Thủ đô Hà Nội có thêm hai Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Lễ hội làng Triều Khúc và Nghề làm Cốm Mễ Trì, hai di sản văn hóa của Hà Nội vừa được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Thủ đô Hà Nội có thêm hai Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 1Lễ hội làng Triều Khúc (Hà Nội) diễn ra từ ngày 9-12/1 Âm lịch hàng năm. (Ảnh: Vietnam+)

Lễ hội làng Triều Khúc và Nghề làm Cốm Mễ Trì, hai di sản văn hóa của Hà Nội vừa được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Thông tin trên được nêu rõ tại Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL (về việc công bố Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, đợt 26) của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Lễ hội Triều Khúc- nét văn hóa dân gian độc đáo

Làng Triều Khúc, tên Nôm là Đơ Thao hay Kẻ Đơ, Tên gọi "Đơ Thao" xuất phát từ việc làng có nghề dẹt quai nón (quai thao) từ lâu đời. Triều Khúc là một làng cổ. Trên gò Cây Táo ở cánh đồng Miễu của làng, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy di chỉ khảo cổ học với 140 hiện vật đá, gốm thuộc Văn hóa Phùng Nguyên cách ngày nay trên dưới 3500 năm.

Làng Triều Khúc nổi tiếng là làng thủ công của đất Thanh Oai (Hà Đông) xưa. Nổi tiếng nhất là nghề dệt theo từ nguyên liệu thô, sần - là những phế liệu từ dệt lĩnh dệt lụa thải ra, được chuốt lọc lại thành những con tơ, cuộn sợi nhuộm đủ màu rồi mới dệt thành vải để làm quai nón. Câu ca "Ai làm ra nón quai thao, để cho anh thấy cô nào cũng xinh" được cho là bắt nguồn từ làng quê này.|

Dân làng còn nổi tiếng bởi nghề đi khắp nơi thu lượm lông gà, lông vịt về phân loại, làm sạch, phơi khô. Từ các nguyên liệu này, mọi người trong nhà, mỗi người mỗi việc làm thành khá nhiều sản phẩm. Hiện tại làng còn lưu truyền bài ca Nôm (cả bằng văn bản) do một tác giả ký tên là "Ấp tử Giáo Hồng" (ông giáo Hồng là người con của làng) sáng tác năm 1915, chỉ với 36 câu mộc mạc nhưng đã phác họa nghề của dân làng làm ra 34 sản phẩm từ các nguyên liệu này. Nhờ nghề này mà đời sống của dân làng xưa cũng như nay đều ổn định và khá giả hơn các làng quê khác trong vùng.

Tưng bừng lễ hội truyền thống làng Triều Khúc tại Hà Nội

Dân làng tôn thờ tổ nghề là Vũ uý, người làng, sống vào thời Cảnh Hưng (1740 - 1786), hiện vẫn còn nhà thờ và tượng của ông tạc bằng đồng còn để trong đình.

Ngày nay, truyền thống "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" của Triều Khúc vẫn được phát huy và mở rộng thành nhiều nghề khác, có sự "phân công " theo các dòng họ, như họ Hoàng Đình chuyên làm băng hiệu, tua cờ và mũ phục vụ lễ hội và cả quân đội; họ Nguyễn Hữu lại chuyên về dệt thảm, trang trí nội thất với những mặt hàng được cả khách hàng ở nhiều nước đến mua.

Theo hiện vật còn lại, chùa Triều Khúc có dấu tích từ thời nhà Đinh. Điều này được căn cứ vào các chữ trên câu đối hiện còn đặt trên Tam bảo của chùa đó là: “Hương Vân tự Cổ Tòng Đinh - Lý - Trần - Lê Kỷ Kinh Vật Hoán Tinh Di Thần Thông Tự Tại.” Chùa Triều Khúc đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử - Nghệ thuật - Kiến trúc ngày 29/01/1993.

Thủ đô Hà Nội có thêm hai Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 2Triều Khúc là một trong số ít địa phương còn lưu giữ nguyên vẹn loại hình nghệ thuật múa bồng độc đáo này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Làng Triều Khúc có hai ngôi đình thờ Phùng Hưng, được dựng từ thế kỷ XVII với quy mô kiến trúc khá bề thế. Theo thần phả và truyền thuyết thì vào năm 791, trên đường tiến quân vào bao vây thành Tống Bình (nội thành Hà Nội ngày nay), dẹp bỏ ách đô hộ của nhà Đường do Cao Chính Bình cầm đầu, Phùng Hưng đã chọn Triều Khúc làm đại bản doanh, tức khu vực đình hiện nay. Ngoài ra có ngôi đền (dân làng gọi là Đình Sắc), là nơi giữ sắc phong của thần, hàng năm vào dịp hội làng (từ ngày 10 đến 12 tháng Giêng), rước sắc từ đây về đình, tan hội lại rước trả về. Làng cũng có chùa thờ Phật. Cả đình, chùa và đền đã được Bộ Văn Hóa Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa năm 1993.

[Ngày Xuân, xem trai làng Triều Khúc múa điệu trống bồng]

Lễ hội làng Triều Khúc diễn ra từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng hàng năm mang đậm nét văn hóa truyền thống của làng quê Việt. Lễ hội được tổ chức tại Đại Đình để tưởng nhớ công ơn của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, người anh hùng phát động cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của quân xâm lược phương Bắc. Lễ hội làng Triều Khúc được mở đầu bằng lễ rước long bào, triều phục của Vua Phùng Hưng từ đình thờ Sắc về đình Đại Đình để khai hội. Trong đó đặc sắc nhất là điệu múa cổ trống bồng.

Nghề Cốm Mễ Trì- đặc sản của riêng Hà Nội

Thủ đô Hà Nội có hai làng nghề làm cốm nổi tiếng và lâu đời là làng Vòng ở quận Cầu Giấy và làng Mễ trì ở quận Nam Từ Liêm. Hai ngôi làng chỉ cách nhau hơn 1 cây số nhưng ngày nay Nghề Cốm Mễ Trì đã phát triển hơn hẳn cốm làng Vòng.

Thủ đô Hà Nội có thêm hai Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 3Người dân ở Mễ Trì cho biết, mỗi khi vào mùa là cả nhà phải tập trung nhân lực để làm cốm. Công việc có khi bắt đầu từ 4h sáng và kéo dài tới tận 22h mới được nghỉ.(Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Sau nhiều thăng trầm, nghề làm cốm Mễ Trì đã có nhiều đổi thay, trước đây, người dân chỉ làm cốm vào mùa Thu (tức vụ Mùa) thì nay, cốm được làm quanh năm.


[Ngồi nghe “lúa non” kể chuyện quảng bá cho cốm mộc Mễ Trì
]

Các hộ nghề cũng đã sử dụng nhiều máy móc, cơ giới vào các khâu làm cốm, giúp tiết kiệm công sức, thời gian và chi phí sản xuất so với phương pháp làm thủ công mà vẫn bảo toàn hương vị đặc trưng của cốm Mễ Trì là mỏng, dẻo, thơm.

Thủ đô Hà Nội có thêm hai Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 4Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, cốm được rang trong lửa nhỏ, đảo liên tục cho nóng đều. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Ngoài ra, trong đợt này, có 15 di sản khác cũng được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, thuộc các loại hình: Nghệ thuật Trình diễn Dân gian; Nghề Thủ công Truyền thống; Lễ hội Truyền thống; Tập quán Xã hội và Tín ngưỡng; Tri thức Dân gian. Cụ thể, các di sản này gồm:

1/ Lượn Cọi của người Tày (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn).

2/ Nghề rèn của người Nùng An (xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng).

3/ Hò Cần Thơ (huyện Thới Lai, quận Ô Môn, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ).

4/ Mền Loóng Phạt Ái (Tết Hoa mào gà) của người Cống (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên; xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé; xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên).

5/ Lễ Gạ Ma Thú (Cúng bản) của người Hà Nhì (xã Sín Thầu, xã Chung Chải, xã Sen Thượng, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên).

6/ Lễ hội Chùa Bà Đanh (xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).

7/ Hát Dậm Quyển Sơn (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).

8/ Lễ hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội).

9/ Nghề cốm Mễ Trì (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

10/ Nghi lễ Mo Tham Thát của người Tày (xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai).

11/ Nghi lễ Then của người Giáy (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai);

12/ Lễ Cấp sắc của người Dao Quần Chẹt (xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ).

13/ Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi).

14/ Nghệ thuật Rô-băm của người Khmer (xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).

15/ Lễ hội Nghinh Ông (Thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).

16/ Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ (huyện Sơn Dương, huyện Hàm Yên, huyện Chiêm Hóa, huyện Na Hang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang).

17/ Xường giao duyên của người Mường (xã Cao Ngọc, xã Thạch Lập, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa).

Theo số liệu thống kê của Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay, có 288 Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia trên cả nước đã được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia./.

Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL quy định, các di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia phải có đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục