Cuộc chiến chống tin giả: Cách hữu hiệu nhất là dạy cho trẻ em

Những sáng kiến để dạy cho các em nhỏ về “xác thực nguồn tin” đã được triển khai tại nhiều quốc gia. Vậy những mô hình nào thành công?
Cuộc chiến chống tin giả: Cách hữu hiệu nhất là dạy cho trẻ em

Người đàn ông cao tuổi nhất thế giới hiện nay là 179 tuổi có phải không? Học sinh tại Molenbeek, một quận thuộc Brussels (Bỉ), nhìn chăm chú vào một bản tin trên báo điện tử được chiếu lên màn hình trong lớp học. Tin này đúng sự thực hay là tin giả? Làm thế nào để nhận biết được?

Fake news (tin giả) sẽ còn tồn tại lâu dài. Những câu chuyện giả mạo thường được viết hay hơn và thú vị hơn tin thật, vì thế nó thu hút sự chú ý của người đọc cũng như các nhà quảng cáo. Và luôn luôn có những nhân vật chính trị hưởng lợi từ tin giả.

Nhưng kể từ khi fake news trở thành một nạn dịch và bắt đầu được công chúng quan tâm vào năm 2016, chúng ta đã ít nhiều rút ra được những bài học về cách đối phó với nó. Những sáng kiến để dạy cho các em nhỏ về “xác thực nguồn tin” đã được triển khai tại nhiều quốc gia. Ở Pháp có một chương trình tình nguyện dành cho các trường học. Giáo dục vẫn tụt hậu khoảng 1 thập niên so với Internet, nhưng đang dần đuổi kịp. Vậy những mô hình nào thành công?

Lie Detectors là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Brussels. Họ đã đưa các phóng viên đến nhiều trường học ở châu Âu để giảng dạy về vấn đề này. Tại Molenbeek, họ cử nhà báo Valentin Dauchot người Bỉ tới một lớp học gồm các em nhỏ 10 và 11 tuổi, hầu hết đến từ châu Phi.

“Trên Internet,” Dauchot nói, “không phải tất cả mọi thứ đều sai, nhưng cũng không phải tất cả đều đúng. Đọc được điều gì thì các cháu cũng đều cần phải thẩm định tính chính xác.”

Molenbeek, nơi cư ngụ của một số phần tử Hồi giáo cực đoan từng thảm sát 130 người ở Paris vào tháng 11/2015, có tên tuổi không tốt đẹp gì. Tuy nhiên, những học sinh tham gia lớp học về tin giả lại vô cùng gương mẫu. Trong vòng 90 phút, các em say mê lắng nghe, phấn khích hô to các câu trả lời, ngay cả khi lớp học bên cạnh đã ra chơi và nô đùa ầm ĩ ngoài sân trường đầy tuyết. Sau 3 lần tới 3 ngôi trường ở Molenbeek, Dauchot nhận thấy các trẻ em ở đây cũng  sắc sảo chẳng kém những em ở các khu vực dân cư giàu có hơn. Các học sinh tiểu học thực sự là đối tượng biết lắng nghe và học hỏi; thuyết âm mưu rõ ràng chỉ có ở người lớn.

Dauchot minh họa với lớp học bằng 3 bài viết trên mạng: ông già 179 tuổi, một con cá sấu thoát khỏi vườn thú và tiến vào Paris bằng các đường cống thải, và một hóa đơn trị giá 154.953 euro cho một bữa ăn tối giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Tháp Eiffel. Ban đầu, tụi trẻ thử đoán xem tin nào đúng sự thực. Mỗi em có nhìn nhận khác nhau. Và khi Dauchot tiết lộ rằng cả 3 tin đều là bịa tạc thì có nhiều tiếng kêu lên vì không thể tin nổi.

Mấu chốt ở đây là gì? Trên màn hình, Dauchot phóng to hình hóa đơn thanh toán của nhà hàng. “Nó viết gì nhỉ, ’14 chiếc mũ lưỡi trai’? Tại sao lại mua mũ trong nhà hàng?” Với câu chuyện về con cá sấu, khi nhìn cận hơn thì thấy nó xuất hiện trên một website chuyên kể chuyện bịa (thậm chí có banner quảng cáo chào bán plutonium với giá rẻ mạt 28 euro/kg) Và nếu lên Google tra cứu về ông cụ 179 tuổi thì sẽ ngay lập tức đọc được những bài viết bóc trần thông tin sai lệch đó.

“Tại sao người ta lại viết tin giả?” Dauchot hỏi. “Để kiếm tiền,” một bé trai nói to. “Để lừa người khác,” một bé gái tiếp lời. Lũ trẻ hiểu điều này vì hầu hết đều theo dõi các ngôi sao trên YouTube, luôn sử dụng các thủ thuật câu kéo để tăng người xem.

Bóc trần tin giả chỉ là một nửa của công việc cần làm. Điều không kém phần quan trọng là giành lại niềm tin với báo chí.

Tổ chức Lie Detectors nhận thấy hóa ra những đứa trẻ này còn thạo Internet hơn cả các thầy cô giáo, và chắc chắn là hơn những người già. Hai nghiên cứu gần đây trên các tạp chí khoa học Science và Science Advances đều kết luận rằng những người từ 65 tuổi trở lên thì chia sẻ tin sai lệch nhiều hơn các nhóm tuổi khác.

Bóc trần tin giả chỉ là một nửa của công việc cần làm. Juliane von Reppert-Bismarck, người sáng lập Lie Detectors, khẳng định rằng điều không kém phần quan trọng là giành lại niềm tin với báo chí. Rốt cục, chuyến đi và giảng dạy của Dauchot tới Molenbeek chính là một sự quảng bá cho báo chí. Anh là nhà báo đầu tiên mà hầu hết tụi trẻ có cơ hội được gặp.

Nhiều người lớn tuổi cũng chưa từng gặp trực tiếp các nhà báo. Kể từ khi Internet phá hủy mô hình kinh doanh của các cơ quan báo chí, rất ít người muốn làm phóng viên địa phương. Cuộc tấn công nhằm vào các nhà báo của những người biểu tình áo vàng ở Pháp cho thấy cơn giận dữ đối với những người chỉ ngồi sau màn hình, viết ra vô vàn tin bài trên các trang tin tức hoạt động suốt 24 giờ nhưng chẳng bước chân ra đường để gặp những người dân thường.

Sự hiện diện của Dauchot đơn giản là một minh chứng với các em nhỏ rằng nhà báo không phải là loại “to còi.” Anh chỉ cho các cháu nhỏ về cách các nhà báo làm việc. “Nhà báo nào cũng phải tuân theo luật định,” anh giải thích. Khi Dauchot viết một bài báo, đồng nghiệp của anh sẽ kiểm tra xem có sai sót nào không. Khi anh đưa ra một quan điểm cáo buộc, anh phải trao cho người bị cáo buộc quyền phản hồi. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng được áp dụng trên môi trường Internet, nơi mà ai cũng có thể nói bất kỳ điều gì họ muốn mà chẳng hề được kiểm chứng.

Báo chí không phải lúc nào cũng chuẩn xác, cũng có lúc sai. Nhưng chúng ta đang đưa thông tin về thế giới này trong thời gian thực, thường là viết về những người che giấu các việc làm nào đó. Von Reppert-Bismarck yêu cầu các nhà báo mà bà đưa đến các trường học phải mô tả những sai sót mà chính các nhà báo mắc phải. Nếu chúng ta không ngại nêu lên những sai sót của mình thì niềm tin của độc giả không bị đổ nát khi họ phát hiện thấy lỗi, và họ không đương nhiên quy kết là một sai sót cố tình.

Bà cũng khuyến cáo rằng giới truyền thông phải thành thực về những định kiến của chính mình. Bà đánh giá cao tờ New York Times với quan điểm tự do đã gắn kết với những bài phân tích từ các ấ phẩm cánh hữu chất lượng cao. Báo chí không bao giờ có thể kể toàn bộ sự thực, nhưng như lời tác gia Julian Barnes, “43% sự thực khách quan thì tốt hơn là 41%”.

“Các cháu đang sống trong một kỷ nguyên kết nối,” Dauchot nói với các trẻ em vào cuối giờ học. “Các cháu biết nhiều hơn chú khi ở tuổi của các cháu, vào cái thời không có điện thoại thông minh. Các cháu lên mạng ở mọi nơi, chỉ có một mình. Vậy người duy nhất có thể tư duy và quyết định là ai?”

“Cháu!” lũ trẻ đồng thanh. Và bây giờ các thầy cô giáo có thể tiếp tục bài học./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục