Họp bàn về vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

15:56' - 21/02/2019
BNEWS Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, sáng 21/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN

* Bao quát tất cả các nguồn thu ngân sách Nhà nước
Về phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1), một số ý kiến đề nghị làm rõ các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu và xác định có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này không.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, việc quy định như dự thảo Luật sẽ đảm bảo bao quát nguồn thu của ngân sách Nhà nước và tăng cường quy trình, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác quản lý các nguồn thu của ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, việc quy định giao Chính phủ căn cứ vào quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan để quy định việc quản lý thu đối với các khoản thu không do cơ quan quản lý thuế thu sẽ không làm xáo trộn các quy trình quản lý thuế trong Luật này và vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý nguồn thu ngân sách Nhà nước tại các Luật chuyên ngành.

Tuy nhiên, để bảo đảm rõ ràng, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách và cơ quan soạn thảo thống nhất sửa lại phạm vi điều chỉnh theo hướng bao quát tất cả các nguồn thu ngân sách Nhà nước, không tách bạch nguồn thu do cơ quan quản lý thuế thu và nguồn thu không do cơ quan quản lý thuế thu đồng thời chuyển nội dung của khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật xuống Điều 151 cho phù hợp.
Về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế (Chương II), một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải, việc bổ sung nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở Trung ương trong việc quản lý thuế như: trách nhiệm của Bộ Công Thương liên quan đến hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trong phối hợp với cơ quan quản lý thuế, nhượng quyền thương mại và các hoạt động liên quan; trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện các biện pháp quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan; sửa đổi quy định về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng trong việc thẩm định dự án đầu tư để xác định giá trị đầu tư của dự án, làm căn cứ để xác định đúng nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật... đã được quy định tại dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Nội dung cụ thể thể hiện tại Điều 15 của dự thảo Luật.
Dẫn chứng về một số trường hợp thành lập công ty, doanh nghiệp nhằm trốn thuế thu nhập cá nhân, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải chỉ rõ, dự thảo Luật không đề cập đến trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc quản lý thu thuế đối với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Đây là vấn đề được cử tri rất quan tâm; vì thế, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải nghiên cứu, bổ sung nội dung này. Đồng thời cần rà soát lại các quy định liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan thực hiện quản lý thuế; các trường hợp không thu thuế, miễn thuế, giảm thuế, khoanh nợ, xoá nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp…
Liên quan đến trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý thuế trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế, khoản 2 Điều 150 dự thảo Luật quy định: Cơ quan quản lý thuế có quyền từ chối xem xét giải quyết khiếu nại nếu người khiếu nại từ chối cung cấp hồ sơ, tài liệu.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu rõ: Quyền khiếu nại, tố cáo đã được quy định trong Hiến pháp và trong Luật Khiếu nại cũng không quy định cơ quan Nhà nước có quyền từ chối xem xét việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ nội dung này, đối chiếu với pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo quyền của công dân.
* Làm rõ trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước và cơ quan Thanh tra Nhà nước

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN

Đối với nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước và cơ quan Thanh tra Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh (khoản 2 Điều 21 và khoản 2 Điều 22) theo hướng Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Thanh tra Nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kiến nghị.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm thống nhất với quy định tại Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Thanh tra, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý theo hướng, cơ quan Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Thanh tra Nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận do Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Thanh tra ban hành đồng thời bỏ khoản 3 Điều 110 và khoản 3 Điều 119 của dự thảo Luật trình Quốc hội.
Ngoài ra, để khắc phục tồn tại trong thực tiễn phát sinh khi cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan Thanh tra Nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm toán cơ quan quản lý thuế có liên quan đến nghĩa vụ người nộp thuế, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng, cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan Thanh tra Nhà nước phải có trách nhiệm gửi văn bản có kiến nghị cho người nộp thuế về các nội dung có liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế. Người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện theo kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan Thanh tra.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, đây là quan hệ giữa cơ quan Kiểm toán với cơ quan quản lý thuế; giữa cơ quan Thanh tra và cơ quan quản lý thuế. Vì thế, kết luận của cơ quan Kiểm toán và cơ quan Thanh tra liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế chứ không phải là đối với người nộp thuế. Do vậy, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải xem xét kỹ lưỡng, thiết kế lại nội dung Điều 21, 22 của dự thảo Luật để đảm bảo tính logic, rõ ràng.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, thuế là nguồn thu cơ bản của Nhà nước. Tuy nhiên vừa qua có nổi lên việc thất thu thuế, vậy luật này có giải quyết được tình trạng trốn thuế, chống thất thu, thậm chí chấm dứt tình trạng thỏa thuận, “cưa đôi” giữa người thu và người nộp thuế không? Vừa là cơ quan quản lý, thu thuế, lại vừa được quyền xóa nợ, vậy có kiểm soát được quyền lực không? Việc kinh doanh trên mạng có thuộc phạm vi sửa đổi trong Luật này không?...
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với hướng tiếp thu của Ủy ban Tài chính - Ngân sách trong báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo và thẩm tra rà soát thêm các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý thuế; các quy định bảo đảm công khai, minh bạch quá trình quản lý thuế; việc áp dụng thuế điện tử, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế; vấn đề về kê khai thuế, xóa nợ thuế; cụ thể hóa hơn nữa các điều, khoản, tránh để có quá nhiều điều giao cho Chính phủ quy đinh chi tiết…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp thu nghiêm chỉnh, đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rà soát kỹ lưỡng, tiếp tục hoàn thiện dự án Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Tại phiên họp sáng 21/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục