Chấn động bạo lực học đường: Chỉ là phần nổi của 'tảng băng trôi’

Học sinh Hưng Yên đánh hội đồng, lột đồ bạn. Học sinh lớp 5 ở Nghệ An dùng dao đâm bạn, giáo viên ở Bà Rịa-Vũng Tàu đánh 22 học sinh bầm tím. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của 'tảng băng trôi'.
Ảnh minh họa. (Nguồn: educhatter.wordpress.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: educhatter.wordpress.com)

Dù Việt Nam có rất nhiều hành lang pháp lý liên quan như Hiến pháp, Luật Trẻ em, Luật Giáo dục, Nghị quyết của Chính phủ, ngành giáo dục có tới hơn 10 chỉ thị, thông tư… nhưng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn trầm trọng hơn. Bạo lực không chỉ về thể chất mà cả tinh thần, không chỉ giữa học sinh với học sinh mà cả giáo viên với học sinh, học sinh với giáo viên, phụ huynh với giáo viên…

Theo các chuyên gia, hậu quả của bạo lực học đường không chỉ đơn giản là nỗi đau thể chất mà quan trọng hơn là vết thương tâm hồn của học sinh.

Những vết thương trên thân thể sẽ lành, nhưng những vết thương trong tâm hồn sẽ mãi là ám ảnh suốt cuộc đời. Đặc biệt, việc thường xuyên phải chịu những hành động bạo lực, dù chỉ ở mức độ thấp, cũng sẽ hình thành nên những tính cách tiêu cực như hèn nhát, không có chính kiến, không dám bảo vệ lẽ phải, vô cảm, thậm chí có xu hướng sử dụng bạo lực trong giới học sinh, những thế hệ tương lai của đất nước.

Trong khi đó, Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng năm 2013 đặt mục tiêu giáo dục nên những con người biết sống yêu thương, trung thực, dũng cảm, có tinh thần phản biện và sáng tạo.

Vì thế, giải quyết bạo lực học đường là bài toán cấp thiết. Đâu là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng trên, giải pháp nào để có thể chấm dứt tình trạng giáo viên đánh học sinh, giảm thiểu tình trạng học sinh đánh học sinh… là những vấn đề được đề cập đến trong loạt bài “Đẩy lùi bạo lực học đường vì tương lai đất nước.”

Bài 1: Chấn động bạo lực học đường - Chỉ là phần nổi của 'tảng băng trôi’

Trong khi dư luận vẫn còn chưa hết bàng hoàng trước vụ việc một nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị bạn đánh hội đồng, lột quần áo ngay tại lớp học, trong tiếng cổ vũ của nhiều bạn bè khác và không nhận được sự hỗ trợ của giáo viên thì lại tiếp tục sửng sốt và xót xa trước thông tin 22 học sinh lớp 8 Trường Trung học cơ sở Long Toàn (thành phố Bà Rịa-Vũng Tàu) bị cô giáo đánh đến bầm tím.

Nhưng tất cả những vụ việc gây chấn động đó chỉ là phần nổi của 'tảng băng trôi'.

Bạo lực học đường ngày càng phức tạp

Choáng váng, kinh hoàng, khủng khiếp, không thể tin nổi… là những cảm nhận của hầu hết mọi người trước hàng loạt những vụ việc bạo lực học đường liên tục bị phanh phui trong thời gian qua. Bạo lực học đường diễn ra với mọi đối tượng liên quan trong trường học, ở nhiều cấp độ, với nhiều hình thức.

Bạo lực không chỉ về thể chất mà cả về tinh thần. Giáo viên bắt hàng chục học sinh Trường Tiểu học Bình Chánh (Bến Lức, Long An) phải quỳ gối suốt một tiết học. Giáo viên Trường Tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng. Giáo viên Trường Trung học phổ thông Long Thới (huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh) không giảng bài khi lên lớp trong suốt 3 tháng…

Chấn động bạo lực học đường: Chỉ là phần nổi của 'tảng băng trôi’ ảnh 1Học sinh đánh hội đồng và làm nhục bạn. (Ảnh cắt từ clip)

Giáo viên không những trực tiếp đánh học sinh mà còn yêu cầu các học sinh khác đánh bạn. Giáo viên Trường Trung học cơ sở Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đánh và yêu cầu học sinh cả lớp đánh hội đồng một học sinh 231 cái tát khiến em này phải nhập viện. Giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho phép học sinh tát bạn.

Bạo lực không chỉ từ giáo viên với học sinh mà cả từ học sinh với học sinh. Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Cửa Nam 1 (thành phố Vinh, Nghệ An) dùng dao đâm bạn. Học sinh ở Trường Trung học cơ sở Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) đánh hội đồng và lột đồ bạn giữa lớp học.

Bạo lực từ học sinh với giáo viên, như vụ thầy giáo và học sinh ở Hậu Giang đánh nhau trong lớp, thầy giáo ở Bình Định bị học sinh đánh phải nhập viện….

Các giáo viên thậm chí cũng đánh nhau ngay trong trường học. Hai cô giáo Trường Tiểu học Phú An 1 (Thừa Thiên Huế) đánh nhau trong trường; Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở bán trú Dân tộc thiểu số Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) đánh và lăng mạ giáo viên.

[Một nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên nhập viện vì bị đánh hội đồng]

Bạo lực học đường còn diễn ra theo lối hành xử giang hồ, ăn miếng trả miếng, khi người nhà học sinh có thể xông vào trường đánh giáo viên (thầy giáo tại ở Nghệ An, bị anh trai của học sinh đánh dập mũi vì đã đánh học sinh, giáo viên ở Bình Định ép giáo viên quỳ vì đã phạt học sinh quỳ…)

Thống kê của Bộ Công an cho thấy, giai đoạn 2011-2018, có 18.571 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường liên quan cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên với 32.418 đối tượng.

Trong đó có 251 đối tượng là giáo viên, 163 cán bộ quản lý giáo dục. Đáng tiếc, trường học vốn được xem là môi trường mô phạm, trong sáng và an toàn thì số vụ vi phạm, bạo lực học đường lại còn cao hơn bên ngoài cánh cổng trường học với 9.961 vụ, chiếm tới 53,6% tổng số vụ.

Trong buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên ngày 30/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, bạo lực học đường đang có những diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Chấn động bạo lực học đường: Chỉ là phần nổi của 'tảng băng trôi’ ảnh 2Đa số các vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường liên quan đến giáo viên, học sinh xảy ra trong nhà trường

Giáo dục bằng bạo lực sẽ sinh ra bạo lực

Nhiều ý kiến cho rằng những vụ xâm phạm trẻ em đang gây chấn động dự luận chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi những việc giáo viên xâm phạm thân thể học sinh với các cấp độ thấp hơn như tát, véo tai, vụt vào tay chân, xé vở, ném vở… ; việc học sinh đánh nhau vẫn thường xuyên xảy ra trong các nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Thanh, một giáo viên với gần 15 năm trong nghề ở Đắk Lắk, cho biết, chính bản thân mình cũng đã từng đánh, tát học sinh.

“Không chỉ tôi mà cả các đồng nghiệp đều coi đó là một trong những biện pháp để giáo dục với các học sinh hư. Chúng tôi không nghĩ đến việc mình như vậy là phạm luật, là xâm phạm thân thể học sinh, mà là để giúp các em,” cô Thanh phân trần.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Điều 4 của Luật Trẻ em quy định “bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.” Điều 69 Luật Giáo dục quy định các hành vi nhà giáo không được làm gồm “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học.”

“Điều đó có nghĩa là giáo viên không được đánh học sinh, dù chỉ là cái xách tai, hay nửa cái tát. Nửa cái tát cũng là bạo lực học đường, là vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật. Lăng mạ học sinh cũng là trái luật,” ông Lâm nói.

Chấn động bạo lực học đường: Chỉ là phần nổi của 'tảng băng trôi’ ảnh 3Việc giáo viên đánh học sinh liên tục tiếp diễn. (Ảnh cắt từ clip)

Đây cũng là khẳng định của Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung  học phổ thông FPT. Theo ông Tùng, văn bản quy phạm pháp luật về chống xâm phạm thân thể và tinh thần với trẻ em được quy định không chỉ ở Luật Giáo dục mà còn có Luật Trẻ em, Hiến pháp nhà nước Việt Nam năm 2013, Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Điều 6 Luật Trẻ em quy định nghiêm cấm các hành vi “xâm hại tình dục”, “bạo lực” trẻ em; “xúi giục, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác”; “cho trẻ em sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn, có hại cho trẻ em”. Điều 37 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định “nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

[Nghệ An: Học sinh bị bạn dùng dao gây thương tích đã ổn định tâm lý]

“Đáng buồn là nhiều khi nhà giáo không hiểu luật, không biết cái gì mình được làm, cái gì không được làm, và dường như giáo viên đang vượt quá giới hạn một cách quá vô tư. Nhiều người cứ nghĩ phải đánh trẻ rất nặng tay, kiểu như tát 231 cái hay đánh tím thân thể mới là bạo lực. Đó là nhận thức sai lầm. Tất cả những hành vi như véo tai, vụt vào tay, tát, xúc phạm nhân phẩm và danh dự trẻ, yêu cầu trẻ đánh người khác, cho trẻ ăn thực phẩm bẩn… đều là phạm luật, nhưng tiếc thay đó vẫn là những hành vi thường diễn ra trong các nhà trường, do quan điểm sai lệch trong giáo dục, thiếu hiểu biết pháp luật và chưa tôn trọng trẻ em,” ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, đây cũng là lý do để dù Việt Nam đã có rất nhiều văn bản pháp luật, từ Hiến pháp đến luật, nghị định, chỉ thị… nhưng vẫn diễn ra tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.

“Điều quan trọng là chính nhận thức sai nên giáo viên đã có hành động bạo lực với học sinh, khiến những học sinh bị bạo lực hoặc chứng kiến hành vi bạo lực đó coi việc sử dụng bạo lực để trấn áp người khác là bình thường, và có xu hướng sử dụng bạo lực. Giáo dục bằng bạo lực sẽ sinh ra bạo lực,” ông Tùng chia sẻ./.

Bài 2: Bạo lực học đường: Quan điểm lạc hậu và lỗ hổng nhận thức pháp lý

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục