Tổng thống Trump đang thắng thế trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?

Những người ủng hộ cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với vấn đề thương mại Trung Quốc thường xuyên bị “sốc” bởi các dấu hiệu cho thấy sự mâu thuẫn nội bộ trong chính quyền của ông.
Tổng thống Trump đang thắng thế trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, các chuyên gia chính sách cho rằng trong việc đưa ra các kế hoạch và giải pháp, những người ủng hộ cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các vấn đề thương mại Trung Quốc thường xuyên bị “sốc” bởi các dấu hiệu cho thấy sự mâu thuẫn nội bộ, những hành động khờ khạo, sự thiếu hệ thống, thiếu mạch lạc và sự nhầm lẫn thường xuyên xuất hiện trong chính quyền của ông.

Nếu như hôm nay, tổng thống và các trợ lý của ông cảm thấy lạc quan, thì ngay ngày hôm sau, họ lại bi quan, và ngày tiếp theo nữa, họ sẽ phát đi những thông điệp lẫn lộn.

Đôi khi họ nhấn mạnh việc cắt giảm thâm hụt thương mại song phương to lớn. Đôi khi họ lại đề nghị tạm dừng các hoạt động của Trung Quốc mà thiên vị một cách có hệ thống các thực thể của Bắc Kinh hơn các thực thể kinh tế nước ngoài và các hoạt động đánh cắp hoặc ép buộc phải chuyển giao sở hữu trí tuệ - vốn được gọi là các vấn đề cấu trúc trong các cuộc đàm phán.

Thỉnh thoảng họ hoan nghênh các hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung để tiến tới đàm phán thương mại với sự khoa trương và thái độ đắc thắng.

Thỉnh thoảng họ lại nói bóng gió rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra nhiều nhượng bộ để tránh bị bẽ mặt khi trở về tay không.

Giống như hầu hết các chính quyền khác, chính quyền Trump cũng xuất hiện những cuộc cãi vã riêng tư về chiến lược và chiến thuật.

Tuy nhiên, không giống như hầu hết các chính quyền khác của Nhà Trắng, những cuộc cãi vã này lại thường được công chúng biết rõ.

[Trung Quốc thừa nhận đàm phán thương mại với Mỹ gặp khó khăn]

Thật không may, thế giới - và đặc biệt là các vấn đề trên thế giới - hiếm khi “gọn gàng và ngăn nắp”; các học giả, các nhóm chuyên gia cố vấn, và các nhà bình luận có thể bám víu lấy những kỳ vọng hoàn toàn không thực tế và sử dụng những thước đo không tương xứng nhau, đặc biệt là đối với một vị tổng thống phá vỡ mọi quy chuẩn một cách đầy tự hào (như Trump).

Do đó, việc xem xét lại toàn bộ quan hệ thương mại Mỹ-Trung mà Trump hứa hẹn có thể khá mâu thuẫn, ngây thơ, tùy tiện, thiếu mạch lạc và khó hiểu. Tuy nhiên, điều đó có thể đạt được hiệu quả cao bất chấp tất cả những hỗn loạn.

Chẳng hạn, ngay cả việc cắt giảm thương mại ban đầu giữa Mỹ và Trung Quốc thiếu sự rà soát toàn diện, các điều khoản kín đáo, các thỏa thuận thế chế mới - và thậm chí là không có một thỏa thuận nào cả - sự rối loạn của đội ngũ chính quyền Trump có vẻ chắc chắn sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình hướng tới một số mục tiêu quan trọng về mặt kinh tế và từ đó, cũng mang tính chiến lược đối với Mỹ.

Đầu tiên, Trump đã thiết lập uy tín một cách đáng kể bằng cách áp thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vào năm 2018.

Kết quả là, phía Trung Quốc và bất kỳ ai đang kinh doanh với họ đều hiểu rằng việc gia tăng các mức thuế vừa được tạm ngừng gần đây - nhằm thúc đẩy các cơ hội để tạo ra một thỏa thuận - có thể sớm được chấp thuận, và các mức thuế rộng lớn hơn cũng có thể được áp dụng theo cách này.

Các lãnh đạo đảng Dân chủ đã đưa ra những cảnh báo về việc Trung Quốc thường xuyên phớt lờ các cam kết và do đó, cần phải nhấn mạnh vào các điều khoản chắc chắn nhất trong bất kỳ thỏa thuận nào và các cơ chế thực thi cứng rắn nhất, thứ sẽ cực kỳ hữu ích trong vấn đề này.

Kết quả là, hàng hóa trong thị trường giá cực thấp không được kiểm soát của Trung Quốc, vốn được bán sang thị trường giá cao của Mỹ, sẽ vẫn tiếp tục mất đi sự hấp dẫn.

Các nước đang phát triển, như Việt Nam và Mexico, dường như sẽ giành được phần lớn nhất từ việc thay đổi cơ chế sản xuất và việc làm. Tuy nhiên, mức năng suất tương đối cao và chi phí vận chuyển thấp cũng sẽ có lợi cho Mỹ.

Các mức thuế khác của Trump sẽ có lợi ích như nhau. Hơn nữa, bất kỳ hoạt động sản xuất nào rút khỏi Trung Quốc vì lý do thuế quan của Mỹ đều tạo ra lợi ích cho Mỹ bằng việc làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc (và bởi tiềm năng quân sự mở rộng). Điều này nhấn mạnh đòn bẩy của Mỹ trong các thỏa thuận tương lai.

Thứ hai, chính quyền Trump gần như chắc chắn sẽ tiếp tục vừa hạn chế việc đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các công ty Mỹ và toàn bộ các ngành công nghiệp có liên quan đến quốc phòng, vừa làm chậm dòng chảy công nghệ tiên tiến của Mỹ sang Trung Quốc.

Cũng như việc sử dụng thuế quan để ép thực thi quy tắc, những hạn chế tập trung vào an ninh quốc gia này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng ở Mỹ.

Mặc dù Trump hiện đã tạm gác kế hoạch mở rộng quyền hạn cho Chi nhánh điều hành để cấm các công ty tư nhân của Mỹ làm ăn với các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc như ZTE và Huawei, song những tập đoàn này sau đó vẫn phải đối mặt với các lệnh trừng phạt.

Ngoài ra, khả năng hoạt động của những “gã khổng lồ” công nghệ này bị gián đoạn hơn nữa chắc chắn sẽ hạn chế triển vọng của họ tại thị trường Mỹ.

Thứ ba, sự hiện diện hiện của Trung Quốc tại Mỹ có khả năng suy giảm. Mối lo ngại về hoạt động gián điệp có thể sớm ngăn chặn dòng chảy của sinh viên Trung Quốc sang học tập tại các trường Cao đẳng và Đại học của Mỹ, cũng như dòng chảy của các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu ở các công ty Mỹ.

Các Viện Khổng Tử của Trung Quốc đã bị Mỹ “tống khứ” khỏi các trường học của Mỹ - nước luôn lo lắng rằng những viện nghiên cứu này chính là trung tâm hoạt động của các điệp viên và cung cấp thông tin cho công tác tuyên truyền của Bắc Kinh.

Kết quả sẽ là nước Mỹ di chuyển nhanh hơn bao giờ hết - mặc dù khó mà có thể đi theo một đường thẳng - hướng tới mục tiêu rõ ràng duy nhất đối với chính sách Trung Quốc của họ: không can dự về kinh tế (với Trung Quốc)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục