Học sinh, sinh viên Australia, Hong Kong bãi khóa vì khí hậu

Ngày 15/3, học sinh, sinh viên Australia và Hong Kong nghỉ học, xuống đường tuần hành kêu gọi chính phủ các nước tăng cường hành kêu gọi chính phủ các nước tăng cường hành động vì môi trường.
Số lượng học sinh sinh viên tham gia cuộc biểu tình trên toàn đất nước Australia lên đến con số 10,000 người. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Linh/TTXVN)
Số lượng học sinh sinh viên tham gia cuộc biểu tình trên toàn đất nước Australia lên đến con số 10,000 người. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Linh/TTXVN)

Hưởng ứng ngày học sinh, sinh viên bãi khóa vì khí hậu, ngày 15/3, học sinh, sinh viên Australia và Hong Kong (Trung Quốc) đã nghỉ học, xuống đường tuần hành kêu gọi chính phủ các nước tăng cường hành động vì môi trường.

Hàng nghìn học sinh, sinh viên bang New South Wales đã nghỉ học, tập trung tại quảng trường Tòa Thị chính thành phố Sydney trong một chương trình kêu gọi hành động đối với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đây là lần thứ hai học sinh, sinh viên Australia tổ chức sự kiện liên quan tới biến đổi khí hậu và là một sự kiện lớn nhất nằm trong chuỗi chương trình của giới sinh viên, học sinh tại hơn 90 quốc gia trên khắp thế giới, cùng diễn ra trong ngày.

Gần 12 giờ (theo giờ địa phương), các con đường của khu trung tâm thành phố Sydney đã bị hạn chế đi lại. Nhiều tuyến xe buýt phải thay đổi lịch trình, trong khi một đám đông lớn học sinh và sinh viên từ mọi khu vực, tập trung tại quảng trường Tòa Thị chính, bắt đầu chương trình kêu gọi bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

[Con người đang phải trả giá đắt khi hủy hoại môi trường]

Các em cùng chuyền tay nhau tung hứng một quả bóng hình Trái Đất xung quanh quảng trường và hô tô "Đóng cửa mỏ than Adani tại bang Queensland" và "Hãy hành động vì môi trường ngay bây giờ."

Phát biểu với các học sinh, sinh viên, Đanielle - một nhà hoạt động trẻ 15 tuổi, nói: “Biến đổi khí hậu không chỉ là một cuộc khủng hoảng môi trường, mà là cuộc khủng hoảng của nhân loại và cần phải được giải quyết.”

Trong khi đó, Jack Howard, 18 tuổi và Joseph Naffah, 15 tuổi, đến từ trường Glenaeon Steiner tại khu vực Middle Cove, cho rằng tiếng nói của các em đã bị các nhà chính trị gia “phớt lờ.”

Suốt 3 tiếng đồng hồ diễn ra sự kiện, nhiều nhà hoạt động thiếu niên đã liên tục diễn thuyết và nhận được sự đồng cảm, hưởng ứng vang dội của đám đông những người tham dự.

Các bạn trẻ kêu gọi chính phủ phải hành động nhiều hơn để giảm phát thải, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hướng tới sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Học sinh, sinh viên Australia, Hong Kong bãi khóa vì khí hậu ảnh 1Xuất hiện nhiều biểu ngữ phản đối các chính sách ảnh hưởng tới môi trường của Chính phủ Australia hiện nay. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Linh/TTXVN)

Tương tự ở Sydney, tại các thành phố Melbourn, Geelong thuộc bang Victoria; Cairns, Townsville ở bang Queensland; thủ đô Canberra, hàng chục nghìn học sinh cũng đã tập trung tại các khu vực công cộng để kêu gọi chính phủ tập trung hành động vì môi trường.

Các cuộc tuần hành của giới học sinh, sinh viên Australia được thực hiện trong chiến dịch vận động toàn cầu tham gia chống biến đổi khí hậu của thanh, thiếu niên thế giới đồng loạt tổ chức trong ngày 15/3.

Biến đổi khí hậu là vấn đề nóng, gây tranh cãi tại Australia trong suốt thời gian vừa qua. Nhiều nhà môi trường đã lên tiếng chỉ trích chính phủ về việc không có hành động nào để giảm tác hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Cuối tháng 11/2018, lần đầu tiên sự kiện bãi khóa để chống biến đổi khí hậu của học sinh, sinh viên Australia được tổ chức với thông điệp: “Cần coi trọng tương lai của chúng em và hành động vì biến đổi khí hậu vì nó là một cuộc khủng hoảng.”

Trong khi đó tại Hong Kong (Trung Quốc), khoảng 600 học sinh theo học các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đã bãi khóa, tham gia vào cuộc tuần hành trên phạm toàn cầu kêu gọi giới chức hành động bảo vệ môi trường.

Học sinh, sinh viên Australia, Hong Kong bãi khóa vì khí hậu ảnh 2Cuộc biểu tình có sự tham gia của cả những em học sinh tiểu học. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Linh/TTXVN)

Các học sinh đã hô vang khẩu hiệu "Những gì chúng ta muốn? Hành động vì môi trường," "Trái Đất không thuộc về chúng ta, chúng ta thuộc về Trái Đất"...

Phát biểu tại cuộc biểu tình, em Adele, 16 tuổi nói: "Tại sao chúng ta phải quan tâm đến sự thành đạt trong tương lai trong khi chúng ta đang thất bại trong nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ 'ngôi nhà' Trái Đất? Con người phải chịu trách nhiệm vì đã gây ra những thiệt hại, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm phải khắc phục những thiệt hại đó."

Trong khi đó, em Leonie, học lớp 6, cho biết em muốn nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và những gì khiến em lo ngại nhất là các thảm họa do lũ lụt và hạn hán gây ra cũng như sự tuyệt chủng của các loài động vật. Em mong muốn giới chức phải thừa nhận những gì đang xảy ra và cần phải thay đổi thực trạng này.

Học sinh, sinh viên Australia, Hong Kong bãi khóa vì khí hậu ảnh 3Học sinh, sinh viên tại thành phố Sydney tập trung biểu tình kêu gọi hành động vì môi trường. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Linh/TTXVN)

Ngoài Australia, vùng lãnh thổ Hong Kong, hàng chục nghìn học sinh, sinh viên trong ngày 15/3 tạm rời phòng học, tay trong tay, vai kề vai xuống đường phố ở các thành phố và thủ đô Wellington của New Zealand, Bangkok thuộc Thái Lan, Dhaka của Bangladesh đến Durban của Nam Phi, London thuộc Anh, Bogota của Colombia, Boston thuộc Mỹ. Tất cả vì một mục tiêu chung: chúng ta chỉ có một hành tinh, chúng ta phải bảo vệ hành tinh trước "kẻ hắc ám" biến đổi khí hậu.

Ngày học sinh, sinh viên bãi khóa vì khí hậu đã được Greta Thunberg, một nữ sinh 16 tuổi người Thụy Điển, khởi xướng.

Cách đây 6 tháng, cô bé Thunberg đã cắm trại bên ngoài trụ sở Quốc hội Thụy Điển cùng một tấm bảng viết tay "Bãi khóa vì khí hậu."

Kể từ đó, Thunberg đã đi khắp thế giới, tạo ra một làn sóng những người trẻ tuổi thất vọng vì tiến độ chậm chạp của "những người trưởng thành" trong việc ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.

Ước tính, hơn 1.000 cuộc tuần hành của học sinh, sinh viên diễn ra tại trên 100 quốc gia từ châu Đại Dương đến châu Âu, châu Phi, châu Mỹ… trong sự kiện hành động toàn cầu này, phản đối các chính phủ chậm chạp trong việc thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu và hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục