Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các phương án, giải pháp xử lý nợ xấu đảm bảo kết quả xử lý nợ xấu theo đúng lộ trình.
Thống đốc yêu cầu năm 2019 các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thống đốc yêu cầu năm 2019 các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42 của Quốc hội và Quyết định số 1058 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% từ nay đến năm 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu năm 2019.

[Ngân hàng tìm cách tăng vốn điều lệ: Cái khó ló cái khôn]

Cụ thể, yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị số 01 ngày 08/01/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2019 và Chỉ thị số 05 ngày 17/9/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện kiểm soát tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro khi bán nợ cho VAMC.

Cùng với đó, văn bản cũng đề nghị các tổ chức tín dụng thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh; thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt các khoản lãi có dự thu lớn để kịp thời thoái lãi thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi...

Thống đốc yêu cầu định kỳ rà soát, cập nhật kế hoạch xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 chi tiết cho năm 2019 và 2020; tích cực triển khai các phương án, giải pháp xử lý nợ xấu đảm bảo kết quả xử lý nợ xấu theo đúng lộ trình, kế hoạch tại phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt/chấp nhận.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục chỉ đạo các bộ phận liên quan thực hiện rà soát, đánh giá cụ thể từng khoản nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 nhằm nhận diện đầy đủ thực trạng nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ xấu lớn (bao gồm các khoản nợ xấu đã hạch toán ngoại bảng), tài sản đảm bảo cho các khoản nợ này, khả năng thu hồi nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ xấu. Trên cơ sở đó, áp dụng toàn diện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu.

Mặt khác, các tổ chức tín dụng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VAMC để thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã đã bán cho VAMC.

Tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là hoạt động cấp tín dụng. Khẩn trương xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vi phạm giới hạn về tỷ lệ sở hữu. Ngăn chặn, xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cổ đông/nhóm cổ đông lớn chi phối trong các tổ chức tín dụng.

Triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt là tại các chi nhánh của tổ chức tín dụng.

Các tổ chức tín dụng cũng phải đẩy mạnh công tác truyền thông; phối hợp tích cực với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là công an, tòa án, thi hành án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất trong xử lý nợ xấu.

Đảm bảo việc xử lý nợ xấu khách quan, minh bạch và không để xảy ra tiêu cực, sai phạm. Thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình bán nợ xấu theo giá thị trường, thu hồi tối đa giá trị tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, giảm tổn thất về tài sản cho ngân hàng, đảm bảo tối đa lợi ích hợp pháp của các cổ đông.

Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tổng hợp, báo cáo kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 cho Ngân hàng Nhà nước đầy đủ, đúng tiến độ theo quy định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục