‘Thay đổi công nghệ đưa chúng ta vào cuộc rượt đuổi với sư tử’

Những thay đổi của công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0 đưa chúng ta vào trong cuộc rượt đuổi với đằng sau là một con sư tử - là những phòng Digital Lab mọc lên ở những doanh nghiệp hàng đầu...
‘Thay đổi công nghệ đưa chúng ta vào cuộc rượt đuổi với sư tử’ ảnh 1Tiến sỹ Phương Trầm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nguyên CIO của DuPont, tiến sỹ Phương Trầm  - người vừa trở thành Tư vấn trưởng Chuyển đổi số của FPT đã có những chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi số, những cơ hội và thách thức mà doanh nghiệp Việt có thể gặp phải khi triển khai điều này.

- Chuyển đổi số là một khái niệm đã được nhắc đến vài năm gần đây, nhưng vẫn còn khá mù mờ. Nếu để giải thích một cách ngắn gọn, ông sẽ nói gì về thuật ngữ này?

Tiến sỹ Phương Trầm: Mọi cá nhân, tổ chức nếu chú ý quan sát về cách mạng công nghiệp 4.0 đều sẽ đọc được thông tin ở đâu đó về chuyển đổi số và đều có thể nói một cách khái quát thế nào là chuyển đổi số. Tuy nhiên nếu để cắt nghĩa một cách cụ thể thì chuyển đổi số vẫn luôn là một khái niệm rất mới.

Chuyển đổi số là cách bạn dùng khoa học công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh, ứng dụng vào hoạt động điều hành doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh một cách khác biệt, đem lại hiệu quả cao hơn, với một tốc độ thay đổi nhanh hơn. Ví dụ một công việc trước đây làm trong ba tháng thì nay chỉ cần một ngày, thay vì thuê hàng nghìn nhân công thì chỉ cần một nhóm nhỏ, thay vì làm những công việc mang tính quy trình lặp đi lặp lại thì người lao động sẽ được tham gia vào những công việc mang lại giá trị thặng dư cao hơn. Đó là cách mà chuyển đổi số tác động đến từng chi tiết của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cách duy nhất để phác họa được khái niệm này một cách chân thực, hiểu được nó là gì, là phải trực tiếp làm. Không phải những hành động hời hợt mà bạn phải làm một cách say mê, đầy năng lượng. Nếu không có như vậy, đó sẽ chỉ là một mớ khái niệm, những lý thuyết suông.

- Ông có nhắc đến những cơ hội nhưng tại sao các doanh nghiệp phải chuyển đổi số? Nếu không thưc hiện, họ sẽ bỏ lỡ điều gì?

Tiến sỹ Phương Trầm: Hãy nhìn vào Kodak 20 năm trước, đó là công nghệ máy ảnh mà mọi người đều sử dụng. Nhưng bây giờ thì sao, Kodak vẫn có tất cả các bản quyền về công nghệ máy ảnh phim nhưng ở hiện tại đó đều là con số 0. Trước đây họ kiếm được nhiều tiền nhưng khi công nghệ thay đổi và các doanh nghiệp khác lại thích ứng với quá trình chuyển đổi đó nhanh hơn, tất yếu là sự biến mất của Kodak.

Theo tôi, những thay đổi của công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0 đưa chúng ta vào trong cuộc rượt đuổi với đằng sau là một con sư tử. Con sư tử đó chính là những phòng Digital Lab mọc lên ở những doanh nghiệp hàng đầu thế giới, là sự chuyển đổi ngày càng nhanh của những doanh nghiệp dẫn đầu, là cuộc đua được tăng cấp giữa những đối thủ cạnh tranh.

Trong tình huống khẩn cấp đó, chúng ta cần có công cụ để tránh bị con sư tử ăn thịt. Và công nghệ và chuyển đổi số sẽ giúp chúng ta vượt trội hơn.

Nhiệm vụ của CIO giờ đây không chỉ là những thứ về IT, đó là nhiệm vụ chuyển đổi các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp và cả những nhân viên, giúp họ làm việc tốt hơn, trang bị thêm các kỹ năng. Khi thực hiện chuyển đổi số thì vai trò của CIO đó chính là nâng cao năng lực nhân viên của chúng ta. Nếu không chuyển đổi số, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau và bị thay thế bởi những đối thủ cạnh tranh thay đổi nhanh hơn.

‘Thay đổi công nghệ đưa chúng ta vào cuộc rượt đuổi với sư tử’ ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: recentstory.com)

- Với kinh nghiệm 30 năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và góp công đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số thành công cho DuPont, theo ông đâu là yếu tố quyết định sự thành công của quá trình này?

Tiến sỹ Phương Trầm: Chuyển đổi số vẫn là một khái niệm ít người biết đến, ít chủ doanh nghiệp quan tâm, nhưng đó là quá trình đang diễn ra và tạo động lực cho tăng trưởng.

Chuyển đổi số tại mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp đều khác nhau, nhưng tựu trung lại là phụ thuộc vào ba yếu tố chính: hạ tầng cơ sở, nguồn lực và những "người tiên phong".

Chuyển đổi số phải là sự thay đổi trong ý thức từ người lãnh đạo cho tới những nhân viên, mỗi nhân viên sẽ tốt hơn qua từng ngày và mỗi người lãnh đạo sẽ thấy sự thay đổi trong kết quả kinh doanh.

Nói một cách dễ hiểu hơn, chuyển đổi số là việc tăng chất lượng nguồn nhân lực, sự tiên phong của "những người dẫn đầu," quá trình thay đổi mô hình kinh doanh hướng tới giảm chi phí gia tăng hiệu quả, theo một cách sáng tạo và đi trước những người khác.

Một tổ chức cần có sự sẵn sàng ở ba yếu tố: Đội ngũ lãnh đạo, tổ chức và con người. Có ba yếu tố đó là chìa khóa để mở ra cánh cửa làm chuyển đổi số.

Mỗi lãnh đạo khi thấm nhuần tư tưởng chuyển đổi số phải quyết định chiến lược, sứ mệnh trong ba năm, những việc tối quan trọng cần làm và những dự án chuyển đổi số nào họ muốn làm. Mỗi công việc kinh doanh là rất khác nhau. Không có hình mẫu và bạn không thể học từ hình mẫu. Nếu bạn tìm kiếm một mô hình chuẩn, bạn sẽ mãi mãi là kẻ theo sau.

- Ông có nhắc đến chuyển đổi số là một quá trình, vậy chuyển đổi số có "deadline" hay không?

Tiến sỹ Phương Trầm: Chuyển đổi số khi đã thực hiện sẽ là một quá trình liên tục. Đó không phải là một công việc có thể diễn ra trong ngày một ngày hai. Cũng giống như một sản phẩm điện thoại thông minh hay một chiếc ôtô, nó sẽ luôn tự làm mới, được cải tiến, được tích hợp thêm những công nghệ mới, mỗi ngày lại một tốt hơn, hiện đại hơn. Chuyển đổi số cũng vậy, nó là quá trình làm công ty tốt hơn, là quá trình liên tục diễn ra, mỗi nhân viên sẽ liên tục thay đổi và trở nên tốt hơn.

- Trở lại Việt Nam với vị trí "kiến trúc sư" trưởng của mảng chuyển đổi số cho FPT, ông mang theo hoài bão gì trong lần trở về này?

Tiến sỹ Phương Trầm: Tôi là người Việt Nam. Hiện có rất nhiều công ty như FPT trên thế giới. Nhiệm vụ của người Việt Nam là phải giúp một công ty Việt Nam trở thành công ty mang tầm thế giới nếu không muốn nói là tốt hơn các công ty khác, và tôi muốn làm việc đó để giúp FPT.

Công nghệ sẽ có tác động lớn đến thế giới trong nhiều năm tới. Nếu FPT thành công về chuyển đổi số, đó sẽ là một hình mẫu cho các công ty khác, từ đó thúc đẩy sự phát triển ngành công nghệ thông tin của Việt Nam.

Bản thân người Việt cũng rất giỏi, học sinh của chúng ta đi thi các giải quốc tế đều luôn đứng những vị trí dẫn đầu. Chúng ta có những tiềm năng to lớn về mặt nhân lực để đẩy mạnh công nghệ thông tin. Ấn Độ làm được, Brazil làm được, châu Á làm được vậy tại sao không thể là Việt Nam – tại sao không?.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Phương Trầm, cựu CIO DuPont – tập đoàn đa ngành với doanh thu 85 tỷ USD, hiện đang là Tư vấn trưởng về Chuyển đổi số của FPT. Ông là người dẫn dắt tổ chức mảng công nghệ thông tin và quy trình của DuPont trên toàn cầu. Với chiến lược chuyển đổi số rõ ràng và tích hợp, ông đã giúp DuPont tiết kiệm 1,6 tỷ USD chi phí cho công nghệ thông tin; giảm 90% thời gian xử lý đơn hàng, tạo hàng tỷ USD lợi ích cho tập đoàn. Ông đã đưa tên tuổi của DuPont thành một trong những doanh nghiệp thành công nhất thế giới về chuyển đổi số.

Ông Phương Trầm tốt nghiệp Đại học New South Wales, Australia, với bằng Cử nhân ngành Kỹ sư Hoá năm 1978.

Năm 1989, ông gia nhập DuPont sau 11 năm giữ nhiều vị trí quan trọng tại ICI Australia, một công ty hóa chất có chi nhánh tại Úc. Năm 1996, ông trở thành Giám đốc Hệ thống công nghệ thông tin và Cải tiến quy trình kinh doanh của Dupont. Năm 2006, ông đảm trách vị trí CIO phụ trách vận hành toàn cầu, các phòng ban chức năng, châu Á - Thái Bình Dương và Canada và được chỉ định là Phó Giám Đốc phụ trách dịch vụ tích hợp toàn cầu, hệ thống công nghệ thông tin.

Ngoài DuPont, ông Phương Trầm còn là thành viên của Hội đồng Quản lý Doanh nghiệp Công nghệ, Hội đồng Tư vấn Khách hàng của AT&T, Cố vấn cho Giám đốc Thông tin của Dell-EMC, Cố vấn và nghiên cứu cho Giám đốc Thông tin của Salesforce.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục