Khai hội Tịch điền – lễ trọng của nhà nông, nghề nông

Sáng mùng 7 tháng Giêng năm Kỷ Hợi (ngày 11/2/2019), lễ hội Tịch điền - một nghi lễ quan trọng của nghề nông đã diễn ra tại xã Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam). Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến dự và phát biểu tại lễ hội.

Chú thích ảnh
Đoàn rước kiệu vua Lê Đại Hành vào khu tổ chức lễ hội. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN 

Từ sáng sớm, đoàn rước linh vị của vua Lê Đại Hành từ chùa Đọi xuống khu vực diễn ra lễ Tịch điền được cử hành uy nghiêm, trang trọng. Trong tiếng trống rộn ràng của làng Đọi Tam là màn múa rồng mừng hội. Những đôi rồng nhịp nhàng uốn lượn trong tiếng trống trầm hùng khiến không khí lễ hội trở nên tưng bừng náo nhiệt.

Nghệ nhân Phạm Chí Khang, đại diện cho các bô lão địa phương thực hiện nghi thức đọc văn trình vua Lê Đại Hành, kính cáo tổ tiên, xin phép tiến hành khai hội. Trong không khí trang trọng, uy nghi, các vị đại biểu đã tiến hành nghi lễ dâng hương trước bàn thờ Thần nông và linh vị vua Lê Đại Hành. 

Chú thích ảnh
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ khai hội. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN. 

Đến dự và phát biểu tại lễ hội Tịch điền, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Trong hàng ngàn lễ hội truyền thống diễn ra khắp các vùng miền cả nước, Lễ hội Tịch điền của Hà Nam được tổ chức hàng năm đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Lễ hội Tịch điền đã được Nhà nước ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại Quốc gia. Đây là một lễ hội giàu tính nhân văn, có ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng, đề cao tinh thần gần dân, trọng nhà nông, nghề nông, “Dĩ nông vi bản”, “Phi nông bất ổn”. Tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng cùng với những sá cày “đánh thức đất đai, khai xuân động thổ” cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân được ấm no hạnh phúc.

Chú thích ảnh
Bô lão cao tuổi của Đọi Sơn khoác Long bào, nhập linh khí quân vương, đi đường cày đầu tiên. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao việc phục dựng và duy trì tổ chức Lễ hội Tịch điền hàng năm của tỉnh Hà Nam và cho rằng đây là việc làm thiết thực, có ý nghĩa tuyên truyền giáo dục sâu sắc, vừa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, vừa động viên khích lệ phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống nông dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương Đảng.

Đặc biệt, Lễ hội Tịch điền năm nay càng vui hơn, khi diễn ra trong bối cảnh Hà Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn quan trọng toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp, nông thôn. Những năm qua, trên quê hương Hà Nam, nông dân được mùa, năng suất cây trồng, vật nuôi, giá trị kinh tế đạt được ngày càng cao; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hiệu quả cao; đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy.

Chú thích ảnh
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiến hành nghi trình cày những sá cày thẳng tắp. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN.

Lễ hội Tịch điền năm nay có thêm niềm vui với việc công bố và chúc mừng năm 2018 tỉnh Hà Nam có thêm 13 xã nông thôn mới, nâng tổng số lên 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đưa Hà Nam trở thành một trong những tỉnh đầu về xây dựng nông thôn mới, với trên 90% số xã đạt chuẩn và đang phấn đấu hoàn thành tất cả mục tiêu của chương trình trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2019. Điều đó đã mang đến một tinh thần mới, một nội lực mới, báo hiệu những mùa xuân no ấm, hạnh phúc, đẹp giàu trên quê hương Hà Nam.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Niềm vui và ý nghĩa của lễ hội càng được nhân lên khi nền nông nghiệp nước nhà đã có bước tiến dài trên con đường phát triển, từ chỗ canh tác, nuôi trồng truyền thống, đến nay nhiều ngành hàng, sản phẩm đã nâng lên thành “nghệ thuật” theo hướng hiện đại. Năm 2018, tăng trưởng toàn ngành đạt trên 3,7%, cao nhất trong 7 năm qua, không những đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, với quy mô dân số tăng nhanh, mà còn đưa Việt Nam trở thành một trong 15 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, với kim ngạch ngày càng lớn, năm 2018 đạt trên 40 tỷ USD; đời sống người dân không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Cả nước đã có trên 42% số xã và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020, năm Kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh, năm chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, năm có nhiều thời cơ, thuận lợi do công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế mang lại… như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh, là chưa bao giờ chúng ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hôm nay. Tuy nhiên chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Phương châm hành động Chính phủ đã đề ra cho năm là Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả.

Chú thích ảnh
Các thiếu nữ thực hiện nghi thức gieo hạt, sau những đường cày đầu tiên. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN. 

Trong những ngày đầu xuân ấm áp, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn như là hiệu lệnh, tiếng trống phát động người dân các địa phương bước vào vụ mới, xuống đồng sản xuất nông nghiệp và mang về những mùa vàng bội thu. Để nông nghiệp, nông thôn nước ta phát triển mạnh mẽ, tiến xa hơn nữa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị: Tỉnh Hà Nam cùng các địa phương trong cả nước, các cấp các ngành và toàn thể đồng chí đồng bào trong cả nước phát huy tinh thần lễ hội hôm nay, thi đua đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung đổi mới tổ chức sản xuất, tăng hợp tác liên kết theo chuỗi với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn gắn sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản; phấn đấu tăng trưởng toàn ngàng nông nghiệp năm nay đạt khoảng 3%, xuất khẩu đạt 43 tỷ USD, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trước thời hạn 1 năm so với kế hoạch đề ra, góp phần nâng cao đời sống nông dân, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Sau nghi lễ dâng hương, trong tiếng trống rền vang, một vị bô lão cao tuổi của Đọi Sơn khoác Long bào, nhập linh khí quân vương khoan thai đi đường cày đầu tiên. Tiếp sau đó, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đại diện lãnh đạo ngành, địa phương, các cụ bô lão trong xã tiến hành nghi thức với những đường cày thẳng tắp. Lễ hội Tịch điền diễn ra trong không khí rộn ràng, náo nức, hòa cùng sắc xuân của đất trời, khí thế của lòng người hứa hẹn niềm tin vào một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Theo “Việt sử lược”, vào năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987) vua Lê Đại Hành đã về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho Nền văn minh nông nghiệp lúa nước và mở đầu cho phong tục tốt đẹp để các triều đại sau noi theo.
Theo phong tục, lễ Tịch điền là ngày hội xuân, sau khi đã làm lễ cúng thần nông, nhà vua đích thân xuống cày 3 sá, các vương tôn, công khanh cày 7 sá, sỹ phu cày 9 sá. Giống lúa cấy trên ruộng tịch điền được tuyển chọn cho thứ gạo ngon, quý, được dung làm phẩm vật trong các lễ tế quan trọng của triều đình...
Từ đó về sau, Lễ Tịch điền trở thành một mỹ tục mà các triều đại Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn đều thực hiện một cách thành kính. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Lễ Tịch điền là sự kế thừa và phát huy truyền thống của tổ tiên, luôn coi trọng sự phát triển nông nghiệp đối với sự phát triển của đất nước và trở thành một sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.

 

Lan Lộc/Báo Tin tức
Vẽ trang trí trâu tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Hà Nam
Vẽ trang trí trâu tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Hà Nam

Ngày 10/2 (tức ngày 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), tại cánh đồng thôn Đọi Tín, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã diễn ra Hội thi vẽ trang trí trâu Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2019 với sự tham dự của 24 họa sỹ đến từ thủ đô Hà Nội, các tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình và 1 nữ họa sỹ đến từ nước Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN