Nền tảng cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân phát triển

Việc Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được cho là sẽ tạo nên những nền tảng và bệ đỡ quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển và tiến xa.
Nền tảng cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân phát triển ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều đổi thay mạnh mẽ, các chuyên gia kinh tế cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang đứng trước những thách thức và trở ngại lớn để đứng vững.

Vì vậy, doanh nghiệp nếu không ngừng đổi mới, học hỏi thì rất khó phát triển và mở rộng quy mô trong thời điểm này.

Ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Halcom Việt Nam, cho rằng nền kinh tế đang có động lực tăng trưởng cao và ổn định trong nhiều năm.

Các lĩnh vực kinh tế chủ chốt như dầu khí, ngân hàng, bất động sản phát triển theo hướng ngày càng lành mạnh và hiệu quả hơn trong sử dụng nguồn vốn và tài sản công nhờ vào chủ trương phòng chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ.

Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong giai đoạn gần đây nhằm đa dạng hóa thị trường và “tiến” sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu...

Điều này đang tạo nên những nền tảng và bệ đỡ quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển và tiến xa.

Song song với thời cơ ấy, những thách thức đặt ra đối với khu vực kinh tế này, theo ông Huân là môi trường đầu tư, kinh doanh tuy đã cải thiện nhưng chưa nhiều; chưa tạo động lực để các doanh nghiệp đủ sức bứt phá trong quá trình cạnh tranh.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn biến còn phức tạp, khó lường và chủ nghĩa bảo hộ lan rộng bằng cách đánh thuế hàng nhập khẩu, thu hẹp hạn ngạch hay nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Điều này cũng khiến thị trường xuất khẩu bị thu hẹp hoặc làm cho hoạt động xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn.

[Phát triển kinh tế tư nhân là một trong những trọng tâm đột phá]

Sự biến động, mất giá của đồng nhân dân tệ cũng đã và đang gây sức ép nhất định lên tỷ giá đồng Việt Nam khiến gia tăng chi phí sản xuất, xuất khẩu và làm giảm lợi thế so sánh của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Chính sức ép về tỷ giá cũng có thể làm tăng lãi suất tiền đồng và làm tăng chi phí vốn của các doanh nghiệp.

Ở một góc nhìn khác, phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên nhận định không chỉ các doanh nghiệp nhỏ mà ngay chính các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam dù có nhiều cơ hội để vươn lên, nhưng vẫn gặp phải những rủi ro.

Thêm nữa, các doanh nghiệp lại bị “trói buộc” và hạn chế bởi nhiều thể chế, chính sách và các quy định đặc thù như lãi suất, tỷ giá hối đoái cùng hàng nghìn thủ tục, quy định khác....

Từ đó khiến họ luôn cảm thấy bị phân biệt đối xử ngay tại chính thị trường sân nhà so với khu vực đầu tư có vốn trực tiếp nước ngoài.

Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên cũng chỉ ra một số yếu điểm của khu vực kinh tế tư nhân như dễ bị tổn thương.

Sự đa dạng hóa ngành nghề không theo kịp xu thế toàn cầu nên các doanh nghiệp tư nhân trong nước thường liên kết rất yếu với các mạng sản xuất toàn cầu.

Tính phi chính thức cao và ít có dấu hiệu cải thiện; xu hướng “li ti hóa” của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thể hiện rõ nhất ở mức độ hấp thụ công nghệ.

“Căn nguyên của những yếu kém nêu trên là do sự thiếu vắng một hệ chính sách nhất quán và phù hợp. Sự thiếu bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong tiếp cận vốn đầu tư.

Phần lớn chi ngân sách Nhà nước là dành cho doanh nghiệp Nhà nước thông qua việc cấp tín dụng trực tiếp để tăng vốn hàng năm, trong khi các doanh nghiệp tư nhân phải tự cạnh tranh nhau để tiếp cận tài chính từ hệ thống các ngân hàng,” ông Thiên khẳng định.

Từ thực tiễn địa phương, báo cáo của Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội nêu rõ: trình độ phát triển của kinh tế tư nhân còn thấp, thiếu vốn và mặt bằng sản xuất, kinh doanh.

Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, manh mún và mang nặng tính chất gia đình, ít liên kết với nhau hoặc với kinh tế Nhà nước hay kinh tế tập thể.

Trình độ công nghệ và tay nghề của công nhân chưa cao, máy móc, thiết bị lạc hậu, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, chưa tạo được nhiều sản phẩm uy tín, có thương hiệu, ý thức bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng chưa cao.

Năng lực quản trị nội bộ ở nhiều doanh nghiệp còn yếu, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn...

Xuất phát từ thực tiễn ấy, nhiều chuyên gia kinh tế đặt vấn đề, trong bối cảnh nhiều thay đổi với không ít thách thức cũng như cơ hội kể trên thì khu vực kinh tế tư nhân, cụ thể là các doanh nghiệp tư nhân cần phải vận động như thế nào để tạo nên những chuyển biến có lợi và hữu ích cho chính mình để dựa thế vươn lên, vươn xa và phát triển.

Bà Vũ Thị Vân Phượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần VietRAP Đầu tư Thương mại, bày tỏ hiểu rõ những rào cản là cách để doanh nghiệp tìm hướng đi và thoát khỏi những khó khăn.

Ban đầu, khi tham gia kinh doanh, hệ thống kế toán, tài chính ở nhiều doanh nghiệp còn chưa minh bạch, thông tin chưa chuẩn nên khả năng tiếp cận vốn ngân hàng sẽ khó khăn.

Thêm nữa, doanh nghiệp nông nghiệp không có tài sản thế chấp cho các khoản vay và không có mối quan hệ lâu dài với ngân hàng thông qua việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng nên sẽ gặp khó trong việc tiếp cận nguồn tín dụng là đương nhiên.

Cũng theo bà Phượng, doanh nghiệp tư nhân cần minh bạch hơn nữa trong các hoạt động kinh doanh; xây dựng chiến lược phát triển và kế hoạch hành động rõ ràng để phía các ngân hàng nhận thấy rõ tiềm năng và thế mạnh của doanh nghiệp cũng như lĩnh vực đầu tư cho nông nghiệp.

“Tự lực cánh sinh” là quan điểm mà ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tư nhân Việt Nam luôn nhấn mạnh với các thành viên.

Ông Huân cho hay các doanh nghiệp cần xây dựng cho mình chiến lược kinh doanh trong từng thời kỳ, dựa trên cơ sở nghiên cứu những điểm mạnh và điểm yếu, cơ hội và thách thức nhằm điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, dịch vụ, thị trường, phương thức kinh doanh.

Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh, khả năng thích ứng với thị trường. Doanh nghiệp cũng cần đầu tư hơn nữa cho việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để có thể tận dụng và phát huy những thế mạnh của công nghệ 4.0.

Doanh nghiệp tư nhân cũng rất cần những cơ chế hỗ trợ về tài chính như tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, các thành tựu về đổi mới và công nghệ hiện đại...

Ông Huân cũng đề cao văn hóa doanh nghiệp trong kinh doanh, xây dựng truyền thống và uy tín của doanh nghiệp bằng việc tôn trọng pháp luật, lợi ích của các bên tham gia; trong đó, đặc biệt là lợi ích cộng đồng.

Doanh nghiệp cần có sự nề nếp trong quản lý kinh doanh một cách minh bạch và trung thực; thực thi nghiêm túc trách nhiệm xã hội, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại, làm hàng giả, trốn thuế, gian lận sổ sách, đầu cơ, chộp giật và lừa đảo... Đó chính là nền tảng và là sức mạnh để doanh nghiệp dù ở bất kỳ quy mô nào cũng sẽ tồn tại vững chắc và phát triển một cách vững bền trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục