Sức mạnh võ thuật Việt Nam - Bài 2: Võ Việt hội nhập và phát triển 

Võ thuật cổ truyền Việt Nam là di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong quá trình đó, võ thuật cổ truyền Việt Nam từng bước hội nhập ra thế giới, hiện đã có mặt tại 55 quốc gia và ngày càng phát triển sâu rộng.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang phát biểu tại Đại hội đại biểu Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam nhiệm kỳ V (2018-2023). Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Gìn giữ và phát huy các môn phái

Theo Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, ở nước ngoài, võ thuật cổ truyền vẫn được những người con đất Việt gìn giữ và phát huy. Theo số liệu thống kê, ở Pháp có tới 19 môn phái võ thuật cổ truyền đang hoạt động như phái Cửu Long, phái Nam hổ quyền, phái Trung Hòa… Tại Nga và Đông Âu có phái Nhất Nam với số lượng môn sinh đông đảo. Tại Mỹ có võ đường Tấn Nhật Bích, tại Nam California có Trung tâm võ thuật cổ truyền Việt Nam, võ đường Tiên Long võ đạo…

Đặc biệt, môn phái được cho là cội nguồn, tinh hoa của võ thuật cổ truyền Việt Nam là Võ trận Đại Việt. Trải qua nhiều thử thách theo thời gian, tưởng chừng môn phái này đã bị thất truyền, nay được võ sư Nguyễn Minh Tuấn phục dựng. Những đòn đánh của võ cổ truyền từ ngàn xưa được vị võ sư này biên soạn, hệ thống một cách bài bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các môn sinh luyện tập.

Gần 15 năm âm thầm nghiên cứu, học hỏi, võ sư Nguyễn Minh Tuấn đã làm sống lại những giá trị võ học mà dòng họ để lại. Tại lò luyện Võ trận Đại Việt, các môn sinh ngoài việc học chuyên môn còn được trao đổi, tìm hiểu thêm bản sắc văn hóa dân tộc, hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam. Qua đó, các môn sinh có thêm cơ hội làm quen, thiết lập các mối quan hệ thân thiện với cộng đồng. Võ đường Võ trận Đại Việt thực sự trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa – thể thao không chỉ dành cho người Việt, mà còn dành cho tất cả những ai quan tâm, yêu mến võ Việt – văn hóa Việt.

Ngôi nhà chung hội nhập 

Chú thích ảnh
 Môn sinh võ Gò Công thực hiện bài song nhuyễn tiên. Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Để võ thuật cổ truyền Việt Nam có được sự lớn mạnh như ngày hôm nay, ngoài nền móng võ thuật trong nước, còn có biết bao võ sư người Việt lặng lẽ truyền bá võ cổ truyền ở nước ngoài. Những năm 1940 có trưởng lão Nguyễn Đức Mộc mở võ đường Sơn Long quyền thuật tại Pháp. Võ phái này ngày nay phát triển mạnh ở nhiều nước như Canada, Libya, Italy, Thụy Sĩ... Những năm 1960, Việt Nam có các võ sư nổi danh như Nguyễn Trung Hòa, Nguyễn Dân Phú, Hồng Sắc Kim..., sau này có Phạm Xuân Tòng, Phan Toàn Châu, Nghiêm An Thạch, Nguyễn Công Tốt...

Một số môn phái đang hoạt động mạnh như Qwan Ki Do (Quán khí đạo) do võ sư Phạm Xuân Tòng sáng lập đầu năm 1981. Hiện Qwan Ki Do đã có mặt ở hơn 30 nước trên thế giới. Võ sư Phạm Xuân Tòng là người Việt Nam đầu tiên được tổ chức quốc tế phong đai đen 8 đẳng. Còn với môn phái Việt vũ đạo do võ sư Nguyễn Công Tốt sáng lập, hiện có 50 võ đường tại Pháp và 15 quốc gia khác. Tại Bỉ có võ sư Đồng Văn Hùng với võ phái Tráng sĩ đạo; ở Đức có võ sư Chu Tấn Cường với Võ đạo Việt Nam; Thụy Sĩ có võ sư Huỳnh Đại Hải với Võ lâm Việt Nam. Tổng hội phát triển võ thuật thế giới do võ sư Lý Hoàng Tùng làm Chủ tịch đã tập hợp nhiều võ phái hoạt động mạnh tại Mỹ. Tại Australia có môn võ Vovido lan rộng đến các Trung tâm thể thao và sinh hoạt cộng đồng vùng Tây Australia...

Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ ở trong và ngoài nước, cần có Liên đoàn thế giới võ thuật cổ truyền Việt Nam nhằm thúc đẩy võ cổ truyền dân tộc đóng góp sâu sắc hơn vào đối ngoại văn hóa trong thời đại hội nhập toàn cầu. Do đó, đúng ngày 8/8/2015, Đại hội thành lập Liên đoàn thế giới võ cổ truyền Việt Nam - nhiệm kỳ I (2015-2020) đã diễn ra, đáp ứng nguyện vọng của các tổ chức quốc tế về môn võ cổ truyền Việt Nam. Đây là tổ chức chính quy, hợp pháp, là ngôi nhà chung hội nhập cho cộng đồng quốc tế yêu thích môn võ thuật truyền thống.

Liên đoàn thế giới võ cổ truyền Việt Nam được gọi tắt là WFVV hoạt động với tinh thần võ đạo, văn hóa võ thuật thông qua các giải thi đấu, giảng dạy, huấn luyện đào tạo cùng nhiều hoạt động khác, nhằm bảo lưu, truyền bá và nghiên cứu phát triển những tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam ra khắp thế giới.

Chỉ sau 1 năm thành lập, Liên đoàn thế giới võ cổ truyền Việt Nam đã phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Giải vô địch thế giới võ cổ truyền Việt Nam lần thứ nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh. Giải thu hút sự tham dự của gần 250 vận động viên đến từ 27 quốc gia trên thế giới. Thành công của giải đấu đã góp phần giới thiệu văn hóa, tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam, cổ vũ phong trào tập luyện môn võ này, đồng thời giao lưu với các môn phái ở các nước trên thế giới.

Sức mạnh võ thuật Việt Nam - Bài cuối: Xây dựng nền quốc võ giàu bản sắc dân tộc

Quốc Trị (TTXVN)
Sức mạnh võ thuật Việt Nam - Bài 1: Tinh hoa dân tộc gắn với xây dựng và bảo vệ đất nước
Sức mạnh võ thuật Việt Nam - Bài 1: Tinh hoa dân tộc gắn với xây dựng và bảo vệ đất nước

Không ai biết chính xác võ thuật cổ truyền Việt Nam xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng ngay từ thời xa xưa ông cha ta đã sử dụng võ để bảo vệ dân làng khỏi thú dữ, chống giặc ngoại xâm. Ngày nay, võ thuật cổ truyền Việt Nam tiếp tục được bảo tồn, phát huy và đã có sức lan tỏa ra quốc tế trong quá trình hội nhập, giao lưu với các môn phái trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN