TP Hồ Chí Minh lắng nghe doanh nghiệp FDI để cùng xây dựng 'ngôi nhà chung'

Chính quyền TP Hồ Chí Minh sẵn sàng lắng nghe các kiến nghị, sáng kiến của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để cùng định hình, xây dựng "ngôi nhà chung" TP Hồ Chí Minh ngày càng hoàn thiện.

Sáng 23/3, tại Hội trường Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy và ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã chủ trì hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2019 với chủ đề “TP Hồ Chí Minh: Hội tụ nguồn lực, kiến tạo tương lai”.

Chú thích ảnh
Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và DN FDI nhằm giải quyết các vướng mắc cho DN.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND TP Hồ Chí Minh; đại diện các sở, ngành và đại diện của 25 hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài và gần 200 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại TP Hồ Chí Minh.

Môi trường đầu tư đã cải thiện

Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, cho biết rất nhiều doanh nghiệp châu Âu đã lựa chọn TP Hồ Chí Minh để đầu tư bởi thành phố ngày càng cải thiện môi trường đầu tư và thương mại để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. Với Thông báo kết luận số 21 và Nghị quyết 54 của Quốc hội, TP Hồ Chí Minh cũng đang đón nhận một cơ hội quan trọng để bật lên về cả chính sách và phát triển kinh tế - xã hội.

Để tận dụng cơ hội này, ông Nicolas Audier kiến nghị thành phố đẩy mạnh thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng như: Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; đảm bảo hoàn thành dự án đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên vào năm 2020 như dự kiến; xử lý ngập lụt; nâng cao chất lượng các trạm giao thông công cộng; xây dựng một cơ sở hạ tầng toàn diện hài hòa với trật tự đô thị và quy hoạch giao thông…

EuroCham cũng quan tâm về tăng trưởng xanh, vì vậy thành phố cần thành lập một bộ phận chuyên trách các tiêu chuẩn về xử lý nước thải, tập trung quản lý các khu công nghiệp, tránh xả thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường; thành phố đề xuất với Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể để kiểm soát chất lượng không khí và khí thải; đẩy mạnh phát triển phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông cho khu vực nội thành…”, ông Nicolas Audier chia sẻ.

Chú thích ảnh
Đại diện các doanh nghiệp FDI có nhiều ý kiến về đẩy mạnh cải cách hành chính và đẩy nhanh tiến độ các dự án metro, sân bay...

Quan tâm tới lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, ông Carlos Dominguez Agulleiro, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Thương mại Tây Ban Nha tại TP Hồ Chí Minh, cho biết Tây Ban Nha đã hỗ trợ ngay từ đầu các dự án lớn để TP Hồ Chí Minh thành một đô thị quốc tế, đô thị thông minh.ng năm, tỷ lệ các doanh nghiệp Tây Ban Nha quyết định đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng. Mặc dù Thành phố đã có những cải tiến lớn về thủ tục hành chính, tuy nhiên việc cải cách thủ tục hành chính vẫn thiếu sự minh bạch, gây ra sự chậm trễ và không chắc chắn cho các doanh nghiệp, các dự án đầu tư. Hoặc, sự chậm trễ của các dự án metro, các dự án sân bay quốc tế có ảnh hưởng không tốt đối với các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các dự án metro, sân bay... Việc thiếu cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phù hợp cũng làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác vì nó làm tăng chi phí sản xuất…

Liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp FDI lưu thông hàng hóa, bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ (AmCham), cho biết Thành phố đã có nhiều cải tiến các thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu, thuế, hải quan. Tuy nhiên, việc kiểm tra sau nhập khẩu thường xuyên không cần thiết và việc kiểm tra thuế thường xuyên đã trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp FDI, sẽ tạo ra các mối đe dọa cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, các doanh nghiệp của AmCham đang phải đối mặt với việc kiểm toán thuế định kỳ thường đòi hỏi các quy trình dài hơi. Vì vậy, Chính phủ, TP Hồ Chí Minh cần quan tâm hướng dẫn, việc bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài để ngăn chặn tác động tiêu cực và hồi tố ràng buộc của các luật, quy định mới được ban hành đối với các dự án của doanh nghiệp FDI.

Vốn DN FDI là "lá phiếu" ủng hộ chính quyền

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, chính quyền sẵn sàng lắng nghe các kiến nghị, sáng kiến của các DN FDI để cùng chính quyền thành phố định hình, xây dựng ngôi nhà chung TP Hồ Chí Minh ngày càng hoàn thiện hơn về khung pháp luật, chính sách, tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển bền vững cho các doanh nghiệp FDI.

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mỗi đồng vốn của doanh nghiệp là "lá phiếu" ủng hộ chính quyền thành phố trong nỗ lực cải cách hành chính.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho DN, nhà đầu tư mà cũng chính là “lá phiếu” ủng hộ đối với chính quyền thành phố trong nỗ lực cải cách hành chính, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

“Sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện nhiều việc để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể, Thành phố sẽ thực hiện phương án tháo gỡ khó khăn các dự án chậm triển khai; triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; nghiên cứu triển khai Đề án “Phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực”; đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh gắn với Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố; xây dựng và ban hành đề án phát triển ngành Logistic trên địa bàn thành phố đến giai đoạn 2025 - 2030; xây dựng khu công nghiệp mới hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030; đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương); đẩy mạnh thực hiện công tác đấu thầu chọn nhà đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện; hoàn tất đầu tư đường Vành đai 2, chuẩn bị triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3; công bố quy trình phối hợp các sở, quận, huyện có thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và người dân….”, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm.

Ghi nhận các ý kiến của DN FDI, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, chính quyền thành phố rất mong và kêu gọi các doanh nghiệp FDI bằng kinh nghiệm của mình, của quốc gia mình và kinh nghiệm quốc tế nghiên cứu tham gia vào các dự án lớn của thành phố; đồng hành, có sáng kiến và góp sức cùng thành phố trong việc xây dựng và triển khai các chương trình, đề án trọng tâm mà thành phố đang tập trung triển khai trong giai đoạn 2015 - 2020.

Đối với chính quyền TP Hồ Chí Minh, nhằm đem lại lợi ích từ cải cách hành chính cho DN FDI, trong năm 2019, thành phố tiếp tục tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ công theo hướng tăng cường tính minh bạch và hiệu quả vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể: Tất cả quận, huyện và sở, ngành, Văn phòng UBND Thành phố sẽ thực hiện ghi nhận sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và cơ quan, đơn vị đến giao dịch hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng; phấn đấu tỷ lệ hài lòng từ 80% trở lên. Thành phố cũng sẽ ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế, nhất là tính minh bạch. Đặc biệt, chính quyền Thành phố quyết tâm giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị xã hội ổn định để DN FDI yên tâm đầu tư, hoạt động. Đây chính là một lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thế giới đầy bất trắc và có nhiều biến động khó lường.

Năm 2018, TP Hồ Chí Minh đã thu hút được hơn 7 tỷ USD, tăng 15% tổng vốn đầu tư so với năm 2017, nâng tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn còn hiệu lực trên địa bàn thành phố lên thành 44,94 tỷ USD với 8.112 dự án, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Năm 2019, Thành phố cũng công bố 255 dự án mời gọi đầu tư của DN FDI, trong đó có 245 dự án xã hội hóa để các DN FDI nghiên cứu và chọn các dự án trọng tâm để đầu tư tại thành phố trong giai đoạn tới.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải
TP Hồ Chí Minh gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải

Các cơ quan chức năng của Trung ương và TP Hồ Chí Minh cần xử lý nghiêm và ngăn chặn tình trạng sang tải, chở quá tải; quản lý xe của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; quan tâm tới các biện pháp giảm giá thành vận tải như phí BOT, phí bảo trì đường bộ còn quá cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN