Trận chiến dưới đáy biển giữa Mỹ và Trung Quốc

Một mặt trận mới đã mở ra trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc về quyền kiểm soát các mạng lưới toàn cầu cung cấp Internet - mặt trận dưới đại dương.
Trận chiến dưới đáy biển giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: fwallpapers.com)

Một mặt trận mới đã mở ra trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc về quyền kiểm soát các mạng lưới toàn cầu cung cấp Internet - mặt trận dưới đại dương.

Trong bài viết được đăng ngày 13/3 trên tờ The Australian (Australia), hai tác giả Jeremy Page và Kate O’Keefee cho biết trong khi Mỹ phát động một chiến dịch rầm rộ để loại trừ "gã khổng lồ" công nghệ Huawei của Trung Quốc ra khỏi các mạng di động thế hệ tiếp theo vì lo ngại gián điệp, Huawei Marine Networks - một công ty Trung Quốc trong đó Huawei sở hữu phần lớn số vốn - đang triển khai lắp đặt các mạng cáp dưới biển.

Hiện có khoảng 380 tuyến cáp quang đang hoạt động dưới biển, truyền tải khoảng 95% lưu lượng thoại và dữ liệu liên lục địa.

Chúng giữ vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh của hầu hết các quốc gia.

Các tuyến cáp dưới biển này chủ yếu do các công ty khai thác viễn thông sở hữu và trong những năm gần đây do các công ty cung cấp nội dung như Facebook và Google sở hữu.

Các doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ thuê lại băng thông. Các quan chức an ninh ở Mỹ và các chính phủ đồng minh hiện lo ngại những tuyến cáp này ngày càng dễ bị tổn hại trước các hành động gián điệp hoặc tấn công. Họ cũng cho rằng sự tham gia của Huawei trong lĩnh vực này có thể giúp nâng cao năng lực của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tập đoàn Huawei phủ nhận mọi mối đe dọa. Mỹ cũng chưa công khai cung cấp bằng chứng về những tuyên bố của họ rằng công nghệ Huawei gây nguy cơ đối với an ninh mạng.

Những nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục các quốc gia khác không sử dụng công nghệ truyền thông của Tập đoàn Huawei vẫn còn bị một số nước hoài nghi.

Công ty Huawei Marine Networks hiện đã thực hiện 90 dự án để xây dựng hoặc nâng cấp tuyến cáp ngầm trên toàn thế giới. Công ty này đã hoàn thành tuyến cáp dài 6.000km giữa Brazil và Cameroon hồi tháng 9/2018.

[Huawei xác nhận làm hệ điều hành riêng để phòng Mỹ siết cấm vận]

Họ vừa bắt đầu xây dựng một tuyến cáp dài 12.000 km nối châu Âu, châu Á và châu Phi. Công ty này hiện đang hoàn thiện các tuyến cáp chạy qua Vịnh California ở Mexico.

Với các dự án đó, Huawei Marine Networks nhanh chóng bắt kịp các công ty của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang thống trị ngành công nghiệp này.

Các quan chức an ninh Mỹ cảnh báo trình độ của công ty Trung Quốc và việc tiếp cận các tuyến cáp dưới biển có thể cho phép nước này gắn các thiết bị chuyển hướng hoặc giám sát lưu lượng dữ liệu hoặc trong trường hợp có xung đột xảy ra sẽ cắt đứt các liên kết đến các quốc gia.

Việc can thiệp như vậy có thể được thực hiện từ xa, thông qua phần mềm quản lý mạng Huawei và các thiết bị khác tại các trạm ven biển trên mặt đất, nơi các cáp ngầm được nối với mạng lưới trên đất liền.

Giám đốc Trung tâm phản gián và an ninh quốc gia Mỹ William Evanina nói: “Chúng tôi nhận thức sâu sắc về các mối đe dọa phản gián và an ninh đối với các tuyến cáp dưới biển xuất phát từ nhiều nhân tố khác nhau.

Do các tuyến cáp dưới đáy biển truyền tải phần lớn dữ liệu viễn thông của thế giới nên việc bảo vệ các dây cáp này vẫn là ưu tiên chính của chính phủ Mỹ và các đồng minh.”

Về phía mình, công ty Huawei Marine Networks thông báo trong một bức thư điện tử rằng không có khách hàng, doanh nghiệp trong ngành hoặc chính phủ nào trực tiếp nêu lên mối lo ngại về bảo mật đối với các sản phẩm và hoạt động của công ty.

Joe Kelly, người phát ngôn của Huawei, khẳng định công ty thuộc sở hữu tư nhân và chưa bao giờ bị bất kỳ một chính phủ nào yêu cầu làm bất cứ điều gì có thể gây hại cho khách hàng hoặc hoạt động kinh doanh của công ty.

Về lâu dài, Mỹ và một số nước đồng minh coi Huawei và hoạt động kinh doanh cáp ngầm dưới biển là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng toàn cầu bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông và xuất khẩu công nghệ kỹ thuật số, bao gồm các công cụ giám sát.

Mỹ đã tìm cách ngăn chặn Huawei tham gia vào cơ sở hạ tầng viễn thông riêng của Mỹ, bao gồm cả các tuyến cáp dưới biển, ít nhất từ năm 2012. Kể từ đó, các mối lo ngại của người Mỹ về tuyến cáp ngầm ngày càng trở nên sâu sắc và lan sang các đồng minh.

Trung tướng William Mayville, cựu Phó Chỉ huy Bộ Tư lệnh Không gian mạng Mỹ, cho rằng việc tham gia phát triển các tuyến cáp ngầm là một hướng khác để Huawei xâm nhập vào cơ sở hạ tầng của một quốc gia khác. Nếu không đối phó với công ty này thì sẽ nhượng lại không gian cho Trung Quốc.

Với nhiều tuyến cáp dự kiến sẽ được xây dựng trong những năm tới để đáp ứng nhu cầu băng thông từ 5G và các dịch vụ khác ngày càng tăng, Mỹ và các đồng minh đang tìm cách giải quyết các mối đe dọa tiềm tàng, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Cho đến nay, các đồng minh phương Tây đã ngăn Huawei tham gia ít nhất một dự án quốc tế và thất bại trong việc ngăn cản một dự án khác. Hồi tháng 9/2018, Mỹ, Australia và Nhật Bản đã thất bại trong việc phá vỡ một thỏa thuận cáp dưới biển giữa Huawei Marine Networks và Papua New Guinea.

Trong khi đó, Huawei Marine Networks cho biết họ đã sử dụng một số phần cứng và phần mềm quản lý mạng từ công ty mẹ Trung Quốc và khẳng định “sẵn sàng cung cấp bất kỳ sản phẩm nào cho bất kỳ chuyên gia bảo mật hoặc cơ quan chính phủ nào để đánh giá.”

Các đại diện trong ngành công nghiệp và một số chuyên gia cũng nói rằng hầu hết các rủi ro bảo mật trong hệ thống cáp dưới biển có thể được giảm thiểu.

Mặc dù cáp ngầm dưới biển có thể bị cắt đứt hoặc vô hiệu hóa nhưng công nghệ sẽ khiến cho việc can thiệp lén lút vào các dữ liệu trở nên khó khăn hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục