Dịch tả lợn châu Phi lan nhanh, Nam Định siết chặt khâu vận chuyển

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh Nam Định, tính đến 18/4, dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở gần 6.000 hộ chăn nuôi tại 90 xã, phường, thị trấn của 9/10 huyện, thành phố.
Chốt kiểm dịch trên địa bàn huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)
Chốt kiểm dịch trên địa bàn huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Nam Định chưa đầy 2 tháng nhưng đã lan rộng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, với số lợn ốm, chết phải tiêu hủy lên tới hàng chục nghìn con.

Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã dồn sức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch song bệnh dịch này vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh Nam Định, tính đến ngày 18/4, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở gần 6.000 hộ chăn nuôi tại 90 xã, phường, thị trấn của 9/10 huyện, thành phố.

Tổng số lợn ốm, chết phải tiêu hủy gần 28.000 con, trọng lượng trên 1.350 tấn.

Hiện tại Nam Định chỉ còn duy nhất huyện Ý Yên chưa phát hiện dịch bệnh này.

Ngay khi địa bàn có dịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định đã trực tiếp về cơ sở kiểm tra, chỉ đạo việc phòng, chống dịch, giao trách nhiệm cho từng ngành, các địa phương, tránh tính trạng chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố đã thành lập một đội kiểm dịch lưu động và 87 chốt kiểm dịch thường trực 24/24 giờ trên các tuyến đường giao thông để kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ thịt lợn ra, vào địa bàn.

[Số lượng lợn được vận chuyển từ Bắc vào Nam tăng mạnh]

Tỉnh Nam Định đã phân bổ 25.000 lít hóa chất cho các địa phương phục vụ phòng, chống dịch. Các huyện, thành phố đã trích ngân sách mua bổ sung gần 3.000 lít hóa chất và hàng trăm tấn vôi bột tiến hành phun, rải trên các trục đường giao thông, nơi tiêu hủy lợn, khu vực ổ dịch, chuồng trại chăn nuôi.

Tại vùng có dịch, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm việc kiểm soát vận chuyển, tiêu độc, khử trùng đối với các phương tiện vận chuyển đi qua chốt kiểm dịch...

Dịch tả lợn châu Phi lan nhanh, Nam Định siết chặt khâu vận chuyển ảnh 1Người chăn nuôi lợn ở xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định rắc vôi bột xung quanh khu vực chuồng nuôi để phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Dù cấp ủy đảng, chính quyền sở tại, các cơ quan chức năng, người chăn nuôi đã tích cực thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống song dịch tả lợn châu Phi vẫn lan nhanh và có xu hướng khó kiểm soát tại Nam Định.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan, nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh là do mật độ chăn nuôi cao. Các hộ chưa thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và vệ sinh tiêu độc, khử trùng.

Tại các địa phương, vẫn còn tình trạng khi phát hiện lợn ốm, người chăn nuôi không báo ngay cho chính quyền cơ sở và cán bộ thú y mà tự mua thuốc điều trị; việc quản lý giết mổ, mua bán, vận chuyển lợn, nhất là lợn sữa chưa triệt để...

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tả lợn châu Phi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương, cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người chăn nuôi, người tiêu dùng hiểu đúng về dịch bệnh này có biện pháp phòng, chống hiệu quả và không quay lưng với thịt lợn cũng như các sản phẩm từ thịt lợn.

Các huyện, thành phố siết chặt việc kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn ra, vào địa bàn, đặc biệt là những người thu mua lợn sữa, các bến đò, bến phà giao thương với những địa phương có dịch trong vùng.

Các chốt kiểm dịch của tỉnh, huyện, xã phải tổ chức trực 24/24 giờ kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật qua chốt, phun thuốc khử trùng; nghiêm cấm việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn ra, vào vùng dịch.

Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp phòng dịch hiệu quả nhất, do đó các địa phương, cơ quan chuyên môn hướng dẫn các hộ áp dụng quy trình công nghệ vào chăn nuôi, xây dựng chuồng nuôi đảm bảo thông thoáng, hợp vệ sinh; tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi theo yêu cầu phòng, chống dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục