Bạo lực học đường: Chuyện không chỉ riêng của Việt Nam

Theo số liệu của UNESCO (năm 2017), tỷ lệ trẻ em và vị thành niên là nạn nhân của bạo lực học đường hàng năm lên đến 246 triệu người trên toàn thế giới.
Bạo lực học đường: Chuyện không chỉ riêng của Việt Nam ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: educhatter.wordpress.com)

Hiếm khi nào, thông tin về bạo lực học đường lại “nóng” trên các diễn đàn, mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay. Những vụ việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất, tinh thần của học sinh, suy giảm niềm tin của xã hội về môi trường học tập an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Nhân dịp này, TTXVN giới thiệu chùm 2 bài viết về chủ đề “Báo động bạo lực học đường”, bao gồm: “Chuyện không riêng của Việt Nam”“Hóa giải mầm mống của bạo lực” nhằm cung cấp bức tranh đầy đủ, khách quan và toàn diện hơn về vấn đề này.

Vấn đề bạo lực học đường gần đây diễn biến phức tạp, có thể xảy ra trong trường học, ngoài cộng đồng và cả trên không gian mạng. Các nghiên cứu cho biết, tỷ lệ bạo lực học đường tại các quốc gia theo từng thời điểm có thể dao động từ 10%-70% và có xu hướng gia tăng.

Tuổi học sinh tham gia các vụ bạo lực học đường có xu hướng trẻ hóa từ 10-15 tuổi.

Tại Việt Nam, tình trạng bạo lực học đường có xu hướng gia tăng cả về số vụ việc, mức độ nghiêm trọng cũng như tính chất, xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trở thành mối quan tâm của mọi gia đình, nhà trường, nỗi trăn trở của toàn xã hội.

Vấn nạn toàn cầu

Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ bạo lực học đường là một trong những vấn đề của toàn cầu.

Theo số liệu của UNESCO (2017), tỷ lệ trẻ em và vị thành niên là nạn nhân của bạo lực học đường hàng năm lên đến 246 triệu người trên toàn thế giới.

Số liệu của Plan International và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW) khảo sát ở 5 quốc gia gồm Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Nepal cho thấy, cứ 10 học sinh thì có 7 em từng phải chịu bạo lực học đường.

Quốc gia có số học sinh hứng chịu nạn bạo lực cao nhất là Indonesia (84%); thấp nhất là Pakistan với 43%.

Tại Trung Quốc, số liệu báo cáo do Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Trung Quốc tuyên bố, trong 11 tháng đầu năm 2016 có 2.337 học sinh bị kết tội vì gây bạo lực học đường.

Tại Nhật Bản, khảo sát năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nước này cho thấy số vụ bắt nạt ở cấp tiểu học và trung học tăng lên mức kỷ lục là 224.540 trường hợp, tăng hơn 36.400 trường hợp so với năm 2015.

Còn tại Hàn Quốc, theo khảo sát được thực hiện bởi Quỹ Phòng, chống bạo lực thanh thiếu niên Hàn Quốc (vào tháng 11 và 12 năm 2009) có đến 22% học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở bị bắt nạt ở trường.

Cho đến năm 2016, số lượng học sinh Tiểu học bị bạo lực học đường chiếm đến 67% số vụ bạo lực học đường...

Trước thực trạng bạo lực học đường diễn biến phức tạp, các nước trên thế giới đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình, chiến lược quốc gia về vấn đề này.

[Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tăng giải pháp phòng chống bạo lực học đường]

Đơn cử như Hàn Quốc đã ban hành luật chống bạo lực và bắt nạt học đường vào năm 2004, hay Philippines cũng ban hành Đạo luật chống bắt nạt (2016) đề cập đến cả bắt nạt truyền thống và bắt nạt trực tuyến, Australia có Khung chuẩn quốc gia về trường học an toàn (2004); Thụy Điển có Luật chống phân biệt (2009) và Luật Giáo dục sửa đổi (2010) cấm tất cả các hình thức phân biệt và bắt nạt ở trường học...

Ở Mỹ không có riêng một điều luật về phòng, chống bạo lực và bắt nạt, nhưng tất cả nội dung này đều được quy định trong các điều luật về nhà trường, luật về môi trường trường học an toàn và không có chất gây nghiện; đạo luật về môi trường cộng đồng an toàn thân thiện...

Ông Travis Stewart, Phó Tổng Giám đốc của Egroup nhìn nhận: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường, nhưng nguyên nhân chính vẫn là sự bỏ bê.

Những bạn nhỏ phải chịu sự thờ ơ từ người xung quanh thường có hành vi tiêu cực nhằm tìm kiếm sự chú ý hoặc gây tổn hại cho người khác vì chính họ cũng không biết cách kiểm soát nỗi đau của mình.

Một bạn nhỏ có hoàn cảnh gia đình thiếu ổn định, hoặc không được gia đình ủng hộ, sẽ cảm thấy mệt mỏi, tuyệt vọng và coi việc sử dụng bạo lực như biện pháp để xử lý các vấn đề cá nhân.

Nguyên nhân cũng không chỉ giới hạn ở gia đình. Những khó khăn của học sinh ở trường không được giáo viên kịp thời nhận biết và thay vì thấu hiểu, đồng cảm, lại bị cư xử quá nghiêm khắc sẽ dẫn đến tình trạng ức chế và hành vi gây gổ với bạn bè.

Ngược lại, ở những học sinh đạt thành tích vượt mong đợi, nhưng chưa học được về lòng biết ơn thì lại gặp vấn đề về phức cảm tự tôn.

Đây là vấn đề phức tạp ở nhiều nước khi các phụ huynh luôn đánh giá cao con mình ở trí thông minh, chứ không phải vì con đã làm việc chăm chỉ hay vì công sức con bỏ ra để đạt được mục tiêu.

Một số phụ huynh cũng che chở con quá đà, luôn tự mình thay con giải quyết vấn đề dẫn đến trẻ chưa bao giờ trải qua khó khăn hay thất bại, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận thế giới khi lớn lên. Vì vậy, việc xây dựng tính cách từ khi trẻ còn nhỏ là điều hết sức quan trọng.

Đến thực trạng tại Việt Nam

Theo báo cáo của đoàn kiểm tra, khảo sát liên ngành của Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2011 đến hết quý 1 năm 2018, cả nước xảy ra 18.571 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường liên quan đến cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên với 32.418 đối tượng và 15.757 người là nạn nhân.

Bạo lực học đường: Chuyện không chỉ riêng của Việt Nam ảnh 2Những tổn thương về tâm lý là vết thương khó có thể chữa lành khi xảy ra bạo lực học đường. (Ảnh cắt từ clip)

Trong đó, phần lớn vụ việc là đánh nhau gây thương tích, chiếm 64,01%, uy hiếp tinh thần chiếm 4,92%, xâm hại tình dục chiếm 1,37% và các hình thức khác chiếm 26,9%.

Đáng lưu ý, hơn 53% các vụ việc xảy ra trong trường học. Xét về địa bàn, 51,8% vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường xảy ra tại khu vực nông thôn; hơn 30% xảy ra ở khu vực thành thị và gần 15% xảy ra ở khu vực miền núi, trung du.

Tình trạng cán bộ, nhà giáo phạm tội, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, vi phạm đạo đức nghề nghiệp tuy cá biệt nhưng vẫn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ngành giáo dục.

Trong tổng số 18.571 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường giai đoạn 2011-2018, có 251 đối tượng là nhà giáo (chiếm 0,77%) và 163 cán bộ quản lý (chiếm 0,5%).

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công tác Học sinh Sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết thời gian qua, công tác xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo ban hành khá đầy đủ: Luật Giáo dục 2005, Luật Trẻ em 2016 quy định các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ khỏi bạo lực học đường.

Chính phủ ban hành Nghị định 80 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Quyết định, 1 Chỉ thị. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành theo thẩm quyền 25 văn bản, gồm các thông tư, quyết định, chỉ thị, các văn bản chỉ đạo điều hành và văn bản hành chính khác.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, cơ sở giáo dục. Cá biệt, một số vụ bạo lực học đường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Việc xảy ra tình trạng bạo lực học đường, theo ông Bùi Văn Linh, xuất phát từ một số nguyên nhân như tác động của mặt trái kinh tế thị trường và quá trình hội nhập; sự bùng nổ công nghệ thông tin, mạng xã hội.

Bạo lực học đường: Chuyện không chỉ riêng của Việt Nam ảnh 3Để giáo dục trẻ cần sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường, xã hội. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Giáo dục trong một số gia đình chưa thực sự lành mạnh, nhiều bậc cha mẹ còn khoán trắng việc quản lý, giáo dục con em cho nhà trường; sự thay đổi nhanh chóng về tâm sinh lý của học sinh...

Ngoài ra, để xảy ra bạo lực học đường còn bởi một số địa phương chưa thường xuyên chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống chưa thực sự được quan tâm và hiệu quả chưa cao. Phối hợp giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Đặc biệt, các học sinh có hoàn cảnh éo le, khó khăn, có vướng mắc mâu thuẫn chưa được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

Một số nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đôn đốc thực hiện ở cơ quan quản lý cấp trên chưa thường xuyên, kịp thời.

Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành tại các địa phương thiếu chặt chẽ; vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh."

Nghĩa là ở trung ương và cấp tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo triển khai những vấn đề nóng, bức xúc của dư luận xã hội, nhưng ở cơ sở vẫn còn tình trạng thờ ơ, bàng quan, không quan tâm triển khai thực hiện.

Nhiều quốc gia đã có các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường và xây dựng môi trường học đường an toàn.

Trong số đó, các giải pháp phòng ngừa đa dạng như nâng cao tư duy phản biện cho học sinh, nâng cao giá trị tự trọng cho học sinh để hạn chế hành vi bạo lực; tổ chức cho cha mẹ học sinh cùng tham gia các chương trình giáo dục kỹ năng giúp trẻ phòng vệ; tổ chức các chương trình can thiệp tập trung cho các nhóm học sinh có nguy cơ cao sử dụng bạo lực... được cho là những kinh nghiệm quốc tế mà Việt Nam nên tham khảo, học hỏi để xây dựng những giải pháp thiết thực hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục