Ấn Độ-Việt Nam tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải

Ông Pradeep Chauhan, Giám đốc NMF đánh giá Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên là đối tác hết sức quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Huy Lê/Vietnam+)
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Huy Lê/Vietnam+)

Ngày 22/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với Quỹ hàng hải quốc gia Ấn Độ (NMF) và Trung tâm nghiên cứu Việt Nam tổ chức buổi hội thảo với chủ đề "Hợp tác hàng hải Ấn Độ-Việt Nam: Những điểm hội tụ," nhằm xác định những lĩnh vực hợp tác cụ thể tiềm năng giữa hai nước.

Tham dự hội thảo có Phó Đô đốc Pradeep Chauhan, Giám đốc Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ; tiến sỹ Ash Narain Roy, Giám đốc Viện Khoa học xã hội cùng đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu cao cấp của Ấn Độ.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu dẫn đầu.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Phạm Sanh Châu đề cập đến mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đang phát triển giữa hai nước và nhấn mạnh sự cần thiết hiện thực hóa các lĩnh vực hợp tác tiềm năng thông qua nhiều phương cách khác nhau, bao gồm cả việc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực hàng hải.

[Hai tàu Hải quân Ấn Độ bắt đầu chuyến thăm xã giao Việt Nam]

Về phần mình, ông Pradeep Chauhan, Giám đốc NMF đánh giá Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên là đối tác hết sức quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ.

Ấn Độ-Việt Nam tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải ảnh 1Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Huy Lê/Vietnam+)

Có những điểm hội tụ về địa chính trị lớn giữa Việt Nam và Ấn Độ không chỉ ở Biển Đông mà cả các khu vực khác tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý đến những điểm hạn chế về kết nối hàng hải mà hai nước cần khắc phục để phát huy tối đa tiềm năng hợp tác song phương.

Tại hội thảo, các học giả cũng chỉ ra việc hai nước có thể đạt được nhiều mục tiêu địa kinh tế thông qua các hoạt động kinh tế hàng hải tương hỗ, như thúc đẩy nghề cá bền vững, thăm dò và sản xuất năng lượng ngoài khơi, công nghệ sinh học biển.

Ngoài ra, các cơ chế song phương để thúc đẩy và đảm bảo sự an toàn và an ninh hàng hải, như cảnh báo thời tiết và định vị, tìm kiếm và cứu nạn, viện trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa... cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình này./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục