Vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Nên trả điểm thật hay hủy bỏ bài thi?

Nên xử lý như thế nào với 64 thí sinh có bài thi được nâng điểm trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.
Vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Nên trả điểm thật hay hủy bỏ bài thi? ảnh 1Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh:PV/Vietnam+)

Cơ quan điều tra Bộ Công an đã xác định có 140 bài thi trắc nghiệm và 22 bài thi tự luận của 64 thí sinh tại Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình bị can thiệp nâng điểm trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018.

Áp dụng điều khoản nào trong quy chế thi?

Theo ông Mai Văn Trình, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Bộ này đã chấm thẩm định để xác định điểm thật của thí sinh.

Kết quả chấm thẩm định xác định 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh đã được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/một môn thi. Có 22 bài thi tự luận môn Ngữ văn của 22 thí sinh được chấm chênh lệch điểm từ 1,25 điểm đến 4,75 điểm. Trong đó, có thí sinh được nâng tổng số điểm cho cả ba bài thi là 26,45 điểm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cập nhật điểm thật của thí sinh và điểm này là căn cứ để xét tốt nghiệp cho thí sinh.

Điều này được vận dụng theo Điều 31 về Chấm thẩm định của Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Tuy nhiên, cũng theo Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia, Điều 49 về Xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi, Khoản 5 quy định “Hủy bỏ kết quả thi đối với thí sinh” “để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài.”

[Thủ đoạn gian lận điểm thi THPT quốc gia tại Hòa Bình]

Cũng tại Điều 49, Khoản 6 quy định “tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo đối với những thí sinh” “để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức.”

Vậy việc xử lý thí sinh có bài thi gian lận tại Hòa Bình cần được áp dụng theo điều khoản nào? Trả lời câu hỏi này, một cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đơn vị này tổ chức chấm thẩm định theo đề nghị của Bộ Công an. Căn cứ vào kết quả chấm thẩm định, Bộ trả điểm thật cho thí sinh theo quy định về chấm thẩm định.

“Việc có sửa chữa, thêm bớt, can thiệp… Bộ Giáo dục không trả lời được mà liên quan đến điều tra của Bộ Công an. Vụ việc có nhiều yếu tố phức tạp và Bộ Công an vẫn đang tiếp tục điều tra,” vị này cho hay.

Vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Nên trả điểm thật hay hủy bỏ bài thi? ảnh 2Bà Bùi Thị An cho rằng cần xử lý nghiêm để làm gương cho những người có ý định gian lận. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nếu không xử lý nghiêm sẽ khó răn đe

Nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý theo hướng trả điểm thật về cho thí sinh là chưa đủ sức răn đe mà cần hủy kết quả thi, áp dụng theo Điều 49 của Quy chế thi.

Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, cho rằng, có thể một số thí sinh được nâng điểm ít sẽ không biết việc mình được nâng điểm, nhưng những thí sinh được nâng điểm nhiều, đến 26,45 điểm cho cả ba môn thi, thì không thể không biết đó không phải là điểm thật của mình.

Vì thế, theo bà An, nếu không xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế thi sẽ không lấy lại được niềm tin xã hội, không đủ sức răn đe với những cá nhân vi phạm liên quan, đặc biệt là những học sinh được nâng điểm sẽ không học được bài học về sự trung thực.

Đây cũng là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Hà Nội). Theo ông Bình, nếu không xử lý ở mức cao nhất theo đúng quy chế sẽ tạo ra tiền lệ xấu: cứ gian lận, nếu trót lọt thí sinh sẽ được điểm cao, nếu không trót lọt thì vẫn được dùng điểm thật, nghĩa là thí sinh sẽ không phải chịu tác động gì.

Ông Bình cho rằng, với cách xử lý trả điểm thật sẽ không thể làm cho cha mẹ các em và các cán bộ liên quan từ bỏ ý định gian lận thi cử. Nếu năm sau tiếp tục phát hiện các trường hợp vi phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo dù muốn cũng không thể xử lý nghiêm khắc hơn vì đã có tiền lệ.

“Đây là vụ gian lận thi cử gây chấn động cả nước và mọi người dân đang dõi theo cách xử lý vi phạm của cơ quan chức năng. Vì thế, nếu không xử lý nghiêm sẽ khó tạo niềm tin cho xã hội, nhất là trong bối cảnh niềm tin với ngành giáo dục đang suy giảm do liên tiếp các vụ bê bối bị phanh phui,” ông Bình nói./.

Thí sinh gian lận sẽ bị loại khỏi các trường công an

Trả lời VTV1, Thiếu tướng Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết, Cục Đào tạo sẽ rà soát lại các thí sinh đã trúng tuyển vào các trường công an nhân dân trong kỳ thi tuyển sinh năm 2018. Nếu có thí sinh trùng với danh sách chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sẽ bị hủy kết quả thi. Ông Giám khẳng định, các thí sinh gian lận thi cử không đủ điều kiện để trúng tuyển và học tập tại các trường đại học công an nhân dân.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục