Lượng mưa thay đổi tác động tới chất lượng đất trồng lương thực

Theo Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ, sự thay đổi về lượng mưa trên thế giới sẽ kéo theo sự biến đổi về chất lượng đất trồng lúa mì, đậu tương, gạo và ngô trên toàn cầu vào năm 2040.
Lượng mưa thay đổi tác động tới chất lượng đất trồng lương thực ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Sự thay đổi về lượng mưa trên thế giới sẽ kéo theo sự biến đổi về chất lượng đất trồng lúa mì, đậu tương, gạo và ngô trên toàn cầu vào năm 2040 - đó là kết quả một nghiên cứu khoa học mới, được công bố ngày 11/3 trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ.

Nghiên cứu do Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế thực hiện cho thấy gần 14% diện tích đất trồng 4 loại cây lương thực nêu trên sẽ trở nên khô cằn, trong khi hơn 31% diện tích đất còn lại trở nên ẩm ướt hơn vào năm 2040.

Trong các kịch bản cụ thể, ở môi trường có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thấp, hầu hết các khu vực sẽ có thêm 20-30 năm để thích ứng so môi trường có khí phát thải cao.

[Suy thoái đa dạng sinh học đe dọa chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu]

Nghiên cứu cho thấy đất trồng ở khu vực Tây Nam Australia, khu vực miền Nam châu Phi, Tây Nam Nam Mỹ và Địa Trung Hải sẽ trở nên khô hơn, trong khi ở Canada, Nga, Ấn Độ và miền Đông nước Mỹ, đất trồng sẽ ẩm hơn.

Ở Trung Quốc và Ấn Độ - những quốc gia đông dân nhất thế giới, đất trồng các loại cây lương thực nêu trên có xu hướng ẩm hơn trong bất cứ bối cảnh nào, dù lượng khí phát thải cao hay thấp.

Lượng mưa lớn thường được cho là sẽ giúp sản lượng nông nghiệp cao hơn, nhưng theo nghiên cứu trên, kết quả gieo trồng còn phụ thuộc nhiều yếu tố tác động khác như mực nước biển tăng, nhiệt độ tăng cao, cũng như nguy cơ về lũ lụt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục