Thực phẩm 'bẩn' vào trường học: Cần tăng quyền giám sát của phụ huynh

Để giải quyết tình trạng thực phẩm bẩn tuồn vào trong trường học, cần tăng vai trò giám sát của phụ huynh với những cơ chế, quy định cụ thể.
Thực phẩm 'bẩn' vào trường học: Cần tăng quyền giám sát của phụ huynh ảnh 1Các học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Ninh Bình phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm. (Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN)

Hàng loạt các vụ việc thực phẩm bẩn bị tuồn vào trường học, trở thành bữa ăn chính cho hàng trăm, hàng nghìn học sinh đang gây bức xúc trong dư luận, làm mất niềm tin của xã hội và khiến cho cha mẹ học sinh hoang mang lo lắng.

Khi bữa ăn học đường thành nơi gieo mầm bệnh

Trong ngày hôm qua (15/3), và sáng nay (16/3), đã có 1.300 trẻ được bố mẹ đưa đến khám và xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương. Đây là con số lớn nhất trong lịch sử ngành Truyền nhiễm Việt Nam. 

Tính đến hết ngày 15/3, đã có 62 trẻ được kết luận dương tính với sán lợn, và con số này có thể sẽ còn tăng lên.

Trước đó, các phụ huynh của Trường Mầm non Thanh Khương đã phát hiện thịt lợn dùng cho học sinh ăn bán trú ở trường bị nổi hạch, dấu hiệu của lợn nhiễm sán, thịt gà cũng bị mủn rữa. Công ty Hương Thành, đơn vị cung cấp cho trường Mầm non Thanh Khương đồng thời cũng cung cấp cho 19/19 trường học ở Thuận Thành, Bắc Ninh.

Vì thế, không chỉ phụ huynh Thanh Khương mà các phụ huynh ở nhiều xã khác trên địa bàn Thuận Thành đều hoang mang lo lắng và đưa con đi khám. 

Bữa ăn học đường, thay vì là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ trong ngày, đã trở thành nơi gieo mầm bệnh.

[Vụ thịt lợn 'bẩn' ở Bắc Ninh: Hơn 1.300 trẻ đi làm xét nghiệm sán lợn]

Vụ việc ở Trường Mầm non Thanh Khương không phải là cá biệt khi trước đó, đã có rất nhiều vụ việc tuồn thực phẩm bẩn vào trường học ở nhiều tỉnh thành trên cả nước bị phanh phui.

Trước đó, tháng 11/2018, phụ huynh của một số trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) phát hiện nhà trường đã tự ý thay đơn vị cung cấp nước uống của học sinh. Phụ huynh đã lấy mẫu nước uống này đi xét nghiệm và kết quả cho thấy nước có nhiễm khuẩn mủ xanh.

Tháng 11/2018, hơn 200 học sinh Trường Mầm non Xuân Nộn (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm được cấp cứu tại Bệnh viện huyện Đa khoa Đông Anh. Nguyên nhân được xác định là do bánh ngọt trong bữa ăn ở trường dương tính với khuẩn salmonella gây nhiễm trùng đường ruột.

Chỉ tính riêng tháng 10/2018 đã phát hiện ba vụ thực phẩm bẩn trong trường học. Tại Ninh Bình, hơn 350 học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng nhập viện vì món ruốc gà trong bữa ăn tại trường của học sinh nhiễm khuẩn tụ cầu vàng.

Tại Hà Giang, 150 học sinh của Trường Tiểu học bán trú Xín Cái, huyện Mèo Vạc, có biểu hiện buồn nôn, đi ngoài sau khi ăn trưa tại trường. Kết quả điều tra cho thấy thịt lợn dùng để chế biến món thịt băm cho học sinh đã bị nhiễm khuẩn vì ôi thiu.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phụ huynh Trường Mầm non Phú Mỹ (thị xã Phú Mỹ) phát hiện trường dùng gạo đã mốc xanh để nấu cơm cho học sinh.

Thực phẩm 'bẩn' vào trường học: Cần tăng quyền giám sát của phụ huynh ảnh 2Thịt lợn nổi hạch nghi nhiễm sán được phụ huynh chụp tại Trường Mầm non Thanh Khương.

Tăng vai trò giám sát của phụ huynh

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện cả nước có khoảng 4.000 trường học có tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh.

Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, cho rằng việc tuồn thực phẩm bẩn vào trường học thực sự là một tội ác, khi điều đó đồng nghĩa với việc hàng trăm, hàng nghìn học sinh sẽ bị “đầu độc” mỗi ngày.

Trẻ em cần được phát triển tốt cả về trí lực và thể lực. Chính phủ đã có đề án riêng về nâng cao tầm vóc, thể chất người Việt Nam. Đề án sữa học đường cũng nhằm để giúp cho trẻ em Việt Nam phát triển tốt hơn. Thế nhưng thực phẩm dùng trong bữa ăn chính của trẻ lại là thực phẩm bẩn, làm tổn hại sức khỏe của trẻ, trong khi học sinh còn quá nhỏ để có thể nhận biết được chất lượng thực phẩm.

Vì thế, bà An cho rằng các vụ thực phẩm bẩn tuồn vào trường học cần được điều tra và xử lý nghiêm minh để tạo sự răn đe, lấy lại niềm tin cho phụ huynh và xã hội. “Cần công bố công khai danh tính đơn vị cung cấp thực phẩm, chấm dứt hợp đồng. Người ký hợp đồng với đơn vị cung ứng thực phẩm cũng phải chịu trách nhiệm. Phải điều tra việc có lợi ích hay không,” bà An nói.

Cũng theo bà An, để chấm dứt tình trạng thực phẩm bẩn trong trường học cần có cơ chế cụ thể quy định vai trò giám sát của phụ huynh. Phụ huynh là người bỏ tiền để mua thức ăn, nước uống cho con em mình tại trường, vì thế họ có quyền giám sát. Mặt khác, vì sức khỏe của con em mình, phụ huynh chính là người sẽ quan tâm, sát sao nhất với vấn đề chất lượng thực phẩm.

“Một trường học có hàng nghìn phụ huynh và việc giám sát sẽ được các phụ huynh thực hiện luân phiên. Vì thế, tôi tin rằng họ sẽ có thể thay phiên kiểm tra thực phẩm trường học mỗi ngày,” bà An nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục