Petrovietnam và Petronas ký thỏa thuận khung về mua bán khí bổ sung

Trên cơ sở thỏa thuận HOA được ký kết, PetroVietnam và Petronas sẽ tiếp tục triển khai đàm phán Hợp đồng mua bán khí, làm cơ sở thực hiện việc cấp khí bổ sung cho cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau.
Petrovietnam và Petronas ký thỏa thuận khung về mua bán khí bổ sung ảnh 1Đại diện lãnh đạo Petrovietnam và Petronas ký Thỏa thuận khung dưới sự chứng kiến của lãnh đạo 2 phía. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mới đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ ký Thỏa thuận khung (HOA) mua bán khí bổ sung cho khu vực Cà Mau giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas).

[Cụm Khí-Điện-Đạm Cà Mau đóng góp ngân sách 2.000 tỷ đồng mỗi năm]

Theo PVN, năm 2001, Chính phủ Việt Nam đã quyết định đầu tư xây dựng dự án cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau với nhu cầu tiêu thụ khí là 2,2 tỷ m3/năm. Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau sử dụng nguồn khí thiên nhiên từ Lô PM3CAA tại khu vực chồng lấn ngoài khơi Việt Nam và Malaysia.

Petrovietnam và Petronas ký thỏa thuận khung về mua bán khí bổ sung ảnh 2Ông Maliki Kamal Yasin, Phó Tổng Giám đốc Petronas phát biểu ý kiến. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Từ năm 2007 đến nay, nguồn khí cung cấp cho khu vực này bao gồm lượng khí theo quyền nhận của PetroVietnam và lượng khí nhận bù từ Petronas trong Hợp đồng phân chia sản phẩm Lô PM3CAA (PSC PM3CAA).

Đại diện PetroVietnam cho biết, với sự hợp tác chặt chẽ của Petronas trong việc thực hiện hợp đồng mua bán khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn được ưu tiên nhận tối đa nhu cầu khí trong mùa khô và được Petronas hỗ trợ nhận giúp lượng khí dư trong mùa mưa. Vì vậy, trong suốt thời gian qua, cụm công nghiệp hiện đại này đã vận hành an toàn, ổn định, không chỉ mang lại hiệu quả đối với PetroVietnam mà còn có ý nghĩa chiến lược về kinh tế, xã hội của cả khu vực Tây Nam bộ.

Dự kiến từ cuối năm 2019, đầu 2020, sau khi phía Việt Nam lấy hết lượng khí nhận bù từ Petronas, cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau chỉ còn được cung cấp lượng khí theo quyền nhận của phía Việt Nam, vì vậy sẽ thiếu hụt khoảng hơn 1 tỷ m3/năm so với nhu cầu của khu vực này.

Thực tế này cần thiết phải kịp thời có nguồn khí bổ sung cho khu vực Cà Mau để đảm bảo an ninh năng lượng, môi trường đầu tư và xã hội của khu vực Tây Nam bộ nói chung và hiệu quả kinh tế của cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau nói riêng.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan, PetroVietnam và Petronas đã thống nhất ký HOA mua bán khí bổ sung cho khu vực Cà Mau với nguồn khí từ quyền nhận của Petronas theo PSC PM3CAA và từ các nguồn khí khác của Malaysia.

Trên cơ sở thỏa thuận HOA được ký kết vào ngày 15/3/2019, hai bên sẽ tiếp tục triển khai đàm phán Hợp đồng mua bán khí, làm cơ sở thực hiện việc cấp khí bổ sung cho cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau tiếp tục vận hành ổn định, hiệu quả.

Petrovietnam và Petronas ký thỏa thuận khung về mua bán khí bổ sung ảnh 3Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng Giám đốc PVN khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hiện thực hóa và minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa Petrovietnam và Petronas đồng thời việc ký kết này cũng là tiền đề quan trọng để hai phía tiếp tục hoàn thiện hợp đồng đầy đủ về việc mua khí bổ sung phục vụ cho hoạt động của cụm công nghiệp Khí- Điện - Đạm Cà Mau.

“Với truyền thống hợp tác tốt đẹp, cũng như kết quả đạt được trong quá trình đàm phán HOA, PetroVietnam mong muốn thỏa thuận đầy đủ sẽ sớm được ký kết, tốt nhất là vào cuối năm 2019 để có cơ sở triển khai thực hiện vào đầu năm 2020,” lãnh đạo PVN nói.

Ông Maliki Kamal Yasin, Phó Tổng Giám đốc Petronas cũng đã cảm ơn Tổ đàm phán, sự quan tâm của lãnh đạo hai nước, đồng thời khẳng định việc ký kết hôm nay là một bước khởi đầu tốt đẹp để hai Bên tiến đến ký kết các hợp đồng tiếp theo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục