Bình gốm và hộp vàng ở Quảng Ninh được công nhận là bảo vật quốc gia

Hai bảo vật quốc gia là Bình gốm Đầu Rằm và Hộp vàng Ngọa Vân-Yên Tử được Thủ tướng Chính phủ công nhận vào đợt 7, tháng 12/2018 cùng với 20 hiện vật khác của cả nước.
Lễ công bố quyết định công nhận bảo vật Quốc gia. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
Lễ công bố quyết định công nhận bảo vật Quốc gia. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Ngày 22/4, tại thành phố Hạ Long, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức lễ công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia và khai mạc trưng bày chuyên đề “Từ Thăng Long đến Yên Tử-Hành trình từ bậc minh quân đến đức Phật Hoàng."

Hai bảo vật quốc gia là Bình gốm Đầu Rằm có niên đại Văn hóa Phùng Nguyên muộn cách đây 3.000-3.400 năm và Hộp vàng Ngọa Vân-Yên Tử có niên đại từ thế kỷ 14 của Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ công nhận vào đợt 7, tháng 12/2018 cùng với 20 hiện vật khác của cả nước.

Kiệt tác gốm tiền sơ sử

Bình gốm Đầu Rằm được đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phát hiện năm 1998 tại di tích khảo cổ học Đầu Rằm thuộc xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên hiện nay.

Qua tìm hiểu được biết, bình gốm Đầu Rằm được làm bằng đất sét, nung ở nhiệt độ khoảng 700-800 độ C, thuộc loại gốm chắc. Xương gốm màu xám đen và được làm từ đất sét pha vụn vỏ nhuyễn thể. Áo gốm màu đỏ sẫm, làm bằng đất sét mịn pha bột thổ hoàng. Kỹ thuật chế tác xương gốm và áo gốm của cư dân Đầu Rằm tương tự kỹ thuật cư dân văn hóa Hạ Long.

Đánh giá về việc lựa chọn bình gốm Đầu Rằm làm hồ sơ công nhận Bảo vật quốc gia, ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, cho hay, trước hết vì đây là hiện vật gốc độc bản được tìm thấy trong số hàng trăm di tích thời đại tiền sơ sử ở miền Bắc Việt Nam.

Nghệ thuật gốm Phùng Nguyên luôn được đề cao như là một đỉnh cao kỹ-mỹ nghệ trong kho tàng gốm Việt Nam thời tiền sơ sử.

Nhiều sản phẩm tiêu biểu như thạp gốm, bát bồng, bình gốm… phát hiện nhiều tiêu bản ở nhiều di tích khác nhau là minh chứng vật chất về bàn tay tài hoa của cư dân Phùng Nguyên.

Tuy nhiên, cho đến nay, bình gốm Đầu Rằm vẫn là hiện vật gốm có hình dáng chiếc gùi tre duy nhất của thời đại đồng thau sơ kỳ được phát hiện trong khảo cổ học.

Các nhà nghiên cứu đều nhận định bình gốm Đầu Rằm thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Phùng Nguyên. Kết quả phân tích bằng phương pháp nhiệt huỳnh quang cung cấp niên đại tuyệt đối khoảng 3100 năm cách ngày nay.

Từ giai đoạn sau Phùng Nguyên, khi đồ đồng dần phát triển, sự tài khéo và cảm nhận thẩm mỹ của người Việt đã dần chuyển sang đồ đồng. Do vậy, những tác phẩm tuyệt mỹ như bình gốm Đầu Rằm hay bát bồng và thố Phùng Nguyên đều không được sản xuất nữa.

Các loại hoa văn trang trí trên bình gốm Đầu Rằm là điển hình của gốm văn hóa Phùng Nguyên, như hoa văn hình chữ S, hoa văn chấm dải, hoa văn hình rẻ quạt, hoa văn hình elip.

Bình gốm Đầu Rằm cũng là hiện vật có hình thức độc đáo, một tác phẩm kỹ- mỹ thuật sáng tạo tuyệt vời cả về hình dáng và hoa văn trang trí. Bình sử dụng các loại hoa văn trang trí điển hình của gốm văn hóa Phùng Nguyên như hoa văn hình chữ S, hoa văn chấm dải, hoa văn hình rẻ quạt, hoa văn hình elip…

Kỹ thuật đối xứng trên hoa văn, nhất là hoa văn chữ S là chủ đạo trên bình gốm Đầu Rằm đã chứng minh rằng cư dân nơi đây thời đại đồng thau sơ kỳ đã biết và vận dụng thành thạo tư duy đối xứng trong trang trí hoa văn gốm, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ kinh nghiệm sản xuất.

Sự lặp lại nhiều lần của một họa tiết hoa văn hình chiếc lá theo vành tròn đồng tâm trên vai bình dường như là sự phản ánh nhận thức của con người về những chu kỳ luân chuyển mùa trong năm, sự thay đổi ngày và đêm, nóng và lạnh, trăng khuyết trăng tròn, sự đâm chồi, sinh trưởng, đơm hoa kết quả của cây trái...

Từ bình gốm Đầu Rằm có thể nghiên cứu về di tích Đầu Rằm, văn hóa Tràng Kênh và lịch sử Quảng Ninh nói riêng, lịch sử khu vực duyên hải Đông Bắc nói chung trong giai đoạn sơ kỳ thời đại đồng thau.

Đóa sen vàng “mãn khai”

Cũng là một hiện vật độc bản, hộp vàng Ngọa Vân-Yên Tử được tạo dáng giống như một đóa sen đang độ “mãn khai” và làm chủ yếu bằng vàng nên còn được gọi là hộp vàng hình hoa sen.

Hộp vàng Ngọa Vân-Yên Tử là cốc/bát Át già, một trong 6 vật khí quan trọng sử dụng trong nghi lễ của Phật giáo Mật tông.

Theo nghiên cứu, hộp được chế tác bằng kỹ thuật gò trên khuôn và tạo hoa văn bằng kỹ thuật khắc, gò bằng tay - loại kỹ thuật luôn cho ra những sản phẩm đơn chiếc, thể hiện cung bậc cảm xúc riêng của người thợ ở từng thời điểm nhất định.

[Công nhận bảo vật quốc gia đối với 22 hiện vật, nhóm hiện vật]

Các họa tiết hoa văn, nhất là nền gấm văn mây làm nền họa tiết hoa chanh là họa tiết chính, cho thấy trình độ và kỹ thuật hết sức điêu luyện của nghệ nhân.

Các đường nét và họa tiết hoa văn nhỏ, với nét khắc sắc nét, khỏe khoắn trên thành hộp rất mảnh cho thấy, một nghệ nhân bình thường không thể tạo nên sản phẩm đặc biệt sắc sảo như vậy, mà hẳn phải là một nghệ nhân cao cấp trong các xưởng thợ do triều đình thành lập.

Hộp vàng Ngọa Vân-Yên Tử được phát hiện ngày 21/6/2012 tại thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, trong quá trình thi công mở rộng con đường từ Trại Lốc lên Ngọa Vân (nơi vua Trần Nhân Tông hóa Phật), nằm trong quần thể các di sản nhà Trần tại Đông Triều.

Các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng, đây là cốc/bát Át già, một trong 6 vật khí quan trọng sử dụng trong nghi lễ của Phật giáo Mật tông. 

Trưng bày chuyên đề “Từ Thăng Long đến Yên Tử"

Nhân dịp này bình gốm Đầu Rằm và Hộp vàng Ngọa Vân được công nhận là bảo vật quốc gia, Bảo tàng Quảng Ninh cũng trưng bày triển lãm “Từ Thăng Long đến Yên Tử-Hành trình từ bậc minh quân đến đức Phật Hoàng" với 100 bức ảnh, tư liệu, hiện vật, hình ảnh di tích qua các cuộc khai quật cổ tại di tích Thăng Long; hệ thống các di tích liên quan đến nhà Trần và Trúc Lâm Yên Tử tại Quảng Ninh.

Triển lãm nhằm giới thiệu những giá trị lịch sử văn hóa thời Trần nói chung, tư tưởng và các di sản của Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông nói riêng trong hệ thống các giá trị lịch sử nhà Trần, qua đó nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 30/5./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục