Phạt học sinh vi phạm kỷ luật: Cách nào để giảm?

Những ngày vừa qua, sự việc một cô giáo tại Hà Nội bắt học sinh quỳ đã làm dấy lên hai luồng ý kiến trái chiều về các hình thức phạt đối với những học sinh vi phạm kỷ luật. Để rộng đường dư luận, Báo Tin tức giới thiệu một số ý kiến của các chuyên gia giáo dục về vấn đề này.

 

Chú thích ảnh
PGS TS Đỗ Ngọc Thống. Ảnh: NVCC

  PGS TS Đỗ Ngọc Thống: Giáo viên có quyền trách phạt học sinh nhưng không quá giới hạn

Những ngày qua báo chí và mạng xã hội trao đổi rất sôi nổi về vụ việc cô giáo bắt học sinh quỳ. Hiện vẫn có hai luồng ý kiến gần như đối lập nhau: Một bên cho rằng giáo viên cần có quyền và được phép sử dụng các hình phạt, kể cả roi vọt, để học sinh nên người; Một bên phản đối việc giáo viên trách phạt, nhất là xúc phạm danh dự, sử dụng vũ lực làm tổn hại đến thân thể học sinh. Tôi nghĩ cả 2 luồng ý kiến đều có phần cực đoan.

Tôi cho rằng đã là giáo viên phải có quyền trách phạt học sinh. Vấn đề là trách phạt thế nào? Quyền ấy đến đâu? Trách phạt mà làm nhục học sinh trước nhiều người như bắt quỳ, chửi mắng theo lối hạ nhục… là rất không nên. Trách phạt bằng roi vọt, thước kẻ, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, bằng bạo lực gây thương tổn cơ thể học sinh lại càng không nên… Tóm lại, trách phạt mà làm cho học sinh nhục nhã, bị chấn thương cả cơ thể và tinh thần, tôi thấy cần ngăn chặn, phê phán.

Giáo viên được quyền phê phán những biểu hiện sai trái của học sinh bằng lời lẽ nhắc nhở. Cao hơn, giáo viên có quyền buộc học sinh không được học giờ học mà giáo viên đang dạy. Không thể ưu ái và tôn trọng mãi những học sinh cố tình quậy phá, không chịu học, thậm chí xúc phạm thầy cô. Càng không thể lùi bước trước những học sinh ỷ lại bố mẹ nhiều tiền, có quyền cao chức trọng mà coi thường tất cả.

Giáo viên cần có quyền yêu cầu phụ huynh đến gặp, trao đổi về những vi phạm của học sinh và nếu lặp lại nhiều lần thì giáo viên có quyền đề nghị nhà trường thi hành kỉ luật học sinh đó. Lãnh đạo nhà trường cần kiên quyết, công bằng cho cả giáo viên và học sinh; tránh trường hợp vị nể, sợ sệt. Không ít trường hợp, chỉ một cú điện thoại, một tin nhắn của cấp trên, hiệu trưởng nhà trường đã sợ hãi, rồi “đánh bùn sang ao”, hòa cả làng, thậm chí quay lại, phê phán, kết tội giáo viên.

Người thầy và cách giáo dục học sinh, xưa và nay đều có những điều hay cần học hỏi, có những cái phải đổi thay, có những điều vẫn cần gìn giữ. Nếu người thầy có chuyên môn giỏi, có tấm lòng nhân hậu, tôi nghĩ gặp học trò như thế nào cũng sẽ có cách giáo dục phù hợp. Tiếc là do nhiều nguyên nhân, các thế hệ giáo viên ngày càng ít đi những ông thầy giỏi như thế. 

 

Chú thích ảnh
PGS TS Nguyễn Hữu Hợp trong một giờ tương tác cùng học sinh tiểu học. Ảnh: Facebook nhân vật. 

 PGS Nguyễn Hữu Hợp, Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội: Đừng chỉ “xử” giáo viên

Mỗi học sinh là một sản phẩm của giáo dục nhà trường, gia đình và cả xã hội. Mỗi học sinh học giỏi hay kém đều do giáo dục mà ra. Theo thuyết đa trí tuệ, mọi học sinh đều thông minh, do đó, các em đều có tiềm năng trở thành học sinh ngoan, học giỏi. Nhưng thực tế cho thấy vẫn còn những em “hư”, phá phách, quấy rối trong lớp học, không chịu học – cũng là sản phẩm của giáo dục, do giáo dục.

Thực trạng giáo dục hiện nay báo hiệu rằng sẽ còn nhiều học sinh đã đang như vậy. Đó là do nhiều nguyên nhân khác nhau: sĩ số lớp học quá đông, giáo viên không thể “ba đầu sáu tay” để kèm cặp, giúp đỡ từng em tiến bộ. Năng lực sư phạm của một bộ phận không nhỏ giáo viên hiện nay còn thấp, chưa biết tổ chức hoạt động học tập phù hợp, chưa có kỹ năng quản lý lớp học, chưa biết vận dụng phương pháp kỷ luật tích cực… Trong khi đó, quản lý giáo dục chỉ chăm chắm lo thành tích ảo, đổ cả “trăm dâu” lên đầu giáo viên. Nhiều phụ huynh tưởng con mình là viên ngọc không tì vết, nếu "viên ngọc" ấy bị xước là do giáo viên… Chưa kể, xã hội đầy rẫy hiện tượng tiêu cực cả trong ti-vi, mạng internet lẫn ngoài đời. Phàm cái gì xấu thì dễ học, cái tốt học khó hơn và phải học cả đời.

Lên án, kỷ luật giáo viên đã bắt học sinh quỳ không khó. Điều khó hơn cả là làm thế nào để giảm đến tối thiểu những học sinh vi phạm kỷ luật. Trách nhiệm này không của riêng ai nhưng trước hết là của những người liên quan trong ngành giáo dục. Liệu ai sẽ chịu trách nhiệm nếu để sĩ số học sinh vượt quá quy định? Giáo viên là người lao động làm ra sản phẩm là học sinh. Giáo dục tiểu học chẳng hạn, theo quy định, tối đa mỗi lớp không quá 35 em. Vậy mà rất nhiều lớp ở Hà Nội đến 60 em và hơn, nhưng giáo viên không hề được tính công cho những em “dư thừa” đó - thật bất công. Vấn đề quan trọng là, nếu sĩ số quá đông thì không thể bảo đảm được chất lượng giáo dục, tất yếu sẽ có “phế phẩm” học sinh hư, học kém. Do đó, bảo đảm sĩ số học sinh không vượt quá số tối đa trong một lớp theo quy định (đã là quá đông so với các nước tiên tiến) là yêu cầu đầu tiên.

Giáo dục của chúng ta đang rất lạc hậu, nhất là phương pháp và đánh giá. Chừng nào giáo viên còn giảng, đọc chép, đưa ra các dạng bài mẫu cho học sinh làm theo thì còn học sinh vô kỷ luật! Dù thầy cô giảng có hay đến mấy thì nghe mãi cũng chán, nhớ trong một thời gian ngắn rồi quên mau vì tư duy, trí thông minh không được kích hoạt. Dần dần, lỗ hổng kiến thức và kỹ năng to dần đến mức không thể cứu vãn. Khi đó, học sinh ngồi trong lớp nghe giảng chẳng khác gì con vịt ngẩng đầu lên bầu trời nghe sấm. Rồi tất yếu làm việc riêng, nói chuyện riêng, huých nhau...

Do đó, nhất thiết giáo viên phải vận dụng phương pháp dạy học tích cực: Tổ chức hoạt động cho học sinh để các em không còn "nhàn cư", tức là khi có việc để làm thì không "bất thiện" nữa. Các em phải tự phát hiện ra kiến thức mới, tự hình thành kỹ năng, tự phát triển năng lực cho mình.

Trong giáo dục, giáo viên cần coi trọng việc tổ chức lớp học như là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tổ chức lớp học là một nghệ thuật, bắt đầu từ buổi đầu tiên giáo viên nhận lớp, tiếp xúc với các em và được duy trì qua từng giờ phút dạy học. Trong quá trình đó, khi xảy ra những hiện tượng học sinh vi phạm kỷ luật, giáo viên nhất thiết phải vận dụng phương pháp kỷ luật tích cực theo quy tắc hệ quả tự nhiên và hệ quả logic.

Giáo viên cần nhớ rằng, trừng phạt bằng đòn roi, hạ nhục học sinh không có hiệu quả thực sự và bền vững. Và những nhà quản lý giáo dục, nếu chỉ đơn thuần “xử” giáo viên mà không chịu lắng nghe, phủi trách nhiệm là vô tâm, vô cảm.

LV ghi/Báo Tin Tức
Học sinh mắc lỗi, phạt như thế nào là phù hợp
Học sinh mắc lỗi, phạt như thế nào là phù hợp

Những ngày gần đây, việc một cô giáo ở Hà Nội phạt học sinh quỳ hay một giáo viên ở Hải Phòng liên tục đánh vào mặt, vào người học sinh đã khiến dư luận rất bất bình. Nhiều giáo viên và các nhà giáo dục đã chia sẻ kinh nghiệm sư phạm về các hình thức thưởng, phạt nghiêm minh mà học sinh không bị tổn thương về thể chất lẫn tinh thần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN