Công bố chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò ở tỉnh Hà Giang

Chỉ dẫn địa lý sẽ bảo hộ quyền lợi chính đáng cho người chăn nuôi bò, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm thịt bò Hà Giang tham gia thị trường trong nước cũng như vươn ra thị trường thế giới.
Công bố chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò ở tỉnh Hà Giang ảnh 1Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ trao quyết định Công nhận chỉ dẫn địa lý 'Hà Giang' đối với sản phẩm thịt bò. (Ảnh: Minh Tâm/Vietnam+)

Tối 18/5 tại Phố cổ Đồng Văn, huyện Đồng Văn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang tổ chức công bố chỉ dẫn địa lý "Hà Giang" cho sản phẩm thịt bò.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang Đỗ Tấn Sơn cho biết là tỉnh miền núi nằm ở vùng cao cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang nổi tiếng với nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, cùng với nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc biệt là bò vàng vùng cao.

Bò vàng vùng cao, còn có tên gọi khác là bò Mông - là giống bò đặc trưng của tỉnh Hà Giang và được người dân chăn nuôi từ rất lâu đời.

Bò Hà Giang gắn liền với phiên chợ bò, một điểm nhấn trên Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang đối với du khách đến tham quan, du lịch.

Những năm qua, Hà Giang chú trọng phát triển chăn nuôi bò vàng theo hướng hàng hóa, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo cơ cấu hợp lý, quy hoạch phát triển vùng, giúp người dân nâng cao thu nhập và từng bước xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho đồng bào dân tộc thiểu số.

[Cây trúc sào và chiếu trúc sào Cao Bằng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý]

Ngày 19/4/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra quyết định số 1983/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò Hà Giang, với vùng chỉ dẫn là các xã thuộc 6 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần.

Việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò Hà Giang là một bước đột phá, mở ra cơ hội lớn và là bước ngoặt cho người chăn nuôi.

Chỉ dẫn địa lý chính là công cụ nhằm thỏa mãn các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, phương thức sản xuất trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

Đặc biệt, chỉ dẫn địa lý sẽ bảo hộ quyền lợi chính đáng cho người chăn nuôi bò, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm thịt bò Hà Giang tham gia thị trường trong nước cũng như vươn ra thị trường thế giới.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, bên cạnh việc xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý, vấn đề quản lý, phát triển và quảng bá chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò Hà Giang cần được chú trọng.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm tăng số lượng, chất lượng đối với sản phẩm thịt bò Hà Giang; thực hiện tốt quản lý, sử dụng sản phẩm chỉ dẫn địa lý, ban hành các quy trình kỹ thuật từ khâu lựa chọn giống, chăm sóc bò.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo thực hiện quy trình chế biến, đóng gói, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm thịt bò... để duy trì chỉ dẫn địa lý đồng thời bảo hộ quyền lợi chính đáng cho người chăn nuôi và người tiêu dùng sản phẩm thịt bò.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang yêu cầu các sở, ngành liên quan, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ, phát triển chỉ dẫn địa lý có hiệu quả, mục tiêu đưa sản phẩm thịt bò Hà Giang trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và được các du khách thưởng thức chính, mỗi khi có dịp thăm quan du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn.

Tại buổi lễ, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ đã công bố và trao quyết định Công nhận chỉ dẫn địa lý "Hà Giang" đối với sản phẩm thịt bò.

Nhân dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng tổ chức không gian ẩm thực và trưng bày giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu vùng Cao nguyên đá Đồng Văn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục