Vụ hồ Gò Miếu ô nhiễm: Doanh nghiệp vẫn nuôi cá lồng khi đã hết phép

Mặc dù giấy chứng nhận nuôi cá lồng trên hồ Gò Miếu của doanh nghiệp Việt Nhật đã hết hạn từ ngày 19/4/2018, nhưng trong hơn một năm qua, hoạt động nuôi cá vẫn tiếp diễn.
Vụ hồ Gò Miếu ô nhiễm: Doanh nghiệp vẫn nuôi cá lồng khi đã hết phép ảnh 1Mặt hồ Gò Miếu phủ một lớp váng vàng như mỡ động vật. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Ngay sau khi báo chí phản ánh hồ Gò Miếu - “Viên ngọc xanh” phía sườn Tây Tam Đảo bị ô nhiễm nghiêm trọng, sủi bọt tanh nồng, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc kiểm tra, bước đầu xác định nguyên nhân gây ô nhiễm có ảnh hưởng bởi hoạt động nuôi cá lồng bè của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật.

Điều đáng nói là, giấy chứng nhận nuôi cá lồng trên hồ Gò Miếu (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật đã hết hạn từ ngày 19/4/2018. Thế nhưng, từ đó đến nay, hoạt động nuôi cá gây ô nhiễm vẫn tiếp diễn.

Theo quy định tại các Thông tư số 71/2011/TT-BNNPTNT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực Thú y và Thông tư số 16/2015/TT-BNNPTNT ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nuôi cá lồng/bè là một hoạt động bắt buộc phải có hồ sơ báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành. Qua đó, cơ quan chuyên môn sẽ thẩm định, phê duyệt cấp giấy chứng nhận mới được phép hoạt động.

[‘Viên ngọc xanh’ phía sườn Tây Tam Đảo ô nhiễm nặng, bốc mùi tanh nồng]

Trên cơ sở đó, ngày 19/4/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 896/SNN-CCTS chứng nhận đăng ký bè cá với tổng số lượng 30 lồng cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật nuôi cá nước ngọt tại hồ Gò Miếu thuộc địa bàn xã Ký Phú, với thời hạn hoạt động 1 năm.

Trước khi đi vào hoạt động, Quyết định 896 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên yêu cầu Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật phải tuân thủ đúng theo các hướng dẫn quy định tại Thông tư 71, Thông tư 16 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các quy định khắt khe khác về môi trường, thức ăn, con giống, nguồn nước, dòng chảy…

Giấy phép nuôi cá lồng/bè của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật chỉ có thời đến ngày 19/4/2018. Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp tiếp tục hoạt động thì phải báo cáo cơ quan chức năng cấp có thẩm quyền xem xét, xin gia hạn cấp phép.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên Hoàng Văn Dũng khẳng định, kể từ khi cấp chứng nhận số 896 cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật nuôi cá lồng/bè đến ngày 19/4/2018, Sở này chưa cấp thêm hay gia hạn bất cứ giấy chứng nhận nào cho doanh nghiệp nghiệp Việt Nhật.

Như vậy, có thể nói hoạt động nuôi cá lồng trên hồ Gò Miếu của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật trong suốt thời gian hơn một năm qua, từ ngày 20/4/2018 đến nay là không phép.

Vụ hồ Gò Miếu ô nhiễm: Doanh nghiệp vẫn nuôi cá lồng khi đã hết phép ảnh 2Mặt nước hồ Gò Miếu trước và sau khi có mô hình nuôi cá lồng bè. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Ông Dũng cũng cho biết thêm, sau khi nhận được phản ánh của các cơ quan báo chí và địa phương, ngay trong ngày 19/5 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên, Chi cục Thủy sản Thái Nguyên cùng lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Đại Từ, xã Ký Phú đã trực tiếp kiểm tra tại hồ Gò Miếu.

Tại thời điểm kiểm tra vào sáng 19/5 cho thấy, phần đầu hồ Gò Miếu, nơi đón nhận nguồn nước chảy xuống từ dãy núi Tam Đảo nước vẫn trong, tuy nhiên đa phần còn lại của hồ nước đều có màu vàng xanh, phần ven hồ có nhiều cục vón màu trắng đục nổi trên mặt nước.

Trên cơ sở đó, Chi cục Thủy sản Thái Nguyên bước đầu kết luận nguyên nhân gây ô nhiễm hồ Gò Miếu có ảnh hưởng từ hoạt động nuôi cá lồng.

Ngay trong chiều 19/5, Ủy ban Nhân dân huyện Đại Từ cũng đã ban hành công văn gửi Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên, đề nghị Công ty kiểm tra hoạt động chăn nuôi thả cá và nuôi cá lồng bè trong phạm vi lòng hồ. Đồng thời chỉ đạo thực hiện kiểm tra, lấy mẫu quan trắc váng mầu nổi trên mặt hồ và nguồn nước trong hồ, xác định rõ nguyên nhân, lý do mặt nước hồ bị nổi váng, đồng thời có biện pháp xử lý, khắc phục hiện tượng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đại Từ Đỗ Xuân Hòa khẳng định, để xảy ra tình trạng ô nhiễm này, trách nhiệm thuộc về Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên (đơn vị quản lý,  khai thác hồ) và Công ty Việt Nhật.

Về phía Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên, ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin ô nhiễm tại hồ Gò Miếu, phía Công ty đã cùng Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Đại Từ vào cuộc kiểm tra, lấy một số mẫu nước phân tích.

Trong hai ngày 18 và 19/5, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên cũng đã yêu cầu Công ty Việt Nhật vớt toàn bộ phần váng nổi trên mặt hồ, rắc vôi bột khử trùng và thả một lượng cá lớn xuống hồ nhằm cải tạo môi trường, thủy sinh nên chất lượng nước hồ bước đầu đã được cải thiện.

Bên cạnh đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên cũng yêu cầu phía Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật rà soát, đánh giá lại mật độ nuôi cá, chủng loại xem đã phù hợp và đúng với quy định hay chưa.

[Thái Nguyên: Nước hồ Vai Miếu nổi váng, đặc quánh, bốc mùi hôi tanh]

“Tới đây, khi có kết quả phân tích mẫu nước rõ ràng, trong trường hợp cho kết quả độc hại hoặc phía doanh nghiệp cố tình vi phạm không thực hiện đúng theo cam kết, chúng tôi có thể sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu tháo dỡ lồng bè trả lại vị trí như cũ,” ông Thịnh nói.

Lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên cũng cho biết, mức nhận thầu thả cá trên hồ Gò Miếu của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật chỉ khoảng 2-2,5 triệu đồng/tháng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục