V-League 2019: Hãy làm mọi thứ tốt hơn

14/02/2019 16:08 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Mùa giải 2019 sẽ khởi đi bằng trận tranh Siêu Cúp quốc gia giữa CLB Hà Nội - ĐKVĐ V-League và B.Bình Dương - nhà vô địch Cúp quốc gia, trên sân Hàng Đẫy, vào cuối tuần này (16/2); kế đến V-League 2019 cũng sẽ khởi tranh vòng 1, với đầu tiên là cuộc chạm trán giữa Thanh Hóa và B.Bình Dương vào ngày 21/2, cùng hàng loạt các trận cầu hấp dẫn khác cuối tuần sau.

HAGL kỳ vọng vào Tuấn Anh tại V-League 2019

HAGL kỳ vọng vào Tuấn Anh tại V-League 2019

Cả Xuân Trường lẫn Công Phương đều đã được cho “bơi ra biển lớn” trước thềm V-League 2019, nhưng lãnh đạo của CLB HAGL đều tin rằng điều đó không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nhân sự cũng như mục tiêu của đội bóng ở mùa giải mới.

Trong một diễn biến có liên quan, chỉ vài ngày trước khi mùa giải mới bắt đầu, VFF sẽ tổ chức lớp tập huấn cho các Giám sát và Trọng tài tại Hà Nội (từ ngày 17 đến 21/2). Đây là đợt sát hạch quan trọng với đội ngũ "cầm cân nảy mực".

Dứt vấn nạn trọng tài?

Một trong những vấn đề nhức nhối nhất của bóng đá Việt Nam nói chung và hệ thống thi đấu các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia nói riêng, đấy là công tác điều hành - phân công trọng tài và công việc của trọng tài. Không một mùa bóng nào, kể từ khi lên chuyên, "vua áo đen" và lãnh đạo của họ không mắc lỗi. Có năm lỗi nhiều đến độ trở thành vấn nạn. Sau đại án trọng tài năm 2005, đã có thêm rất nhiều những đợt "truy quét" nội bộ nhỏ lẻ khác, nhưng "vùng cấm" trọng tài vẫn là một thế giới bí ẩn, rất khó kiểm soát.

Mùa giải trước, VPF đã có chủ trương can thiệp sâu hơn về công tác điều hành trọng tài và thậm chí từng nói không với một vài "vua áo đen", thậm chí giám sát mà Ban trọng tài VFF gửi qua, nhưng điều này là không khả thi. Bởi, trọng tài phải độc lập với BTC giải, chứ không thể vừa đá bóng vừa thổi còi, như thời VFF còn đứng ra tổ chức các giải bóng đá vô địch quốc gia (năm 2011 đổ về trước). Chế độ làm nhiệm vụ cho các trọng tài, cũng như giám sát trọng tài – giám sát trận đấu, từng được cải thiện thời VPF để ngăn tiêu cực.

Nhưng, từ mùa giải năm ngoái, một số quyền lợi đã bị ngắt bỏ từ phía nhà tổ chức mà không rõ lý do. Lãnh đạo Ban Trọng tài với Trưởng ban Dương Văn Hiền cùng Phó ban Võ Minh Trí, các Ủy viên Đặng Thanh Hạ, Trần Khánh Hưng, Nguyễn Tấn Hiền… về lý thuyết đều là những người có nghề. Tuy nhiên trên thực tế, khi cuộc khủng hoảng thiếu đội ngũ cầm cân nảy mực vẫn chưa có biểu hiện khựng lại (bởi công tác đào tạo ở địa phương quá kém), e là vẫn phải "giật gấu vá vai".

Trong số các gương mặt trẻ đăng ký trọng tài và trợ lý trọng tài FIFA mùa này thì Trần Đình Thịnh (Đồng Nai) và Hoàng Ngọc Hà (Hà Nội) được xem là khá nhất, bên cạnh Ngô Duy Lân, Nguyễn Hiền Triết… Sau Võ Minh Trí và Hiền Triết, có quá ít các "vua áo đen" Việt Nam được thừa nhận ở sân chơi quốc tế, từ AFF Suzuki Cup, đến ASIAD, AFC Asian Cup, chứ khoan nói FIFA World Cup, đấy cũng là điều đáng suy ngẫm. Ngoài ra, việc phải thuê mướn trọng tài ngoại điều khiển một số trận cầu đinh, chỉ là vạn bất đắc dĩ.

Khó đột phá về chuyên môn

Về lực lượng của các đội bóng ở V-League 2019, tựu chung, không có gì sáng sủa hơn so với mùa giải năm ngoái. Các ngôi sao mới chưa xuất hiện, trong khi HAGL sẽ không có sự phục vụ của Xuân Trường và Công Phượng, còn Đặng Văn Lâm cũng đã rời Lạch Tray để gia nhập Muangthong United (Thai Premier League). Việc hạn chế các suất đăng ký ngoại binh (3 cầu thủ người nước ngoài và nhập tịch), không tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn. Lương thưởng và lót tay thấp khiến các ngoại binh đẳng cấp nói không với V-League.

CLB Hà Nội vẫn được đánh giá là mạnh nhất, xếp sau là Quảng Nam, CLB TP.HCM, SLNA, B.Bình Dương và HAGL…, sau những tăng cường về lực lượng và cả sự trưởng thành của các cầu thủ trẻ "nhà trồng được". Cơ hội được chia nhỏ dần cho các đội còn lại và Nam Định trở thành ứng viên số 1 cho suất xuống hạng Nhất mùa giải năm sau. Khán giả Thủ đô kỳ vọng nhiều vào sự trở lại của tân binh Viettel, nhưng khó có một HAGL phiên bản 2003 ở kỷ nguyên này. Lộ trình của Viettel vẫn là sự tích lũy, từng bước một.

Tại V-League 2018, CLB Hà Nội đã vô địch trước 4-5 lượt trận và việc chỉ có một suất xuống hạng (thuộc về XSKT Cần Thơ) khiến cho mọi cuộc đua trở nên nhàm chán. Cần phải tăng tính cạnh tranh cho V-League, như một cách mà người Thái đã làm với Thai Premier League 2019 chỉ còn 16 CLB, so với 18 CLB ở mùa giải trước đó. Không cần đa, mà cần tinh, bởi hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mới là cơ thể nền bóng đá, quyết định sinh mệnh của nền bóng đá, khi đầu ra các đội tuyển quốc gia chỉ là phần ngọn.

Đừng được mùa thóc lúa mà phụ ngô khoai, mà quên đi cái căn cơ! Việc kéo khán giả lại sân bóng, cũng là nhiệm vụ không đơn giản, bất kể bóng đá Việt Nam các cấp độ ĐTQG đã và đang tạo được hiệu ứng tuyệt vời.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm