Cầu thủ Việt xuất ngoại: Mừng đấy, nhưng lo đấy!

15/02/2019 05:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - “Việc nền bóng đá phát triển đi lên sau những thành công vừa qua giúp các cầu thủ Việt Nam được mở mang cơ hội ra nước ngoài thi đấu là điều tất yếu phải đến, giúp hình ảnh bóng đá nước nhà tích cực hơn. Nhưng trong niềm vui cũng có những điều đáng lo ngại”, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương phát biểu về màn xuất ngoại của những tuyển thủ chất lượng ở đội tuyển quốc gia vừa qua.

Trung vệ Michal Nguyễn: ‘Nếu có cơ hội tôi muốn được làm việc với HLV Park Hang Seo’

Trung vệ Michal Nguyễn: ‘Nếu có cơ hội tôi muốn được làm việc với HLV Park Hang Seo’

Chia tay V-League, chuyển sang Thai League và giờ là Malaysia Super League thi đấu nhưng trung vệ Việt kiều Michal Nguyễn vẫn đau đáu một ngày được trở lại khoác áo đội tuyển Việt Nam, coi đó là niềm vinh dự của bất cứ cầu thủ nào chứ không riêng bản thân mình.

1. Sau “phát pháo” đầu tiên mang tên tiền đạo Lê Huỳnh Đức mở đầu cho trào lưu ra nước ngoài thi đấu của các cầu thủ Việt Nam năm 2001, từ đó về sau bóng đá nước nhà cũng chỉ có chưa đến chục cái tên có thể xuất ngoại. Tính cả những Hữu Khôi, Anh Tài đến chơi cho các CLB hạng dưới ở Hàn Quốc không mấy tiếng tăm, những cái tên “hot” của bóng đá Việt để lại ấn tượng khi chơi bóng ở nước ngoài vẫn chỉ là Lê Công Vinh khi cựu đội trưởng đội tuyển quốc gia tới thử việc ở CLB Leixoes của Bồ Đào Nha năm 2009 và tiếp đó đầu quân cho Consadole Sapporo của Nhật Bản năm 2013. Công Vinh chơi tốt và được đội bóng hiện tại đang chơi ở J-League 1 mời tiếp tục ở lại với chế độ đãi ngộ lớn nhưng không được SLNA đồng ý.

Nếu lấy Thai-League làm hệ quy chiếu, thời điểm V-League có vượt trội hay thua kém người Thái, bóng đá nước nhà không thiếu tiềm năng để xuất khẩu cầu thủ. Định kiến về một nền bóng đá thấp bé so với bạn bè dẫn đến tư duy tự ti là có thật với những người làm môn thể thao vua ở dải đất hình chữ S. Thế nên, thành công mà thầy trò HLV Park Hang Seo đạt được suốt hơn một năm qua còn hơn một thành tựu phá đổ được định kiến đã ăn sâu trong tư tưởng nhiều người, kể cả dân trong nghề.

Văn Lâm, Xuân Trường, Công Phượng và nếu Quang Hải hay Văn Hậu đồng ý xuất ngoại, họ đều xứng đáng nằm trong hàng ngũ những CLB tên tuổi bậc nhất khu vực hay châu lục. Chuyên gia Đoàn Minh Xương nói: "Nền bóng đá đang phát triển mạnh mẽ suốt hơn một năm qua và sự xuất ngoại của các cầu thủ là điều tất yếu. Họ ra đi tạo nên hình ảnh đẹp, nâng cao vị thế bóng đá nước nhà với bạn bè châu lục. Nó cũng là cú hích cho bóng đá Việt Nam, tác động đến tư duy làm bóng đá của các CLB.

Khi có nguồn thu từ xuất khẩu cầu thủ, các CLB hiểu họ phải chăm bẵm đầu tư đào tạo trẻ tốt hơn. Ở thời buổi thương mại này, cầu thủ là món hàng đắt giá, có thể hái ra vàng cho các CLB. Về lâu dài, CLB có thể sống tốt với chính sản phẩm họ đào tạo”.

2. Tuy nhiên, việc đội tuyển quốc gia thăng hoa suốt hơn một năm qua không đồng nghĩa với việc cái đòn bẩy cho các cầu thủ - ở đây là giải vô địch quốc gia được nâng tầm trong mắt CĐV nước nhà. Nghịch lý này cũng tương tự như bóng đá Việt Nam đang xây dựng trên mô hình tháp ngược ở V-League và giải hạng Nhất.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương lý giải: “2018 và 2019 đánh dấu sự thành công của bóng đá nước nhà dựa trên một thế hệ cầu thủ và HLV giỏi. V-League tạo điều kiện cho các cầu thủ có cơ hội trưởng thành nhưng chưa đủ để là sức bật mạnh mẽ để họ bứt phá. Bản thân giải vô địch quốc gia lúc này phải tự soi lại xem có đủ để hấp dẫn mọi người hay không. Nền bóng đá vẫn còn phát triển rất mơ hồ khi rất nhiều trong số 14 CLB không đủ khả năng tài chính để đảm bảo chữ chuyên nghiệp”.

“Chất lượng chuyên môn của giải đấu cũng chưa biết thế nào trong năm tới, nhưng chắc chắn CĐV sẽ chú ý đến V-League hơn sau hiệu ứng thành công vừa qua. Tuy nhiên ở đường trường, CĐV sẽ đánh giá được sức hút của giải. Với cái nhìn của tôi ở thời điểm hiện tại, khó CLB nào đủ sức cạnh tranh với Hà Nội cho chức vô địch. Còn lại giải chỉ hấp dẫn ở cuộc đua trụ hạng. Các đội bóng do không có tiềm lực tài chính nên quanh đi quẩn lại vẫn chỉ sử dụng những ngoại binh cũ, đã thể hiện được mình ở V-League. Những ngoại binh mới thì họ chưa đá nên chưa đánh giá được”.

“Việc ra đi của những ngôi sao hàng đầu bóng đá nước nhà hiện tại chắc chắn sẽ khiến giải đấu bị ảnh hưởng nhưng bù lại, thành công của các đội tuyển quốc gia trong năm qua là cú hích để nhiều nhà tài trợ đầu tư cho bóng đá. Đó là cơ hội để nhà điều hành từng bước nâng cấp mình lên. Điều tích cực trước mắt là chắc chắn chất lượng các trận đấu sẽ nâng lên khi BTC cho phép đăng ký 3 ngoại binh và đưa vào sân cả 3, nhiều hơn những mùa giải trước. Chỉ khi chuyên môn được nâng tầm thì sức hút giải đấu mới có thật, CĐV đến sân đông hơn và bóng đá Việt Nam mới phát triển bền vững hơn và đương nhiên chúng ta cũng xuất khẩu được nhiều câu thủ hơn”, ông Minh Xương nói thêm.

Việt Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm