Dâng sao giải hạn là mê tín dị đoan, không có trong giáo lý đạo Phật

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc cúng sao giải hạn có nguồn gốc từ niềm tin tín ngưỡng của người Trung Quốc.
Dâng sao giải hạn là mê tín dị đoan, không có trong giáo lý đạo Phật ảnh 1Hàng ngàn người dân Thủ đô đã đổ về Tổ đình Phúc Khánh (hay còn gọi là chùa Phúc Khánh) trên đường Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) dự lễ dâng sao giải hạn đầu năm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hàng năm, cứ vào dịp sau Tết Nguyên đán (tầm từ mùng 8 đến rằm tháng Giêng), hàng chục ngàn người lại đổ về các chùa để cúng dâng sao giải hạn với mong muốn thoát khỏi tai ách, tai ương, thất thoát tiền của từ các “sao xấu chiếu mệnh” trong năm như La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch…

Không biết từ bao giờ, tín ngưỡng này đi vào đời sống tâm linh người Việt, nhưng có thể thấy, người dân ngày càng tin vào việc cúng dâng sao giải hạn. Một số ngôi chùa làm lễ giải hạn giống như một thứ dịch vụ, nhẹ thì vài trăm nghìn đồng/người, tốn kém hơn nữa thì lập đàn lễ lên tới cả chục, trăm triệu đồng.

Những chùa được đồn là “thiêng” có lượng người đăng ký cúng giải hạn đông, phải chia làm nhiều đợt cúng riêng với từng sao xấu. Có nơi khuôn viên chật chội, người dân tràn cả ra đường, gây ách tắc giao thông, mất an toàn.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc cúng sao giải hạn có nguồn gốc từ niềm tin tín ngưỡng của người Trung Quốc.

Người Trung Quốc cổ xưa tin rằng trong vũ trụ có 28 vì sao trưởng quản hạnh phúc, khổ đau, bao gồm sức khỏe, tuổi thọ, việc làm của con người nên vào dịp đầu năm họ thường bày biện lễ vật để cúng 28 vì sao này để sao sáng chiếu mạng, cuộc đời được quang đãng, hạnh phúc, còn nếu không họ sợ sẽ bị tai ương.

“Hoàn toàn không có cơ sở khoa học, cơ sở Phật học về niềm tin sao hạn,” Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.

Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng các chùa ở Việt Nam thường cúng cầu an đầu năm mới chứ không cúng sao. Một số chùa có tập tục cúng sao vì sư trụ trì các chùa này còn mê tín, dẫn đến tình trạng hướng phật tử mê tín theo. Việc làm này vừa tốn tiền, vừa “trải thảm đỏ” rước nỗi sợ hãi về mình.

Bên cạnh đó, những người có niềm tin mê tín, sợ hãi, nghĩ rằng bỏ ra khoản tiền cúng dâng sao giải hạn, cả năm dù bị sao xấu chiếu cũng vượt qua khỏi, họ tìm thấy ở việc dâng cúng này sự trấn an tạm thời và sự bình an lâu dài. Đây là sự trao đổi có lợi ích, làm niềm mê tín này tiếp tục tồn tại, chi phối, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của con người.

[Dân Hà Nội chen chân vái vọng, dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh]

Còn theo Thượng tọa, Tiến sỹ Thích Thanh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, dâng sao giải hạn là hiện tượng sùng bái quá mức, mê tín dị đoan, không có trong giáo lý đạo Phật.

Thượng tọa Thích Thanh Tuấn phân tích, mệnh người là do công cha, huyết mẹ, nhờ phúc ấm tổ tiên mà thành. Sống thiện, tích phúc tu nhân sẽ gặt hái quả thiện, hưởng phước lành, ngược lại, gieo quả ác sẽ gặt quả ác. Kinh nhân quả đã nói, "chọn đạo mà tu kẻo lỡ hoài, trung hiếu một lòng ghi để dạ, thị phi hai chữ khắc ngoài tai".

Hiện nay, nhiều người tin vào cúng dâng sao giải hạn, người nọ rủ rê, lôi kéo người kia đã đưa việc này trở nên phổ biến. Tại một số chùa lượng người cúng giải hạn quá tải, gây mất mỹ quan, mất an toàn giao thông, an ninh trật tự.

Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, đạo Phật không cúng sao. Người dân đến chùa là để cầu an, trước hết là cầu cho quốc thái, dân an, tiếp đến là cầu cho mọi người trong gia đình được khỏe mạnh, cầu để tâm được an, tâm hướng đến Phật, bỏ điều ác, làm điều thiện, tích phúc tu nhân.

Các chùa đều thờ Phật, do vậy, chùa nào cũng có thể làm lễ cầu an, người dân không nhất thiết phải tập trung ở một vài chùa, vào cùng một thời điểm.

Cũng theo Thượng tọa Thích Thanh Tuấn, từ khi Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản khuyến cáo không đốt vàng mã ở chùa vào các ngày tuần, rằm, khánh tiết, hiện tượng này đã giảm đáng kể. Các vị trụ trì đều có trách nhiệm khuyến hóa phật tử, nhân dân không đốt vàng vì không mang lại ích lợi cho bản thân.

Đây là hiện tượng mê tín dị đoan bắt nguồn từ Trung Quốc và theo dân gian truyền miệng, có đốt bao nhiêu vàng mã thì Phật, thánh cũng không nhận được. Đốt vàng mã không chỉ lãng phí tiền của mà còn làm ô nhiễm môi trường, bụi bẩn chốn cửa thiền.

“Phải theo giáo lý Phật giáo, lời dạy răn của Phật và chư đại Bồ Tát, thánh tăng, không cuồng tín, mê tín dẫn đến mê muội. Đạo Phật không có chuyện cúng sao, đốt vàng mã. Tiền mua vàng mã để đốt hãy tích cóp làm những điều thiện, lợi lạc cho chúng sinh. Trong thời đại 4.0 cần sống thiết thực hơn, bỏ tập tục cổ hủ này,” Thượng tọa Thích Thanh Tuấn nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục