'Đón đầu' xu hướng chiếm lĩnh của 4G với sự phát triển di động băng rộng trong 5 năm tới

Theo Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), dù công nghệ 5G được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây, nhưng trong 5 năm tới, công nghệ 4G vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy sự phát triển của di động băng rộng tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Kiểm tra các trạm phát sóng. Ảnh: TL

Theo ông Lê Văn Tuấn, Cục Phó Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT), từ năm 1993, công nghệ 2G triển khai tại Việt Nam và phát triển nhanh vào giai đoạn sau năm 2004 và đạt hơn 107 triệu thuê bao vào năm 2014. Sau đó, công nghệ này bắt đầu suy giảm và chỉ còn hơn 72 triệu thuê bao vào giữa năm 2018. Thuê bao 2G vẫn chiếm khoảng 60% tổng số thuê bao. Song song với số thuê bao, số thiết bị đầu cuối 2G bán ra trên thị trường Việt Nam hàng năm bắt đầu giảm nhanh từ năm 2013, từ 87% số máy xuống còn 24,4% năm 2018 và dự kiến năm 2023 chỉ còn khoảng 15% máy 2G được bán ra.

3G là công nghệ nửa thoại, nửa dữ liệu và có tốc độ hạn chế hơn so với 4G, nên đang dần bị thay thế. Tại Việt Nam, số thuê bao 3G có xu hướng tăng trong giai đoạn 2010 - 2017, nhưng từ khi xuất hiện 4G đã bắt đầu giảm nhanh. Số lượng thiết bị đầu cuối bán ra trên thị trường có hỗ trợ 3G đã phát triển mạnh giai đoạn 2010 - 2014 và bắt đầu giảm từ năm 2015 và chỉ còn chiếm 7,8% vào năm 2018. Dự kiến đến năm 2023 chỉ chiếm 1,5% tổng số máy.

“Dự báo nhu cầu di động băng rộng tại Việt Nam sẽ tăng trưởng trong giai đoạn 2019 - 2024 và 4G đóng vai trò dẫn dắt”, ông Lê Văn Tuấn nhận định.

Theo số liệu thống kê đến tháng 5/2018, Việt Nam có trên 123 triệu thuê bao di động, trong đó có khoảng 21 triệu thuê bao 4G, chiếm 40% tổng số thuê bao di động băng rộng 3G và 4G. Dự báo 4G tại Việt Nam sẽ tăng trưởng và đạt đỉnh vào năm 2024. Từ năm 2023, ước tính mức độ tiêu dùng dữ liệu 4G vào năm 2023 tăng 9 lần.

Công nghệ 5G theo cách gọi của ITU (Liên minh viễn thông thế giới) đang được nhắc nhiều đến thời gian gần đây, nhưng đang trong giai đoạn hoàn thiện tiêu chuẩn và dần phát triển. Tiêu chuẩn 5G vẫn đang được hoàn thiện, dự kiến vào năm 2020 ITU sẽ phê chuẩn phiên bản đầu tiên và các thiết bị smartphone 5G thế hệ đầu tiên sẽ được tung ra thị trường vào quý II/2020.

Để đón đầu xu thế này, Bộ TT&TT đã có kế hoạch tháo gỡ các khó khăn, cấp phép băng tần bổ sung cho 4G. Cụ thể, băng tần 2,6 GHz FDD, với lợi thế sinh thái lớn, khả năng tích hợp sóng lại thuận lợi cho các băng tần 4G công nghệ FĐ như 1800 MHz, 210 MHz được lựa chọn để cấp phép. Đồng thời, Bộ sẽ quy hoạch băng tầng 700 MHz dành cho di động và triển khai cấp phép cho 4G. Các nhà mạng di động tiếp tục chuyển đổi một số băng tần đang dùng cho 2G và 3G để triển khai 4G/LTE.

Năm 2019, Bộ TT&TT sẽ xây dựng quy hoạch băng tần cho 5G và cấp phép thử nghiệm. Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu đánh giá xu hướng phát triển công nghệ 2G và 3G để đưa ra dự báo và lộ trình ngừng sử dụng.

Mạng di động 2G với dịch vụ cơ bản là thoại, mạng 3G có thêm chức năng cung cấp dữ liệu (data). Với mạng 4G, công nghệ này chủ yếu hỗ trợ data, nhưng là data đáp ứng nhu cầu kết nối giữa người với người. Công nghệ 5G cũng là data, nhưng được thiết kế cho kết nối vạn vật.
XC/Báo Tin tức
Bổ sung gần 80 ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp
Bổ sung gần 80 ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 06 bổ sung gần 80 ngành, nghề đào tạo vào Danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng (CĐ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN