Tháo gỡ khó khăn Dự án cao tốc huyết mạch Trung Lương-Mỹ Thuận

Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận là một trong những tuyến đường huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng Tây Nam Bộ với Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía
Tháo gỡ khó khăn Dự án cao tốc huyết mạch Trung Lương-Mỹ Thuận ảnh 1Công trường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Ngày 20/3, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận tổ chức hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.

Đại diện bộ ngành và các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhà thầu thi công tham dự hội nghị.

Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận là một trong những tuyến đường huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng Tây Nam Bộ với Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án được thực hiện theo hợp đồng BOT, có tổng chiều dài 51,1km với điểm đầu tại nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp giữa đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương) và điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

Dự án được khởi công lần đầu từ tháng 11/2009. Sau hơn 5 năm rơi vào bế tắc, đến ngày 7/2/2015 dự án được tái khởi động bởi liên danh các nhà đầu tư gồm Tuấn Lộc-Yên Khánh-BMT-Thắng Lợi-Hoàng An-Công ty cổ phần đầu tư cầu đường CII. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào quý 2/2020.

[Đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận sẽ thông tuyến vào cuối năm 2020?]

Sau khi tái khởi động lần 2, dự án lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và được đánh giá là không có cơ sở đảm bảo đúng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ.

Vướng mắc lớn nhất tại dự án này là phướng án tài chính bị phá vỡ, lãi suất giữa vốn vay của hợp đồng dự án và lãi suất vay ngân hàng có sự chênh lệch lớn dẫn đến không giải ngân được vốn vay tín dụng.

Bên cạnh đó, do những thay đổi của luật quản lý tài sả công nên nguồn doanh thu thu phí tại trạm Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương để hỗ trợ tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu không thực hiện được.

Đến nay, dự án mới thi công thực tế đạt khoảng 19% tổng khối lượng và đình trệ từ cuối năm 2018. Nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên, Tập đoàn Đèo Cả đã tham gia vào Liên danh thực hiện dự án, qua đó tích cực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ. Đến nay, dự án đã được tái khởi động lại, với quyết tâm thông tuyến dự án vào cuối năm 2020 như chỉ đạo của Chính phủ.

Tháo gỡ khó khăn Dự án cao tốc huyết mạch Trung Lương-Mỹ Thuận ảnh 2Các đại biểu thị sát công trường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Công ty Cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận cho biết, những vướng mắc về pháp lý khiến dự án gặp những khó khăn để triển khai, vào ngày 19/4, Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã làm việc với Liên danh nhà đầu tư để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đưa Dự án về đích thông tuyến vào cuối năm 2020.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cam kết sẽ ký lại phụ lục hợp đồng, khẩn trương tham khảo ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để các bên ngồi lại với doanh nghiệp dự án đi tới ký kết. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng thống nhất kế hoạch tiến độ, rà soát đơn giá vật liệu, điều chỉnh tổng mức, phê duyệt lại dự án khả thi.

Về kinh phí 2.186 tỷ đồng mà Chính phủ ghi vốn hỗ trợ cho dự án, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã ký văn bản đề nghị bộ, ngành bố trí nguồn vốn này và sẽ đốc thúc Chính phủ sớm rót nguồn hỗ trợ cho dự án. Trong khi đó, phần giải phóng mặt bằng do Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã đạt được 98% khối lượng (50,51km).

Đối với tổng mức đầu tư Dự án, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thống nhất cập nhật lại tổng mức đầu tư phải áp dụng giá vật tư, vật liệu theo báo giá vật liệu do Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành đúng theo hướng dẫn tại Thông tư 06/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh tổng mức đầu tư giảm từ 14.678 tỷ đồng xuống 9.669 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty đề nghị thống nhất áp dụng giá vật tư, vật liệu theo báo giá vật liệu do Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành đối với dự toán các gói thầu xây lắp; đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thống nhất không áp dụng các nội dung quy định không phù hợp trong hợp đồng trước đây; thống nhất chủ trương “việc sử dụng các đường địa phương hiện hữu và thực hiện việc hoàn trả sau khi hoàn thành dự án” bổ sung vào dự án làm cơ sở cập nhật vào điều chỉnh dự án.

Bên cạnh đó, đối với các đơn vị khác như tỉnh Tiền Giang và doanh nghiệp dự án, nhà thầu... tùy vào chức năng của từng đơn vị cần đẩy nhanh việc tháo gỡ những khó khăn, tất cả vì mục tiêu đẩy nhanh tiến độ dự án để đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Theo ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận, với thời hạn chỉ còn 18 tháng, lại có một mùa mưa nên nhà đầu tư đã điều chỉnh lại biện pháp thi công; trong đó, tập trung vào việc xử lý nền đất yếu, để đảm bảo chất lượng công trình.

Ngoài ra, nhà đầu tư rà soát đánh giá lại năng lực nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, qua đó bổ sung tăng cường nhà thầu đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm và tổ chức thi công đồng loạt trên dự án, áp dụng các giải pháp tổ chức thi công tói ưu bù đắp tiến độ, chia nhỏ các môn đun và khối lượng để triển khai, kiểm soát theo hướng chuyên nghiệp hóa trong các công việc chuẩn bị, vận dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ... để làm sao cho dự án tái khởi động với tiến độ nhanh nhất hoàn thành mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục