi trường triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011-2015, đã và đang được các tỉnh, thành phố áp dụng.

Dự án đã góp phần khắc phục một số trở ngại hiện nay trong công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, đảm bảo tài chính bền vững cho Khu bảo tồn.

Dự án đã xác định các trở ngại chính đối với việc tăng cường hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn gồm 4 nhóm: Thiếu khung chính sách và pháp lý hoàn chỉnh, thống nhất hỗ trợ cung cấp tài chính bền vững cho các khu bảo tồn; thiếu các quy định rõ ràng về chức năng, quyền hạn, thể chế, cũng như quy trình quản lý tài chính cho các khu bảo tồn; thiếu kiến thức về các phương án tài chính bền vững, thiếu thông tin cũng như cơ chế chia sẻ thông tin về hiện trạng đa dạng sinh học và khu bảo tồn.

Để góp phần khắc phục các trở ngại này, 4 kết quả đầu ra tương ứng của dự án đã được thiết kế.

Đảm bảo tài chính và sử dụng hiệu quả cho bảo tồn đa dạng sinh học ảnh 2Thả cá thể rùa quý hiếm về môi trường tự nhiên. (Nguồn: TTXVN)

Trong 5 năm thực hiện, Dự án PA đã hỗ trợ xây dựng Đề án làm nền tảng để xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 160/2014 hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm hướng dẫn sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho các hoạt động quản lý bảo tồn đa dạng sinh học.

Dự án cũng đã xây dựng và thử nghiệm, trình Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ban hành Hướng dẫn xây dựng quy hoạch đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và được các tỉnh, thành phố áp dụng.

Dự án đã hỗ trợ nghiên cứu, rà soát những điểm cần bổ sung, chỉnh sửa một số điều của Luật Đa dạng sinh học; phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức các chương trình làm việc với địa phương; các hội thảo rà soát việc triển khai chính sách, pháp luật về đa dạng sinh học.

Dự án đã hỗ trợ xây dựng và ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục Môi trường và Tổng cục Lâm nghiệp trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, nhằm tạo ra một sự thống nhất, đồng thuận và hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả hơn giữa 2 cơ quan trong lĩnh vực đa dạng sinh học.

Đặc biệt, Dự án đem lại một cơ chế tài chính hiệu quả làm tăng nguồn thu cho Khu bảo tồn, đó là hỗ trợ thí điểm cơ chế tài chính tại 3 điểm trình diễn là các Vườn quốc gia: Cát Bà, Bidoup-Núi Bà và Xuân Thủy.

Theo đó, Dự án đã hỗ trợ Ban quản lý Vườn xây dựng đề án điều chỉnh phí tham quan và đề án cho thuê dịch vụ môi trường phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà.

Ước tính tổng kinh phí thu được từ phí tham quan mới tăng thêm 1,2 tỷ đồng/năm.

Dự án còn hỗ trợ Vườn giới thiệu, mở rộng hoạt động du lịch nhằm tăng nguồn thu thông qua việc hoàn thiện các tuyến du lịch độc đáo; thiết kế các điểm hướng dẫn, diễn giải trên các tuyến du lịch sinh thái rừng và biển; xây dựng nội dung tờ rơi quảng bá tiềm năng và mời thuê dịch vụ môi trường; xây dựng hướng dẫn về du lịch sinh thái và tờ rơi về du lịch sinh thái; xây dựng băng video/phim giới thịêu về vườn và du lịch sinh thái bằng tiếng Việt và phụ đề tiếng Anh; nâng cấp trang web của Vườn để tăng cường giới thiệu, quảng bá du lịch.

Để xây dựng cơ chế tài chính bền vững từ dịch vụ hệ sinh thái tại Vườn quốc gia Cát Bà, Dự án xây dựng Quy chế phối hợp quản lý các hoạt động du lịch dịch vụ giữa Vườn và chính quyền địa phương, đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ giữa Vườn với các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan, xác định được các bên có trách nhiệm phối hợp quản lý các hoạt động dịch vụ du lịch.

Chính quyền địa phương, các ban, ngành liên quan và Vườn quốc gia Cát Bà đã ký cam kết thực hiện.

Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là một trong những địa điểm triển khai chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhưng phần diện tích rừng do Vườn quản lý chưa nhận được phí chi trả dịch vụ.

Dự án hỗ trợ Ban quản lý Vườn xây dựng Đề án tăng nguồn thu và sử dụng nguồn thu từ một số dịch vụ hệ sinh thái trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt. Tháng 11/2014, tại Quyết định số 2393, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã cho phép Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà có thêm nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng; phí tham quan; thu từ các tổ chức, cá nhân thuê đất, thuê rừng; thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học; các hoạt động dịch vụ sinh thái.

Nhờ đó, nguồn thu của Vườn tăng khoảng 3 tỷ đồng/năm. Dự án còn hỗ trợ Vườn một số hoạt động kỹ thuật như xây dựng kế hoạch quản lý, kinh doanh; kế hoạch và quy chế tuần tra rừng; tờ rơi giới thiệu đa dạng sinh học Vườn, các tuyến, điểm du lịch và dịch vụ du lịch...

Dự án hỗ trợ Vườn quốc gia Xuân Thủy tăng nguồn thu và chia sẻ nguồn thu từ hoạt động cho thuê mặt nước để nuôi ngao quảng canh.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã phê duyệt Đề án thí điểm đồng quản lý khu nuôi ngao quảng canh bền vững tại phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu tại Quyết định số 119 ngày 23/1/2015.

Để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, Dự án hỗ trợ Vườn đánh giá chi tiết về hiện trạng điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của khu vực dự kiến nuôi ngao; đồng thời làm cơ sở để lập quy hoạch vùng nuôi ngao ổn định, đảm bảo hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế và mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học.

Các hướng dẫn kỹ thuật cũng được xây dựng như hướng dẫn nuôi ngao bền vững; hướng dẫn theo dõi, giám sát mô hình và môi trường; hướng dẫn sử dụng khôn khéo đất ngập nước nhằm nâng cao nhận thức và bổ sung kiến thức, kỹ thuật cho cộng đồng.

Về cơ sở dữ liệu thông tin và nhận thức, do hệ thống thông tin, báo cáo chia sẻ dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học còn yếu, các thông tin gần như chưa được cập nhật, chia sẻ.

Để giúp khắc phục tình trạng này, Dự án hỗ trợ xây dựng hướng dẫn quan trắc đa dạng sinh học, hướng dẫn lập báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học khu bảo tồn, thí điểm các hướng dẫn này tại Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Dự án cũng đã xây dựng chương trình nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học, tiến hành một số hoạt động nâng cao nhận thức tại Vườn quốc gia Xuân Thủy và Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục