Nhớ về trận cầu lịch sử...

30/04/2019 08:02 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 7/11/1976 mãi đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam. Đó là ngày trên sân vận động Thống Nhất của thành phố mang tên Bác đã diễn ra trận bóng đá đầu tiên giữa hai miền Bắc - Nam, trận đấu đã vượt trên khuôn khổ của bóng đá, của thể thao, trận đấu của Ngày đoàn tụ.

Cựu danh thủ Cảng Sài Gòn tổ chức giải giao hữu 'Thương về miền Trung'

Cựu danh thủ Cảng Sài Gòn tổ chức giải giao hữu 'Thương về miền Trung'

Không khỏi xúc động khi chứng kiến cảnh đồng bào oằn mình chống lũ dữ thời gian qua, các đơn vị hảo tâm ở TP.HCM phối hợp cùng đội cựu danh thủ Sài Gòn tổ chức một giải đấu đầy ý nghĩa nhân văn nhằm “Thương về miền Trung”.

1. Trận cầu lịch sử có sự góp mặt của hai đội bóng được xem là mạnh nhất của hai miền Bắc Nam khi đó. Tổng cục Đường sắt đang là đương kim vô địch giải bóng đá miền Bắc với nhiều ngôi sao trẻ xuất sắc trong đội hình như: Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Hoàng Gia; Phương "tròn"... và theo lời kể của các nhà quản lý, thì sự lựa chọn này cũng có những lý do riêng vào thời điểm đó. Cụ thể, khi đó tuyến đường sắt thống nhất Bắc - Nam bắt đầu được khởi công khôi phục và các cầu thủ Tổng cục Đường sắt cũng là đại diện cho giai cấp công nhân lao động.

Trong khi đó, Cảng Sài Gòn trước ngày giải phóng mang tên Tổng nha thương Cảng và là một đội bóng có lối chơi đẹp mắt, quyến rũ do danh thủ huyền thoại Tam Lang mang băng thủ quân đá trung vệ, cánh trái “Trung đầu sói”, hàng giữa Thà , Mười, tiền đạo có Xinh , Ngôn, Tư Lê... Cũng như Tổng cục Đường sắt, Cảng Sài Gòn được chọn với tư cách đội bóng đại diện cho tầng lớp lao động miền Nam.

Và khi Tổng cục Đường sắt có mặt tại TP.HCM, đã có những đồn đoán, những câu chuyện truyền miệng, rỉ tai và có cả những lo lắng, nhưng tất cả không nguội đi bầu không khí bóng đá ngày càng trở nên nóng bỏng đến cuồng nhiệt.

2. Bóng đá miền Bắc mạnh hơn hay miền Nam? Đó là câu hỏi chẳng dễ trả lời vào thời điểm đó. Tổng cục Đường sắt tuy là đội bóng trẻ, nhưng nhờ các cầu thủ được đào tạo bài bản và có nhiều chuyến đi tập huấn tại các nước XHCN nên có lối chơi bóng dài khá hiện đại, dù theo cách đánh giá của giới mộ điệu phía Nam lúc đó là khá khô cứng. Ngược lại, Cảng Sài Gòn có lối chơi kỹ thuật và sở hữu nhiều ngôi sao đã thành danh trên đấu trường quốc tế.

Và khi trái bóng bắt đầu lăn trên sân Thống Nhất vào lúc 19h30 ngày 7/11/1976, người hâm mộ túc cầu phía Nam đã được chứng kiến màn đối đầu đỉnh cao giữa 2 trường phái.

Theo tư liệu, 25.000 khán giả may mắn có mặt trên sân cùng vỗ tay vang dội khi trọng tài Hồ Thiệu Quang dẫn hai đội Cảng Sài Gòn và Tổng cục Đường sắt ra sân. Cựu danh thủ Mai Đức Chung kể lại: "Chúng tôi nắm chặt tay nhau cất giọng hát bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Cảm giác hạnh phúc chen lẫn niềm rưng rưng xúc động khiến chúng tôi lặng đi nghẹn ngào một hồi lâu”.

Cảng Sài Gòn khi đó do HLV Nguyễn Thành Sự dẫn dắt chơi với đội hình 4-2-4 gồm thủ môn Lưu Kim Hoàng; hậu vệ Tam Lang, Lê Đình Thăng, Vinh Quang, Tấn Trung; tiền vệ Mười “xìu”, Dương Văn Thà; tiền đạo Nguyễn Văn Ngọc, Trần Văn Xinh, Tư Lê, Nguyễn Văn Ngôn. Đội Tổng cục Đường sắt ra quân bằng đội hình 4-3-3: thủ môn Trường Sinh; hậu vệ Từ Như Quang, Thế Vinh, Phương “tròn”, Lê Khắc Chính; tiền vệ Lê Thụy Hải, Phạm Kỳ Thụy, Ngô Thế Thành; tiền đạo Mai Đức Chung, Minh Điểm, Hoàng Gia.

Phút 28, Lê Thụy Hải có một đường chuyền sắc sảo cho Mai Đức Chung bật cao đánh đầu ghi bàn. Bàn thắng để đời thứ hai ở phút 54 của tiền vệ Lê Thụy Hải là một cú sút sấm sét từ gần giữa sân.

Trận cầu lịch sử kết thúc với tỷ số 2-0 nghiêng về phía Tổng cục Đường sắt, nhưng với những người trong cuộc, không có người chiến bại. Khi trọng tài Hồ Thiệu Quang nổi tiếng còi kết thúc, những tràng vỗ tay cổ vũ lại vang rền trên khắp các khán đài. Chiến thắng lớn nhất của trận cầu lịch sử là sự khẳng định về thể chế, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, non sông liền một dải trong hòa bình, hòa hợp dân tộc.

3. Cơ chế bóng đá chuyên nghiệp khắc nghiệt đến đâu, chắc không cần phải nói thêm. Cảng Sài Gòn duy trì đến năm 2003, thì đổi phiên hiệu thành Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn và đến năm 2009 thì chính thức bị xóa sổ. Trong khi đó, Tổng cục Đường sắt đến năm 2000 thì chuyển giao cho Ngân hàng Á châu.

Dù không còn có mặt trong bản đồ bóng đá đỉnh cao quốc gia, song rõ ràng, cả Cảng Sài Gòn và Tổng cục Đường sắt đều đã lưu danh sử sách, so với các phiên hiệu sau đó, không chỉ về mặt thành tích, mà còn cả những cái tên lẫy lừng làm nên lịch sử của bóng đá Việt Nam.

Những người có mặt trong trận cầu lịch sử ấy cũng chính là những "cây đa cây đề" và nhiều người vẫn còn đóng góp cho nền bóng đá ở những vai trò khác nhau, mãi đến tận sau này. Ví như ông Lê Thụy Hải hay ông Mai Đức Chung chẳng hạn và đương nhiên cả cố danh thủ - HLV Tam Lang nữa. Những cầu thủ ưu tú ngày ấy, nay người mất người còn nhưng tất cả mãi không quên khí thế hào hùng của ngày Chủ nhật 7/11/1976 lịch sử, ngày mà bóng đá đã hàn gắn, lan tỏa, chia sẻ, đoàn viên…, với rất nhiều thiên chức vượt ra khỏi khuôn khổ một môn thể thao giải trí thông thường. Đó là lý do tại sao bóng đá lại là môn thể thao vua hấp dẫn nhất hành tinh.

Cứ mỗi lần kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước, tôi lại nhớ về trận cầu lịch sử mà mình đã may mắn có mặt. Tôi vẫn nhớ như in ngày ấy, mặc cho các cậu chú trong xóm xin xỏ, cha tôi vẫn cương quyết không cho tôi đi xem chỉ vì… “sợ có bom thì chết”.

Nhưng với cơn ghiền có sẵn trong máu, tôi cùng một cậu bạn trốn học lén rủ nhau đi xem. Bỏ cả cơm trưa leo lên một chiếc xe lam đến sân lúc 12h00 trưa, hai đứa hùn tiền lót tay bảo vệ chen vào sân, cách mà bây giờ người ta vẫn gọi “đi đường tiểu ngạch”. Dù vào được nhưng sân không còn chỗ ngồi, cả hai phải đứng nhón chân ngóng xuống sân ngay lối lên xuống một cầu thang ở khán đài D đường Tân Phước.

Mệt mỏi, vất vả người ướt như tắm, thoi thóp thở với bầu không khí chung quanh đầy hơi người, nhưng vẫn còn là may mắn. 19h30 mới đá, nhưng 11h tất cả con đường xung quanh sân Thống nhất chật kín, khoảng 15h sân đã đóng cửa. Ước tính sân có 25 ngàn chỗ, nhưng phải có đến hơn 35 ngàn khán giả vào, đường chạy điền kinh cũng chật kín.

Trận cầu kết thúc với phần thắng thuộc Tổng cục Đường sắt, có người vui, kẻ không vì nhiều lý do, nhưng trên hết vẫn là đất nước được thống nhất và đoàn kết dân tộc. Vậy nên, mỗi lần nhớ lại xin tất cả hãy nhắc kể lại trận đấu bóng này bằng cái tên “Trận cầu đoàn tụ”. - Trần Hữu Nghĩa - Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam VFS

CCKM (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm