Nền kinh tế số ASEAN: Phát triển, mâu thuẫn và biến động

Theo trang mạng eurasiareview.com, an ninh mạng là một trụ cột của nền kinh tế số ASEAN, vì vậy việc củng cố năng lực trong lĩnh vực này sẽ trở nên ngày một quan trọng hơn.
Nền kinh tế số ASEAN: Phát triển, mâu thuẫn và biến động ảnh 1(Nguồn: Countercurrents)

Theo trang mạng eurasiareview.com, tự hào về một tầng lớp trung lưu ngày càng kết nối và phát triển, cũng như nguồn cơ sở dữ liệu khổng lồ với dân số lên tới 642 triệu người, nền kinh tế số của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dường như đã đến lúc “chín muồi."

Theo ước tính, tới năm 2025, giá trị của nền kinh tế này sẽ đạt mức 240 triệu USD.

Triển vọng về ưu thế thị trường và những bể dữ liệu quan trọng có thể được khai thác hiệu quả cho các công nghệ phát triển trong tương lai, cùng vị trí địa chiến lược của ASEAN, là những gì thu hút sự quan tâm của các cường quốc đối với nền kinh tế số khu vực.

Các "ông lớn" trong ngành công nghệ toàn cầu là những nhân tố nổi bật hơn trong không gian số của ASEAN, song không thể phủ nhận thực tế rằng hợp tác liên chính phủ đang ngày càng trở nên mạnh mẽ trong bối cảnh quan hệ kinh tế và an ninh khu vực ngày càng trở nên chặt chẽ hơn. Những thực tế này có ý nghĩ gì đối với ASEAN?

Cơ hội phát triển

Việc thúc đẩy đầu tư tài chính cho cơ sở hạ tầng, nền tảng số hoặc những lĩnh vực khác có thể tăng cường sự phát triển của nền kinh tế số. Những dự án hợp tác về cơ sở hạ tầng có tính cạnh tranh như Con đường Tơ lụa số (DSR) của Trung Quốc và Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEV) do Washington khởi xướng có thể giúp thu hẹp những lỗ hổng và khoảng cách về cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Trong khuôn khổ DSR, việc đầu tư hạ tầng cáp quang đã đẩy nhanh tốc độ truyền tải dữ liệu, cải thiện kết nối thông tin liên lạc. Khu Thương mại Tự do số của Alibaba tại Malaysia đóng vai trò như một trung tâm thương mại số và hậu cần xuyên biên giới, với các đầu mối tại Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, Thái Lan, góp phần thúc đẩy Hành lang Kinh tế phía Đông của Thái Lan.

Những lợi ích có thể trở thành nguồn cảm hứng cho việc thúc đẩy sáng kiến xây dựng các thành phố thông minh của ASEAN. Sau khi dự án IPEV được khởi động từ tháng 7/2018 với tổng số vốn đầu tư 25 triệu USD vào khu vực tư nhân để phát triển kết nối số và an ninh mạng, tháng 11/2018, dự án hợp tác phát triển thành phố thông minh Mỹ-ASEAN cũng đã bắt đầu được triển khai.

Không chỉ vậy, ở những lĩnh vực mà Mỹ còn chưa dành đủ sự quan tâm và ưu ái, những thành viên khác trong nhóm Bộ tứ gồm Nhật Bản, Australia, Ấn Độ cũng có những động thái tích cực.

[Vai trò của Nhật Bản trong sự phát triển cân đối ở ASEAN]

Bên cạnh dự án hợp tác về phát triển thành phố thông minh dự kiến khởi động trong năm nay, Nhật Bản sẽ đào tạo 80.000 chuyên gia công nghệ cao cho ASEAN.

Trong khi đó, Kế hoạch quản lý dữ liệu toàn cầu G20 sắp tới của Nhật Bản, cùng Sáng kiến Tiêu chuẩn Thương mại số ASEAN-Australia 2018, có thể góp phần thúc đẩy cơ sở hạ tầng lập quy đa phương cho nền kinh tế số của ASEAN.

Rủi ro là không thể tránh

Đối đầu căng thẳng giữa các cường quốc trong tiến trình xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng tương lai, nhất là mạng lưới 5G và các công nghệ tương ứng, có thể đe dọa nền kinh tế số vẫn chưa thực sự đồng bộ của ASEAN.

Cho đến nay, các nước khu vực vẫn có những quan điểm khác nhau trước áp lực của Mỹ đòi hỏi phải tẩy chay các dự án xây dựng mạng lưới 5G của Trung Quốc.

Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã có giọng điệu hòa giải hơn trong vấn đề Huawei, kêu gọi cạnh tranh thay vì “cản trở các công nghệ tân tiến," song áp lực (của Washington) yêu cầu các nước khu vực phải ủng hộ vị thế hàng đầu của Mỹ trên thị trường công nghệ thế giới không vì thế mà giảm bớt, một thực tế càng phản ánh rõ nét những căng thẳng địa chính trị.

Thiếu đi sự cạnh tranh trên thị trường 5G có thể khiến người ta phải tốn kém hơn cho việc phát triển công nghệ và cản trở các sáng kiến cách tân. Việc trì hoãn tiến trình thúc đẩy hạ tầng 5G thậm chí còn gây ra nhiều thiệt hại hơn bởi 5G là một công cụ cần thiết để đẩy nhanh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tại các quốc gia mà hệ thống 3G vẫn tương đối phổ biến, các nước thành viên ASEAN có thể có những bước nhảy cóc trong phát triển kinh tế bằng việc chuyển sang hạ tầng 5G - dù những kỳ vọng có thể sẽ chỉ ở mức giới hạn bởi các tác động mà hạ tầng này đem lại chưa thể thấy được trong ngắn hạn cho tới khi mọi thứ vào guồng, nhất là khi các nhà máy thông minh trở nên phổ biến hơn.

Tạm gạt vấn đề hạ tầng sang một bên, những mâu thuẫn về tiêu chuẩn số giữa các cơ chế tự do do Mỹ ủng hộ với các quy định bảo hộ có thể hủy hoại tính cạnh tranh của nền kinh tế số ASEAN.

Những xung đột và rạn nứt về kinh tế-xã hội cũng là một mối đe dọa lớn. Các doanh nghiệp địa phương nhỏ hơn có thể sẽ phải vật lộn để đối chọi với những gã khổng lồ công nghệ nước ngoài tìm cách bước chân vào thị trường số của ASEAN, và thách thức là điều khó tránh khi họ vượt trội hơn hẳn về năng lực đầu tư, về nguồn nhân lực và khả năng tiếp cận dữ liệu.

Những trở ngại khó lường

Công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, vì vậy các lo ngại về an ninh và nguy cơ các hoạt động thị trường bị chính trị hóa thông qua các chính sách kinh tế có thể tác động tiêu cực tới bối cảnh kinh doanh. Không ai rõ những hệ quả sẽ như thế nào.

Khi các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh để thích nghi, xu thế địa phương hóa chuỗi cung ứng với hy vọng tránh được các biện pháp an ninh phi thuế quan có thể sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Dù ASEAN có thể được lợi từ sự tái phân bổ chuỗi cung ứng này song khu vực cũng có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bất ổn về kinh tế, và kế đó là chững lại trong tăng trưởng.

Giới chức cần cập nhật và điều chỉnh hợp lý các chính sách cạnh tranh để đảm bảo tăng trưởng toàn diện trong thời đại công nghệ số. Điều quan trọng là các quốc gia cần chú trọng phát triển khuôn khổ ASEAN nhằm đảm bảo các dự án cơ sở hạ tầng tương ứng với các lợi ích và tầm nhìn trong phát triển kinh tế của khu vực, điều đã được nhắc đến trong Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN và các mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

An ninh mạng là một trụ cột của nền kinh tế số ASEAN, vì vậy việc củng cố năng lực trong lĩnh vực này sẽ trở nên ngày một quan trọng hơn, nhất là nếu các chuỗi cung ứng khu vực muốn ứng phó với những cuộc tấn công an ninh nghiêm trọng hơn.

Việc thúc đẩy ASEAN xây dựng thị trường chung có thể giảm thiểu nguy cơ rạn nứt trong nền kinh tế số của khu vực và củng cố uy tín cho ASEAN, với tư cách một cơ sở sản xuất thu hút và uy tín cho các doanh nghiệp, đồng thời giúp khu vực chuẩn bị tốt hơn cho cả những cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên số./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục