Cứu sống một cụ bà 90 tuổi bị thủng ruột do bệnh lý hiếm gặp

Các bác sỹ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phẫu thuật thành công cho cụ bà T. (90 tuổi, quê ở Hưng Yên) bị thủng ruột do thoát vị bịt - một bệnh lý hiếm gặp và nguy hiểm.
Cứu sống một cụ bà 90 tuổi bị thủng ruột do bệnh lý hiếm gặp ảnh 1Hình ảnh chụp CT của bệnh nhân.

Ngày 22/4, bác sỹ Nguyễn Văn Trưởng, Khoa Phẫu thuật Hậu môn-Trực tràng, Viện phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết các bác sỹ của khoa đã phẫu thuật thành công cho cụ bà T. (90 tuổi, quê ở Hưng Yên) bị thủng ruột do thoát vị bịt - một bệnh lý hiếm gặp và nguy hiểm.

Cụ bà T. nhập viện trong tình trạng cơ thể suy kiệt, cân nặng khoảng 30kg, nói thều thào không thành tiếng, bụng chướng, nguy cơ bệnh lý tim mạch và hô hấp rất cao.

Qua thăm khám và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, bệnh nhân được chẩn đoán là tắc ruột do thoát vị bịt nghẹt bên trái ngày thứ 12.

Trên hình ảnh cắt lớp vi tính có hình ảnh mức khí-dịch trong hố bịt trái nghi đã hoại tử ruột, gây áp xe hố bịt, nguy cơ phải cắt đoạn ruột.

Bệnh nhân được mổ cấp cứu sau 3 giờ nhập viện. Các bác sỹ đã kiểm tra toàn bộ ruột non, thấy cách góc hồi manh tràng khoảng 25-30cm, quai hỗng tràng thoát vị nghẹt vào trong hố bịt.

[Cấp cứu bệnh nhân bị lưỡi máy cắt chè cắt cứa ngang cổ chân trái]

Sau khi giải phóng quai ruột nghẹt ra khỏi lỗ bịt, các bác sỹ thấy thành ruột của bệnh nhân đã bị hoại tử lỗ thủng đường kính 2cm, bờ mép nham mở mủn nát, đồng thời có dịch mủ chảy từ trong hố bịt trái.

Kíp mổ đã hội chẩn cấp cứu với chỉ huy khoa tại bàn mổ ngay trong đêm và quyết định cắt đoạn ruột kèm lỗ thủng, phục hồi lưu thông tiêu hóa bằng miệng nối bên-bên.

Sau đó, các bác sỹ đã bơm rửa làm sạch hố bịt, khâu kín lỗ bịt để tránh tái phát, rạch rộng mặt trong đùi trái kiểm tra vì nghi áp xe hố bịt sẽ lan xuống.

Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân diễn biến ổn định, tiêu hóa lưu thông và đã tập ăn qua đường miệng. Bệnh nhân đã khỏi bệnh, ra viện và không có biến chứng.

Thoát vị bịt là bệnh lý hiếm gặp, chiếm khoảng 0,07-1%. Bệnh hay xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi, gầy, sinh đẻ nhiều (cụ bà T. có tiền sử đẻ thường 7 lần). Một phần của quai ruột bị mắc kẹt trong lỗ bịt vì lỗ bịt nhỏ không đủ để toàn bộ chu vi của quai ruột chui vào.

Triệu chứng của bệnh không điển hình, chẩn đoán sớm thường khó khăn, bệnh diễn biến nhanh dẫn đến hoại tử, thủng ruột trên nền bệnh nhân già, yếu, nhiều bệnh lý kết hợp nên nguy cơ biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục