Thứ năm, ngày 25/04/2024

Tin tức trong ngành

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Cho những dòng tin chảy mãi


(18/02/2019 10:45:00)

Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc cuối thập niên 70, nửa đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Thông tấn xã Việt Nam đóng vai trò như một mũi nhọn tiên phong trên mặt trận thông tin. Những dòng tin chiến sự, hàng trăm bài tường thuật từ các chảo lửa Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, hàng nghìn bức ảnh đen trắng ghi lại tội ác của quân bành trướng Trung Quốc... đã liên tiếp được chuyển về, phát sóng như những bằng chứng đanh thép cho tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh vệ quốc.

Điện báo viên TTXVN Lê Văn Hiệp và bức ảnh chụp ông đang phát tin, ảnh tại mặt trận biên giới Hà Tuyên, tháng 4/1984

Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc cuối thập niên 70, nửa đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Thông tấn xã Việt Nam đóng vai trò như một mũi nhọn tiên phong của mặt trận thông tin. Những dòng tin chiến sự, hàng trăm bài tường thuật từ các chảo lửa Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, hàng nghìn bức ảnh đen trắng ghi lại tội ác của quân bành trướng Trung Quốc... đã liên tiếp được chuyển về, phát sóng như những bằng chứng đanh thép cho tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh vệ quốc.
 
Hầu hết những cán bộ TTXVN phục vụ “mặt trận” ngày ấy đều đã nghỉ ngơi, nhưng những ký ức về một thời làm báo “đốt cháy mình” bằng tình yêu nước và lý tưởng cách mạng vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi người.
 
Cho tới tận 40 năm sau, cựu điện báo viên Cục điện vụ Lê Văn Hiệp (nguyên Trưởng ban Kiểm tra, Phó chánh Văn phòng TTXVN) vẫn giữ được tình yêu và lý tưởng ấy của mình. Ông bảo: Đó sẽ là những năm tháng đỏ rực lửa và máu nhưng cũng rất đáng tự hào khi ông được hòa mình vào không khí sục sôi chung của cả dân tộc và giúp dòng tin nóng chảy mãi từ mặt trận biên cương về tổng xã.
 
Những tháng ngày... lửa cháy

Điện báo viên Lê Văn Hiệp đón chúng tôi bằng một nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt rắn rỏi và cương nghị. Bằng chất giọng trầm ấm, ông bắt đầu kể về những tháng ngày đỏ lửa những năm 1979 - 1984.
  
Điện báo viên Lê Văn Hiệp vẫn chưa thể quên những tháng năm đỏ lửa hơn 40 năm về trước (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

 “Không phải đến tận năm 1979, nguy cơ chiến tranh mới nảy sinh. Trước đó, từ khoảng tháng 6/1978, khi tôi còn đang là điện báo viên của phân xã Hải Phòng, mối quan hệ với Trung Quốc đã căng thẳng,” nhấp một chén trà đặc quánh, ông Hiệp bắt đầu.
 
Vào thời điểm này, phía Trung Quốc liên tục gây hấn đồng thời vu khống Việt Nam về nạn Kiều. Đến giữa năm 1978, tình hình nóng hơn khi có nguồn tin, phía Trung Quốc sẽ đưa hai tàu biển vào Việt Nam để đón Hoa Kiều về nước. Lúc này, chàng trai trẻ Lê Văn Hiệp đang giữ vai trò điện báo viên cho phân xã Hải Phòng – một trong những “điểm đỏ” được cho là sẽ có tàu phương Bắc xuất hiện.
 
Để kịp thời chủ động đón đầu, nắm bắt tình hình, cập nhật những diễn biến mới nhất, một trạm tiền phương thông tin ngay lập tức được thành lập giữa thành phố Cảng dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng giám đốc TTXVN Đào Tùng.

Các lãnh đạo của Ban Thư ký biên tập, Ban biên tập tin Đối ngoại khi ấy cũng được cử về “trực chiến” tại Hải Phòng, sẵn sàng đưa tin về việc Trung Quốc đón người Hoa mà họ lu loa là "nạn kiều".
 
“Hằng ngày, chúng tôi thu, phát các bản tin nhanh, bản tin đặc biệt vào lúc 8 giờ, 12 giờ và 16 giờ. Một loạt thông tin từ các hãng thông tấn nước ngoài cũng được cập nhật từ ‘tổng xã con’ Hải Phòng. Những ngày tháng sôi sục  thực ra đã bắt đầu từ những ngày đó, chứ không phải đợi đến tận mùa xuân năm 1979,” ông Hiệp nhớ lại.
 
Mặc dù cuối cùng, tàu Trung Quốc đã không cập vào Hải Phòng như dự đoán, nhưng sự kiện 1978 đã chính thức bắt đầu cho những ngày tháng gắn chặt với cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc về sau của điện báo viên Lê Văn Hiệp.
 
Khu nhà lắp ghép bốn tầng tại thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai) bị địch dùng mìn đánh phá. Ảnh: Phùng Triệu

Ngày 17/2/1979, nhà cầm quyền Trung Quốc đã phát động cuộc tiến công quy mô lớn vào lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh). Trước nguy cơ này, thực hiện quyền tự vệ chính đáng, quân và dân Việt Nam đã buộc phải cầm súng chiến đấu, bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Cũng ngày hôm đó, điện báo từ tổng xã gửi về Hải Phòng kèm theo lệnh rút ông Lê Văn Hiệp lên tăng cường, bổ sung cho phân xã Hà Tuyên.
 
 “Lúc ấy, tôi chỉ biết mình sẽ lên biên giới, lên rừng thôi chứ vùng biên ấy ra sao thì không mường tượng được. Không khí cả nước thì sục sôi, mình cũng còn trẻ nên cũng sẵn sàng ra mặt trận, không nề hà gì cả,” ông Hiệp kể.
 
Ngày chia tay Hải Phòng, trong hành trang của chàng trai trẻ xứ Thanh có thêm một chiếc võng dù, một con dao găm Liên Xô, một đôi tất dài tới đầu gối. Đó là những món quà của anh chị em phóng viên thành phố hoa phượng đỏ gửi cho người sẽ đi xa – món quà chan chứa thâm tình và sự quan tâm của hậu phương với tiền tuyến đầy bom đạn.
 
Gói gọn những trân quý ấy, Lê Văn Hiệp lên đường. Mặt trận Hà Tuyên đã ngay ở phía trước mặt...
 
Cho những dòng tin chảy mãi
 
Một sáng cuối tháng 2/1979, chuyến xe u oát xuất phát từ trụ sở TTXVN số 5 Lý  Thường Kiệt (Hà Nội) ầm ì chạy lên Hà Tuyên. Ngồi phía sau với ngổn ngang máy móc, điện báo viên Lê Văn Hiệp khẽ rùng mình vì cái lạnh tê tái theo gió bên ngoài cabin thốc thẳng vào. Ông chưa thể hình dung được vùng biên viễn sẽ ra sao, súng đạn sẽ nổ thế nào...
 
Khẽ kéo cao cổ áo, ông chìm vào giấc ngủ chập chờn đầy sương núi. Xe chạy tới đầu Tuyên Quang, lái xe Nguyễn Văn Bình lay Hiệp dậy. Đập vào mắt ông khi ấy là một thị xã miền núi lúp xúp, bé tí teo với những ngôi nhà có hàng rào tre nối nhau trong ráng chiều. Gió từ những trảng rừng phía đồi cao thi thoảng thốc về, thổi bụi bay mù mịt khắp phố núi. Cũng chính từ đây, Lê Văn Hiệp đã bắt đầu gắn chặt với cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Tuyên để bảo vệ từng tấc đất, từng ngôi nhà lúp xúp và tí hon ấy.
 
Ông Lê Văn Hiệp (ngồi thứ hai bên trái)  và các đồng nghiệp (Ảnh nhân vật cung cấp)

Do yêu cầu thông tin, vai trò của những điện báo viên như ông Hiệp vào thời điểm này hết sức quan trọng. Họ là những cây cầu chuyển tin từ tiền tuyến về hậu phương; là cánh cửa nhanh nhất để cập nhật những diễn biến mới nhất từ biên viễn.
 
Ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình, ông Hiệp luôn xác định: Bằng mọi giá phải chuyển tin về tổng xã nhanh nhất có thể.
 
“Ngày ấy, các bản tin từ tuyến 1 (Mặt trận – PV) do phóng viên thực hiện sẽ được đưa theo xe quân sự về phân xã. Nếu trong trường hợp gấp, phóng viên sẽ gọi trực tiếp về. Điện báo viên chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ nội dung này thành các tín hiệu morse để truyền về tổng xã theo hai phiên cố định trong ngày,” ông Hiệp giải thích.
 
Là người đầu tiên tiếp nhận thông tin từ chiến trường, nhiều lúc, vừa tạch tè gõ morse, ông vừa bật khóc vì những trang viết đầy máu, lửa, những gương mặt người từ mặt trận... trước khi được chuyển thành những mã số khô khan...
 
“Vừa đọc, vừa gõ, vừa đau lòng. Những hy sinh, mất mát của quân và dân ta khi ấy quá lớn. Điều đó càng thúc đẩy chúng tôi phải có trách nhiệm và sứ mệnh đưa những bản tin này về tổng xã bằng mọi giá; đồng thời đảm bảo ba yếu tố: Nhanh, Nhạy và Chính xác. Nó như một thứ kỷ luật vô hình, vì tôi tự nghĩ: Mỗi dòng tin ấy, tự bản thân nó đã chứa đủ máu và nước mắt đồng bào rồi,” ông Hiệp nhấn mạnh.
 
Cực nhất là những khi không có điện, việc truyền tin từ Hà Tuyên về tổng xã được thực hiện hoàn toàn thủ công.
 
Thu phát tin chiến sự tại mặt trận biên giới Hà Tuyên năm 1984 (Ảnh: Long Sơn - TTXVN)

 “Lúc này, khi huy động được anh em giúp quay máy phát Ragono bằng tay thì thông tin có thể được gửi ngay cho kịp thời sự. Khi không thể nhờ ai, cánh điện báo viên chúng tôi chỉ còn cách ra bưu điện, trực tiếp gọi điện về cho kíp trực ngoài Hà Nội xử lý. Tất cả, từ người ngoài tiền tuyến đến đội trực tin ở nhà đều đồng lòng, xác định lưu thông thông tin nhanh nhất, chính xác nhất bằng mọi giá,” cựu điện báo viên tâm sự.
 
Khác với các mặt trận khác như Cao Lộc (Lạng Sơn) hay Cao Bằng, cuộc chiến chống xâm lấn tại Hà Tuyên chủ yếu diễn ra tại cửa khẩu Thanh Thủy (Vị Xuyên). Đặc biệt, phía Trung Quốc đẩy mạnh chiến tranh vào giai đoạn đầu những năm 1980 khiến cho công tác của tổ phóng viên TTXVN tại đây cũng hết sức đặc thù.
 
Trong ký ức của ông Hiệp vẫn vẹn nguyên lần đi thực tế cùng đoàn nhà báo quốc tế vào cửa khẩu Thanh Thủy ngày 2/6/1984: “Đi cùng chúng tôi là nhóm nhà báo Đan Mạch. Khi cả đoàn vừa vào đến nơi thì từ điểm cao 1509, địch phát hiện nên lập tức câu pháo tới. Rất may không có ai thương vong. Sau chuyến thực địa này, các nhà báo nước ngoài đã có bài viết với tựa đề: Việt Nam đón chúng tôi bằng hoa, Trung Quốc đón chúng tôi bằng pháo".
 
Bốn mươi năm trôi qua, nhưng những câu chuyện trên biên viễn Hà Tuyên ngày ấy cứ như vừa mới diễn ra hôm qua với người đàn ông đã ngoài 60 tuổi. Ông bảo, nhiều lúc, ông vẫn hình dung rõ khung cảnh của ngọn đồi đỏ lửa, ngửi được mùi thuốc súng khét lẹt, tiếng đì đùng của đạn pháo địch câu từ đỉnh cao vào lòng thị xã nhỏ.
 

Ông Lê Văn Hiệp nguyên là Trưởng ban Kiểm tra Thông tấn xã Việt Nam
“Tôi không thể quên được những năm tháng ấy, khi mà chính mắt mình đã thấy hàng đêm, trên trục đường từ Thanh Thủy về Hà Giang đông kìn kìn những đoàn xe chở tử sĩ về tập kết. Những đoàn xe lầm lũi đi, mang theo nỗi đau không thể xóa nhòa”, ông Hiệp khẽ nheo mắt, tay run run khi ký ức dữ dội ấy chợt ập về.

Nhiều năm sau này, khi cuộc chiến đã lui vào dĩ vãng, ông cùng anh em đồng chí, đồng nghiệp vẫn giữ thói quen quay lại mặt trận Vị Xuyên năm nào để tự nhắc nhớ mình về những năm tháng không thể nào quên. Và lần nào, những người lính thông tin của TTXVN cũng lặng người bên những hàng mộ vô danh nằm thẳng hàng, lặng lẽ trong ráng chiều.
 
Cuộc chiến vệ quốc, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc trên phên dậu phía Bắc cách đây 40 năm sẽ không thể bị lãng quên...
 

TTXVN/VietnamPlus

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi thăm và làm việc tại Nhật Bản (15/02/2019 17:08:27)

Những hình ảnh về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây 40 năm (15/02/2019 15:55:12)

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Kinh nghiệm quý từ chiến dịch thông tin đặc biệt (01/02/2019 14:52:18)

Chiếc điện thoại di động và bộ ảnh đoạt giải Nhất (30/01/2019 17:07:08)

Trực tết với phóng viên vùng cao (30/01/2019 17:06:15)

10 Sự kiện nổi bật của TTXVN năm 2018 (do Nội san Thông tấn bình chọn) (30/01/2019 17:05:39)

Xuân trên đường tác nghiệp (30/01/2019 16:59:06)

Vui tết với chiến sỹ nhà giàn (30/01/2019 16:57:54)

Đêm trắng Cairo (30/01/2019 16:18:57)

Ngày xuân nói chuyện nghề ở đất Mũi (30/01/2019 16:16:41)