Vừa chạy vừa xếp hàng

22/02/2019 06:00 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua (21/2), trái bóng V-League 2019 đã lăn ở xứ Thanh, với trận đấu sớm vòng 1 giữa Thanh Hoá và B.Bình Dương. Tuy nhiên, theo những thông tin mà Thể thao & Văn hóa có được BTC giải đấu (VPF) và cao hơn là VFF dường như đã lại cẩu thả bỏ qua một khâu cực kỳ quan trọng, đấy là kiểm tra các sân bãi thi đấu chính thức của các CLB.

Chúng ta đều đã thống nhất với nhau rằng, để có thể hướng tới một sản phẩm bóng đá chất lượng, chứ chưa nói là kiểu mẫu để chào bán giá cao, thì chất lượng sân bãi, trong đó có mặt cỏ và các phòng chức năng, là yếu tố quan trọng hàng đầu. Một thảm cỏ như đám ruộng cày dở ở Lạch Tray hay Thanh Hoá trước đây, đặc biệt là vào mùa Đông mưa phùn sương muối, từng là nỗi ám ảnh và nó khiến cho chất lượng các trận đấu giảm thiểu rất nhiều.

Vào thời điểm đó, lãnh đạo đội bóng đất Cảng đổ thừa cho thời tiết là tác nhân, nhưng sự thật là công tác chăm sóc - tu bổ mặt sân đã không được ý thức. Đấy là tình cảnh chung kiểu như “cha chung không ai khóc” và Hải Phòng thậm chí còn sử dụng mặt sân xấu như một lợi thế.

Hạ tầng phục vụ bóng đá ở Việt Nam phải nói là rất tệ. Cũng chính vì lý do này mà không hiếm lần AFC tước đi các suất chơi châu lục cấp CLB, với các đại diện của Việt Nam. Than Quảng Ninh và CLB Hà Nội, hay Hà Nội ACB (cũ) từng buộc phải thuê sân Mỹ Đình làm sân nhà trong các trận đấu ở AFC Cup. Việc chuẩn hoá mô hình một CLB chuyên nghiệp ở Việt Nam đã được AFC ý thức và đưa vào thông qua các chương trình Tầm nhìn châu Á (từ 2005 đến nay), như một cách phổ cập, nhưng vẫn còn dang dở. Bằng chứng là tới lúc này, chỉ có 5 đội bóng trong nước đạt chuẩn chuyên nghiệp của Liên đoàn bóng đá châu Á.

Trở lại với việc VPF quên không tổ chức các đợt kiểm tra sân bãi, một lần nữa cho thấy sự cẩu thả của nhà tổ chức. Đây là công đoạn rất đơn giản, song vẻ như VPF đang thiếu những người có chuyên môn, có nghề thực sự. V-League, giải hạng Nhất quốc gia và Cúp quốc gia, bao năm qua vốn đã quá nhiều sạn, trong đó nổi cộm là công tác điều hành và công tác trọng tài. Hy vọng, với “vương triều” mới ở Ban trọng tài thuộc VFF, những sai số sẽ được giảm thiểu. Nhưng nghe đâu, VPF vẫn chưa từ bỏ tham vọng nắm quyền, khi tiếp tục can thiệp vào việc phân công công tác giám sát và trọng tài mùa này.

Vừa đá bóng vừa thổi còi là chuyện không thể, bởi nó sẽ đánh mất tính minh bạch của cuộc chơi. Kể từ năm 2012, nhiều nhân vật trong giới cầm còi và cầm cờ “bỗng dưng mất tích”, khiến cho người hâm mộ bán tín bán nghi và mất đi kha khá niềm tin vào bóng đá nội.

‘Không chấp nhận tiêu cực tại V-League’

‘Không chấp nhận tiêu cực tại V-League’

Đó là quan điểm của Công ty Cổ phần hàng tiêu dùng Masan với thương hiệu Wake-up 247 khi nhận lời trở thành nhà tài trợ chính của V-League 2019.

Cùng với làn sóng tươi mới của bóng đá Việt Nam, đặc biệt là bóng đá trẻ, đã và đang tạo được hiệu ứng tuyệt vời, thì ở phần việc tổ chức - điều hành giải đấu, cần phải được tiêm cấy những cán bộ có năng lực, có nghề và có trình độ. Thế hệ cán bộ trẻ của bóng đá Việt Nam, như Thể thao & Văn hoá từng đề cập, lúc này cũng khá dồi dào, cả về chất lẫn lượng, được ăn học tử tế và không ít người từng nghiên cứu sinh ở nước ngoài trở về. Không trao niềm tin và cơ hội thể nghiệm cho họ lúc này, thì còn đợi đến bao giờ!?

Mùa Xuân thay áo mới, mùa giải 2019 cũng đã khởi đi, nhưng nói thật khó để tìm thấy nhiều điểm sáng. Không hiếm các đội bóng ở V-League vẫn phải ăn đong, và nhà tổ chức vẫn vừa chạy vừa xếp hàng. 14 CLB thi thố và cuối cùng Hà Nội lại là nhà vô địch, với cuộc chạy tiếp sức không thực sự cân sức cho phần còn lại.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm