Singapore mong muốn hoàn tất hiệp định RCEP trong năm nay

Bộ trưởng Thương mại Singapore Chan Chun Sing bày tỏ hy vọng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có thể sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay.
Singapore mong muốn hoàn tất hiệp định RCEP trong năm nay ảnh 1

Ngày 20/3, Bộ trưởng Thương mại Singapore Chan Chun Sing bày tỏ hy vọng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có thể sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay.

Phát biểu trước Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN tại thủ đô Washington, Mỹ, Bộ trưởng Chan Chun Sing nêu rõ bức tranh về RCEP sẽ trở nên rõ ràng hơn vào tháng 5 tới, sau các cuộc tổng tuyển cử tại 4 quốc gia thành viên của hiệp định là Ấn Độ, Australia, Indonesia và Thái Lan.

Ông đánh giá các nước đã dần thu hẹp những cách biệt và nhiều khả năng RCEP sẽ được hoàn tất trong năm nay.

Theo Bộ trưởng Chan Chun Sing, RCEP sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, mang lại cả lợi ích kinh tế và chiến lược địa chính trị, khi hàm chứa thông điệp mạnh mẽ về lòng tin vào hệ thống thương mại mở và dựa trên các nguyên tắc.

Năm ngoái, với vai trò là nước Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Singapore đã thúc đẩy việc hoàn tất RCEP, hiệp định sẽ kết nối một nửa dân số thế giới với các thành viên như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã lùi thời hạn sang năm nay khi còn một số điểm chưa được giải quyết liên quan đến tiếp cận thị trường.

[Campuchia hy vọng đàm phán RCEP sẽ hoàn tất trong năm nay]

Hiệp định RCEP được khởi xướng vào tháng 11/2012, với mục đích thiết lập một nền tảng hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa 10 nước ASEAN với Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, tập trung vào thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư.

Nếu được ký kết, hiệp định này dự kiến sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ dân và chiếm 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Con số này lớn hơn khá nhiều so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với phiên bản mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi vào tháng 1/2017.

Đến nay đàm phán đã bước sang năm thứ 6 và trải qua 25 vòng thương thảo. Tuy nhiên, các thành viên vẫn chưa thể hoàn tất về số lượng hàng hóa được xóa bỏ thuế quan.

Ngoài ra, vẫn còn một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, giữa lúc Ấn Độ đang mong muốn các nước linh hoạt hơn để thúc đẩy lĩnh vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục