Sức mạnh tinh thần của bộ đội Trường Sơn - Bài cuối: Người kể chuyện bằng âm nhạc

Từng có 9 năm sống, chiến đấu ở Trường Sơn, trưởng thành từ trong bom đạn Trường Sơn, nhạc sỹ Đào Hữu Thi đã có hàng trăm ca khúc viết về Trường Sơn, được coi là người kể chuyện Trường Sơn bằng tác phẩm âm nhạc.

Chú thích ảnh
Nhạc sỹ Đào Hữu Thi.

Từ chiến sỹ tên lửa đến nhạc sỹ Trường Sơn

Nhạc sỹ Đào Hữu Thi vẫn được bạn bè, đồng nghiệp gọi bằng cái tên thân mật "Nhạc sỹ Trường Sơn". Ở tuổi 75 nhưng nhạc sỹ Đào Hữu Thi vẫn nhanh nhẹn, tinh anh lắm. Mái tóc bạc trắng, giọng nói hào sảng, đầy “chất” lính Trường Sơn. Những ngày này, ông hầu như kín lịch bởi các chương trình biểu diễn, gặp gỡ, giao lưu về Trường Sơn…  

Nhạc sỹ Đào Hữu Thi sinh ra và lớn lên ở một làng nhỏ ven đê ngoại thành Hà Nội. Lớn lên, ông trở thành thầy giáo dạy văn tại một trường phổ thông trung học. Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thầy giáo trẻ Đào Hữu Thi xếp lại những trang giáo án, từ giã ngôi trường và học trò thân yêu lên đường nhập ngũ.

Vào bộ đội, Đào Hữu Thi được điều về Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân, là chiến sỹ thuộc Trung đoàn tên lửa 285, Sư đoàn 363, đóng quân tại Hải Phòng. Năm 1969, trên đường Nam tiến, tiểu đoàn tên lửa của ông được cấp trên giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường Trường Sơn.

Những ngày ở Trường Sơn, chứng kiến nỗi vất vả, nhọc nhằn của những người đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường huyền thoại, đặc biệt là tinh thần quả cảm vượt mọi gian khó của các nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường máu lửa này, người lính trẻ Đào Hữu Thi vô cùng xúc động và cảm phục. Ông luôn nghĩ đến việc phải viết về những người con gái kiên cường ấy. Vốn có năng khiếu về âm nhạc, văn chương, ông tranh thủ những lúc rảnh rỗi ôm cây đàn ghi ta “tập tành” sáng tác.

Năm 1970, ca khúc đầu tay của ông mang tên "Em là cô gái Trường Sơn" ra đời. Với giai điệu nhẹ nhàng, da diết, lời ca giản dị, trong sáng, bài hát “Em là cô gái Trường Sơn” kể chuyện về những cô gái ở Trường Sơn.

Đó là cô gái nuôi quân - người lo từng bát cháo, kiếm lá rừng thay rau để chiến sỹ được no lòng. Đó là chuyện về cô gái quân y lo từng viên thuốc, tiếp từng giọt máu hồng cho chiến sỹ, rồi chuyện về những cô gái thông tin đảm bảo đường dây thông suốt, truyền nhanh tin vui thắng trận…

Sau những lúc trực chiến trên trận địa, Đào Hữu Thi lại ôm đàn hát cho đồng đội, các cô gái thanh niên xung phong nghe. Những giai điệu tha thiết cất lên đã phần nào làm dịu đi cái nóng bỏng ác liệt của chiến trường khi đó. Nhiều đoàn nghệ thuật đã đến xin bài hát về tập luyện để đi biểu diễn phục vụ chiến sỹ.

Năm 1971, cấp trên điều động Đào Hữu Thi sang công tác tại Đoàn Văn công xung kích, Sư đoàn 473. Sau này, ông tham gia vào bộ phận sáng tác của Đoàn Văn công Trường Sơn.

Kể chuyện Trường Sơn bằng âm nhạc

Chuyển sang Đoàn Văn công xung kích của Sư đoàn 473, Đào Hữu Thi miệt mài với công việc sáng tác và cho ra đời hàng loạt ca khúc viết về Trường Sơn. Có thể kể đến những ca khúc như: “Đường Trường Sơn trăm ngả”, “Niềm vui em đón xe qua”, “Em đi qua A Pông”, “Tình em gửi trọn con đường”, “Hát mãi với Trường Sơn”, “Đường ống Trường Sơn”…

Trong mỗi một ca khúc, nhạc sỹ Đào Hữu Thi đều kể một câu chuyện về Trường Sơn một cách chân thực, sinh động, với những niềm vui, nỗi buồn, cũng như tình cảm của người lính Trường Sơn trên từng tấc đất, mỗi tuyến đường, trong mỗi trận đánh.

Ca khúc "Đường Trường Sơn trăm ngả" viết về tuyến đường huyền thoại với hàng trăm ngả rẽ, khiến quân địch hoang mang, ví đó như một “trận đồ bát quái”. Bài “Niềm vui xe anh qua” viết về tâm trạng hân hoan của những cô gái khi bảo vệ thành công những tuyến đường, đứng nhìn từng đoàn xe chuyển hàng ra tiền tuyến. Bài “Tình em gửi trọn con đường” là câu chuyện xúc động về những cô gái mở đường ở Trường Sơn…

Và có lẽ, cũng chỉ người gắn bó sâu sắc với Trường Sơn như ông, mới biết đến sự gian khổ, vất vả của chiến sỹ đường ống, những người tạo nên một huyền thoại trên con đường huyền thoại, đó là tuyến đường ống dẫn xăng dầu đặc biệt từ Bắc vào Nam.

Khi chứng kiến cảnh đường ống bị trúng bom, các chiến sỹ đường ống liều mình lao vào khóa van để ngăn xăng tràn ra, có người bị cháy đen cả người... ông rất xúc động, viết ngay bài hát “Đường ống Trường Sơn”.

Nhạc sỹ của Trường Sơn chia sẻ, trong số hàng trăm ca khúc ông sáng tác ở Trường Sơn, mỗi ca khúc là một kỷ niệm, câu chuyện gắn bó với ông. Nhưng câu chuyện khi ông sáng tác bài hát “Tình em gửi trọn con đường” khiến ông xúc động và đau lòng nhất, cho đến giờ mỗi khi nhắc lại ông vẫn thấy nghẹn ngào.

Đó là mùa khô năm 1971, Đoàn văn công xung kích của ông tới phục vụ hai tiểu đoàn nữ thanh niên xung phong công binh, phần lớn quê ở Thái Bình. Những cô gái mở đường chỉ mới mười tám, đôi mươi, rất hồn nhiên, yêu đời, họ háo hức ngồi xem chương trình biểu diễn của Đoàn, vỗ tay reo hò theo tiếng hát. Kết thúc buổi biểu diễn, các cô gái lại tiếp tục với công việc sửa chữa, san lấp hố bom trên tuyến đường. Rồi máy bay địch đến, từng loạt bom nổ rung chuyển núi rừng.

Và rồi, một lát sau, hơn hai mươi thi thể được đồng đội mang về. Trong nỗi đau tột cùng, dưới ngọn đèn dầu trong căn hầm chữ A, đêm hôm đó, bài hát “Tình em gửi trọn con đường” đã ra đời. Sáng hôm sau, khi đến thăm những cô gái bị thương đang điều trị, ông hát tặng các cô gái dũng cảm bài hát vừa sáng tác, cả người hát lẫn người nghe đều bật khóc…

Nhạc sỹ Đào Hữu Thi kể, trong suốt những năm tháng ở Trường Sơn, đơn vị ông đi biểu diễn, phục vụ khắp chiến trường. Mỗi khi đến một đơn vị mới, ông lại tranh thủ tìm hiểu nhiệm vụ, công việc của họ, lấy tư liệu và cảm xúc để sáng tác bài hát cho đơn vị đó.

Khi đã có đủ tư liệu cho tác phẩm, ông thường ôm đàn ra bờ suối ngồi sáng tác. Những sáng tác “ngẫu hứng” tại chỗ đó của ông được anh em bộ đội, thanh niên xung phong đặc biệt yêu thích, bởi đó là câu chuyện kể về công việc của chính họ…

Điều đó có tác dụng động viên, cổ vũ và khích lệ tinh thần anh em chiến sỹ rất nhiều. “Có thời điểm, tôi viết nhiều đến mức không nhớ nổi. Sau này, nhiều đồng đội ở Trường Sơn gặp tôi, họ đã chép tặng chính bài hát mà tôi sáng tác khi đó”, nhạc sỹ Đào Hữu Thi nhớ lại.  

Cho đến bây giờ, nhạc sỹ Đào Hữu Thi vẫn cho rằng mình rất may mắn vì đã từng được sống, chiến đấu trên tuyến Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Ông bảo, 9 năm ở Trường Sơn đã cho ông nguồn chất liệu vô cùng quý giá, là động lực thôi thúc ông sáng tác hàng trăm ca khúc, hợp xướng về Trường Sơn.

“Là người lính đi ra từ bom đạn Trường Sơn, nên tôi sẽ còn tiếp tục viết về Trường Sơn, bởi đó không đơn giản chỉ là những giai điệu, lời ca, mà còn là mồ hôi, nước mắt, là máu xương của những người đồng đội đã nằm lại trên con đường huyền thoại này”, nhạc sỹ Đào Hữu Thi nói.

Tin, ảnh: Lan Lộc (TTXVN)
Những đóng góp nổi bật của Bộ đội Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Những đóng góp nổi bật của Bộ đội Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Trong suốt 16 năm (1959-1975), đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện từ hậu phương lớn cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia, góp phần to lớn vào đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN