Iran: Mỹ sẽ chịu hậu quả nếu ngăn cản Tehran xuất khẩu dầu

Ngoại trưởng Iran tuyên bố Tehran sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác mua dầu của nước này và sử dụng Eo biển Hormuz để vận chuyển, đồng thời cảnh báo Mỹ "chuẩn bị lãnh hậu quả" nếu cố tình ngăn cản.
Iran: Mỹ sẽ chịu hậu quả nếu ngăn cản Tehran xuất khẩu dầu ảnh 1Cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark, Iran. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 24/4, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố Tehran sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác mua dầu của nước này và sử dụng Eo biển Hormuz để vận chuyển, đồng thời cảnh báo Mỹ "chuẩn bị lãnh hậu quả" nếu cố tình ngăn cản.

Phát biểu tại một sự kiện do Hội châu Á ở New York (Mỹ) tổ chức, ông Zarif nhấn mạnh niềm tin rằng Iran sẽ tiếp tục bán dầu. Iran sẽ tiếp tục tìm đối tác mua dầu và tiếp tục sử dụng Eo biển Hormuz như một tuyến trung chuyển an toàn để bán dầu.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran cũng cảnh báo Mỹ nên chuẩn bị lãnh hậu quả nếu thực hiện biện pháp "điên rồ" là cố tình ngăn cản Iran.

Khi được hỏi liệu việc Mỹ gia tăng sức ép có phải nhằm buộc Iran phải chấp nhận thỏa thuận hoặc thay đổi cơ chế, ông Zarif cho biết Iran "dị ứng" với các hình thức gia tăng áp lực đồng thời cho rằng việc dùng các ngôn từ thể hiện sự tôn trọng sẽ hiệu quả hơn.

Ngoại trưởng Iran cho biết thêm rằng 6 tháng trước, Tehran từng đề nghị trao đổi tù nhân với Mỹ nhưng chưa nhận được phản hồi từ chính quyền Washington.

[Nhiều nước phản đối Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ mua dầu mỏ của Iran]

Trước đó, hôm 22/4, Mỹ đã yêu cầu các các đối tác ngừng mọi hoạt động trao đổi với Iran trước tháng 5 nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt, qua đó chấm dứt 6 tháng miễn trừ trừng phạt vốn cho phép 8 đối tác nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran, chủ yếu là các quốc gia châu Á, nhập một lượng dầu hạn chế từ quốc gia này.

Ngày 23/4, giá dầu tăng lên mức cao nhất từ tháng 11/2018 sau khi Washington tuyên bố mọi hình thức miễn trừ trừng phạt với hoạt động nhập khẩu dầu Iran sẽ kết thúc vào tuần tới, buộc các nhà nhập khẩu dừng mua dầu từ Tehran và tiếp tục khiến nguồn cung toàn cầu bị thu hẹp.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới.

Tuy nhiên, Washington đã cấp quy chế miễn trừ cho 8 nước và vùng lãnh thổ được phép tiếp tục mua dầu thô của Iran trong 6 tháng tiếp theo với số lượng hạn chế.

Danh sách này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp.

Các quy chế miễn trừ này sẽ hết hạn vào đầu tháng 5 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục