Nắng nóng kéo dài, người dân Nam Bộ cần phòng tránh tia UV

Nhiệt độ cao nhất mỗi ngày ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện duy trì ở mức 34-35 độ C, vào thời điểm giữa tháng Hai, nhiệt độ có khi lên đến 36 độ C, bức xạ tia cực tím UV đạt mức 10/12.
Phần đông người dân Thành phố Hồ Chí Minh đều trùm kín người khi đi ra đường trong những ngày nắng nóng. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Phần đông người dân Thành phố Hồ Chí Minh đều trùm kín người khi đi ra đường trong những ngày nắng nóng. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Từ giữa tháng Hai trở đi, ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh Nam Bộ thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân.

Trước tình trạng này, các bác sỹ đã đưa ra nhiều khuyến cáo để người dân phòng tránh nắng nóng, bảo vệ sức khỏe.

Nhiệt độ cao nhất mỗi ngày ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện duy trì ở mức 34-35 độ C, vào thời điểm giữa tháng Hai, nhiệt độ có khi lên đến 36 độ C, bức xạ tia cực tím UV đạt mức 10/12.

[Video] TP.HCM và Nam Bộ có nguy cơ cháy rừng cao nhất

Lý giải nguyên nhân nắng nóng tăng cao và kéo dài trong thời gian qua, ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết đợt nắng nóng kéo dài này là hiện tượng bình thường, hầu như năm nào cũng diễn ra. Khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở dưới tầng thấp có áp cao lạnh lục địa cực đới hoạt động không quá mạnh và thường lệch sang phía Đông, phía trên có áp cao cận nhiệt đới tạo, nên trường phân kỳ gió làm cho bầu trời ban ngày ít mây, nắng nhiều và kéo dài trong ngày.

Theo ông Lê Đình Quyết, trong nửa cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2019, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ bước vào cao điểm mùa khô, ít mưa, nắng nhiều và thường xuyên xuất hiện những đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày lên tới 35-37 độ C hoặc cao hơn.

Nắng nóng cùng với nhiệt độ tăng cao khiến đời sống nhiều người bị đảo lộn, nhất là những người phải làm việc hoặc di chuyển nhiều ngoài đường như công nhân xây dựng, nhân viên vệ sinh môi trường, người buôn bán hàng rong, nhân viên giao hàng, người hành nghề chạy xe ôm...

Nắng nóng kéo dài, người dân Nam Bộ cần phòng tránh tia UV ảnh 1Khách du lịch đến khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh ngại ra nắng trong những ngày nắng nóng. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Để chống chọi với nắng nóng, những người ra đường đều mặc nhiều lớp quần áo che kín tay chân, đeo khẩu trang và các loại khăn chống nắng che kín cổ, mặt.

Bác sỹ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung Bướu Bệnh viện quận Thủ Đức, cho biết bức xạ tia cực tím UV ở mức 10 có thể gây bỏng da nếu tiếp xúc liên tục trong 25 phút mà không có các biện pháp bảo vệ cơ thể, chỉ số cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cho cơ thể càng lớn.

Bức xạ cực tím có thể gây tổn thương tế bào da, khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô, xạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Ngoài ảnh hưởng trên da, tia cực tím còn có thể gây các vấn đề cho mắt.

Theo bác sỹ Nguyễn Triệu Vũ, nhằm tránh tác hại của bức xạ tia cực tím, người dân không nên ra đường vào lúc nắng gắt nhất, khoảng 10-16 giờ hàng ngày; dùng áo dài tay, quần dài để che chở cho da càng nhiều càng tốt, dùng nón che phủ đầu mặt. Trời nhiều mây nhưng không phải lúc nào cũng hạn chế tia cực tím do một số trường hợp đám mây có thể phản xạ và tăng cường độ của tia cực tím. Tương tự là các nhà kính, cửa sổ kính, kim loại cũng làm phản chiếu tia cực tím, người dân cũng nên cẩn trọng khi di chuyển trong thành phố.

Bên cạnh đó, người dân cần dùng các sản phẩm chống nắng dạng kem, lotion, dạng xịt để bảo vệ các vùng cơ thể không được quần áo che phủ như mặt, môi, cánh tay, bàn tay, phải đọc kỹ xem sản phẩm có đúng là dùng để chống nắng hay không với chỉ số bảo vệ ánh nắng (SPF) từ 30 trở lên, dùng kính mát có khả năng chặn tia cực tím (chỉ số ANSI trên bao bì). Khi đi tắm biển, hồ bơi vào giờ nắng gắt, người dân nên dùng kem chống nắng và kính mát do tia cực tím vẫn có thể xuyên thấu qua nước.

Theo bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Viết Hậu, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, nắng nóng, nhiệt độ tăng cao có thể gây ra các bệnh như phù, phát ban, chuột rút, ngất xỉu, kiệt sức do nhiệt và sốc nhiệt. Để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng hay thời điểm giao mùa gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao, nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao thì nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc.

Người dân cần chủ động uống nước, nhất là các loại nước có muối khoáng. Trong thời tiết nóng bức hay trong thời điểm giao mùa, người dân phải lưu ý thêm các bệnh lý về đường hô hấp.

Nguyên nhân là do mọi người có xu hướng ở trong các phòng máy lạnh quá lâu, sử dụng nhiều quạt hoặc ăn uống các loại thức ăn, thức uống lạnh hay có đá làm khô niêm mạc, khô chất nhầy của đường hô hấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các siêu vi, vi trùng ngoại lai xâm nhập, gây các bệnh lý như nhiễm siêu vi, viêm đường hô hấp.

Bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Viết Hậu khuyến cáo một số người có quan điểm sau khi đi dưới nắng thường về nhà tắm ngay hoặc do thời tiết nóng nực nên phải thường xuyên tắm là những sai lầm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Cơ thể đang ở ngoài nắng, nhiệt độ môi trường khá cao, về nhà tắm ngay dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, trung tâm điều nhiệt phải hoạt động liên tục, ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi đi nắng trở về không được tắm ngay mà nên nghỉ ngơi, để khô mồ hôi khoảng 30 phút rồi mới tắm. Ngoài ra, người dân cũng không nên tắm nhiều lần trong ngày để tránh việc cơ thể bị thay đổi nhiệt độ liên tục, không tốt cho sức khỏe./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục