Bốn điểm đến Tây Bắc hút khách dịp lễ 30/4 và 1/5

Thời tiết dịp 30/4-1/5 khá nắng nóng, vì vậy nhiều du khách đã chọn các điểm đến Tây Bắc – nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm để nghỉ ngơi, vui chơi cùng gia đình, bạn bè.

Báo Tin tức xin giới thiệu đến độc giả bốn điểm đến Tây Bắc đang hút khách trong mùa du lịch nghỉ lễ 30/4 và 1/5:

Chinh phục đỉnh Fansipan

Chú thích ảnh
Du khách thích thú chinh phục đỉnh Fansipan "nóc nhà Đông Dương".

Nơi du khách muốn đặt tour đầu tiên đến Tây Bắc vào mùa hè có thể đến Sapa để khám phá đỉnh Fansipan “nóc nhà Đông Dương”. Sap Pa mùa này, du khách có thể cảm nhận được không khí “4 trong 1”, tức là bốn mùa trong một ngày. Buổi sáng ở Sa Pa có khí hậu của xuân, buổi trưa lại nóng như mùa hè, xế chiều có nắng nhưng hơi se lạnh của mùa thu, còn tối khuya lại là thời tiết của mùa đông.

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, du khách muốn khám phá đỉnh Fansipan ở độ cao 3.143 m thì có thể chọn đi bằng cáp treo hoặc leo núi. Nếu du khách đi bằng cáp treo thì ở đây có hệ thống cáp treo đạt kỷ lục thế giới (hệ thống cáp treo ba dây 6.292,5 m dài nhất thế giới). Hoặc du khách có thể chinh phục bằng đường leo núi, tuy nhiên muốn leo núi du khách phải chuẩn bị thể lực trước đó từ 3 -6 tháng.

Sau khi khám phá đỉnh Fansipan ở thị trấn Sa Pa, du khách cũng có có thể tìm đến những điểm dừng chân thú vị như: bản Tả van, cây Cầu Mây… Tại bản Tả Van, du khách sẽ được khám phá nét đẹp độc đáo của văn hóa dân tộc Mông Đen, Dao Đỏ … bằng việc tắm nước lá Dao đỏ, đi hái mận, đào, mơ trong rừng...

Du khách cũng có thể check in với cây cầu nổi tiếng miền Tây Bắc- Cầu Mây. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì cầu được kết bằng các sợi dây mây bắc qua dòng suối Mường Hoa. Tại điểm đến cầu Mây, du khách có thể thưởng thức những đặc sản ẩm thực địa phương như: nếp nương, bánh chưng đen, gà nướng, thịt nướng than hoa…

Điện Biên lịch sử

Sau khi rời thị trấn Sa Pa, đi dọc theo tuyến quốc lộ 6 huyền thoại, du khách có thể chiêm ngưỡng thị xã ven sông đẹp nhất Tây Bắc – Mường Lay, nơi đây được mệnh danh như Venice Tây Bắc Việt Nam. Trên tuyến quốc lộ 6, du khách còn được check in tại cây cầu Hang Tôm có biệt danh “Đông Dương đệ nhất cầu” để đến với TP Điện Biên.

Nghỉ chân tại TP Điện Biên, du khách có thể tham quan các di tích nổi bật ở đây như: Linh Quang Tự, Sân bay Mường Thanh, Cụm Di tích A1 (Nghĩa trang đồi A1, Bảo tàng lịch sử, Đồi A1), hầm De Castries, cầu Mường Thanh, tượng đài chiến thắng...

Trong ánh nắng đang dần ngả về chiều, nếu du khách được trải nghiệm khung cảnh đi xuyên qua trung tâm của cánh đồng Mường Thanh lịch sử, chắn chắn du khách sẽ cảm thấy sức sống nơi đây đang căng tràn vì cả cánh đồng đang có một màu xanh tươi mới, mát rượi.

Chú thích ảnh
Du khách có thể trải nghiệm đi chợ chợ phiên vùng cao tại Điện Biên.

Dừng chân ở Điện Biên, du khách còn được tham quan, trải nghiệm cảnh mua sắm tấp nập của người dân địa phương tại chợ Điện Biên. Đến với chợ Điện Biên, mọi đặc sản của miền Tây Bắc sẽ được bày ra trước mắt những du khách như: măng rừng ngọt, măng đắng, cam sành, rau nút thối, cá suối, tôm sông… được người dân địa phương bày bán với giá khá rẻ. Mua sắm ở chợ Điện Biên sẽ không bị "nói thách" hay “bắt bẻ” nếu lỡ có hỏi giá, mua hàng và trả lại, bởi người dân nơi đây rất hiền hòa, vui vẻ.

Đồi chè xanh Mộc Châu

Để khám phá tiếp vùng đất Tây Bắc, sau khi chia tay TP Điện Biên, du khách có thể di chuyển trên xe ô tô để đến cao nguyên Mộc Châu của tỉnh Sơn La. Trên đường đi đến cao nguyên Mộc Châu, du khách sẽ được check in với cung đường “Sống khủng long Điện Biên” hoặc có thể cùng bạn bè nhâm nhi một ly cà phê sạch của vùng đất Điện Biên trên đỉnh đèo Tằng Quái đầy mây gió và khá mát mẻ, trái ngược với không khí nóng nắng của các thành phố lớn hiện nay.

Gần đây, Mộc Châu đang nổi lên là điểm du lịch hút hồn giới trẻ vì có những đồi chè bát ngát, trải dài nối tiếp nhau trên những lưng chừng đồi. Tất cả tạo nên một khung cảnh nên thơ hữu tình cho du khách thích chụp ảnh “sống ảo”. Tại những đồi chè bát ngát, du khách còn có thể thuê quần áo của các cô gái Thái, Mông.... với giá khá mềm chỉ khoảng 10.000 đồng/bộ.

Chú thích ảnh
Gần đây, Mộc Châu trở thành điểm đến của du khách vì có những đồi chè xanh ngắt, mát rượi.

Theo thống kê của tỉnh Sơn La, hiện nay huyện Mộc Châu có khoảng 3.000 ha chè các loại khác nhau. Những đồi chè mơn man, bát ngát đã biến Mộc Châu trở thành một viên ngọc xanh thơ mộng của vùng núi Tây Bắc. Ngày nay, cây chè cũng ngày càng gắn bó với cuộc sống của các dân tộc và cũng dần trở thành biểu tượng hút khách du lịch cả nước trong các dịp lễ, Tết.

Mai Châu mùa lúa nương

Sau khi tham quan, chiêm ngưỡng và chụp ảnh bên những đồi chè Mộc Châu xanh ngát, du khách có thể tiếp tục lên xe di chuyển về thành phố Mai Châu của tỉnh Hòa Bình.

Chú thích ảnh
Người dân Mai Châu có truyền thống làm du lịch sinh thái cộng đồng từ khá sớm.

Mai Châu có vị trí nằm ở phía Tây của Hòa Bình, giáp với huyện Mộc Châu của Sơn La. Thung lũng Mai Châu mùa này đang vào mùa lúa trổ đòng và khung cảnh làng quê khá bình yên. Ở Mai Châu đang có 2 bản du lịch nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước, đó là bản Lác và bản Pom Coọng. Hai bản này rất nhiều hộ dân kinh doanh dịch vụ phòng nghỉ dưới dạng nhà sàn du lịch. Những nhà nghỉ, homstay khá thoáng mát và người dân ở hai bản cũng đã làm du lịch cộng đồng rất chuyên nghiệp. Theo đó, khi du khách đến với bản Lác, bản Pom Coọng sẽ được phục vụ mọi nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực đặc sản của miền Tây Bắc.

Chú thích ảnh
Đến với các vùng núi Tây Bắc, du khách sẽ được trải nghiệm đi hái quả mận, đào, mơ... trong rừng.

Theo các bậc cao niên ở đây, hai bản này có tuổi đời hơn 700 năm, người dân chủ yếu là người Thái đen sinh sống đời này qua đời khác với nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm. Đến bản Lác và bản Pom Coọng, du khách sẽ cảm nhận được Mai Châu như một món quà của núi rừng vì sự bình yên, có thể hoà mình vào không gian khoáng đạt mướt màu xanh của núi rừng Hoà Bình.

Vào một buổi sớm tinh sương, khi đi dạo một vòng trong các bản, du khách sẽ thích thú khi đi chợ quanh bản, được bày bán trước cửa nhà người dân. Các mặt hàng bày bán chủ yếu là khăn quàng cổ, váy xòe Thái, những chiếc ví xinh xắn, cung, nỏ, sáo trúc, mõ trâu, chiêng, tù và, sừng trâu… Không có bất kỳ hành động chèo kéo hay mời chào mua hàng gì của người dân trong bản, du khách có thể lấy để thử, chụp ảnh mà không sợ bị để ý, than phiền, kể cả không mua cũng không bị chủ nhà phật ý.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Dân Tây Bắc mỏi mòn chờ dòng 'vàng trắng'
Dân Tây Bắc mỏi mòn chờ dòng 'vàng trắng'

Phát triển cây cao su tại Sơn La nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung, là chủ trương lớn của Chính phủ, được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đổi thay tích cực hơn nữa cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây và nâng cao độ che phủ rừng. Tuy nhiên đến nay, sau 10 năm cây cao su bén rễ xanh cây trên mảnh đất Tây Bắc, nhiều nơi đang nảy sinh không ít khó khăn, cần có các giải pháp cấp bách tháo gỡ để phát triển bền vững cây cao su và ổn định đời sống người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN