Cứu sống người bệnh bị vỡ phình động mạch chủ bụng, máu chảy ồ ạt

Ngày 31/1, bác sỹ nội trú Hán Văn Hòa, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: Bệnh viện vừa cứu thành công một người bệnh bị vỡ phình động mạch chủ bụng.

Trước đó, vào ngày 24/1, bà Ngọc Thị Đang (66 tuổi, ở xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, Phú Thọ) được các bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Yên Lập chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng đau bụng, tiêu chảy, tụt huyết áp. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các y, bác sỹ Bệnh viện đã cấp cứu và chẩn đoán bệnh nhân bị phình mạch chủ bụng, tiêu chảy.

Tại khoa cấp cứu, người bệnh đau bụng, nôn, khó thở, huyết áp 90/60 mmHg, duy trì thuốc vận mạch. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy khối phình động mạch chủ bụng dưới động mạch thận đường kính hơn 9cm, hình ảnh khối phình đang chảy máu, tụ máu lớn sau phúc mạc, dịch tự do ổ bụng dạng máu.

Theo bác sỹ nội trú Hán Văn Hòa - người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, phẫu thuật phình động mạch chủ bụng đã khó khăn, việc phẫu thuật vỡ phình mạch chủ bụng còn khó khăn hơn. Trong quá trình được phẫu thuật, người bệnh chưa kịp được gây mê thì huyết áp tiếp tục tụt xuống 50/30 mmHg với 3 loại thuốc vận mạch.

“Chúng tôi đã hết sức khẩn trương, vừa hồi sức, gây mê vừa phẫu thuật. Để giữ được não cho bệnh nhân do thiếu máu, ê kíp đã mổ cho bệnh nhân trong tư thế người bệnh dốc đầu 45 độ, máu truyền nhanh thành dòng, sử dụng 3 thuốc vận mạch liều tối đa…”, bác sỹ Hòa chia sẻ.

Khó khăn liên tiếp đối với các bác sỹ phẫu thuật là trong khi mở ổ bụng ra là khối phình của người bệnh quá lớn, biến đổi giải phẫu, máu đang chảy ra ổ bụng. Ê kíp phẫu thuật phải vừa lấy tay giữ khối phình không cho chảy máu, vừa nhanh chóng tìm được động mạch chủ, kẹp mạch.

Bác sỹ Hòa cho biết thêm, để nhanh chóng tìm và khống chế mạch, vừa tránh tổn thương động, tĩnh mạch thận, tá tràng, niệu quản… là một thách thức vô cùng lớn không chỉ đối với bác sỹ tuyến tỉnh, mà ngay các chuyên gia đầu ngành phẫu thuật mạch máu. Việc đảm bảo khẩn trương, chính xác, phối hợp nhịp nhàng với gây mê, hồi sức trong quá trình mổ là một yêu cầu lớn.

Ca phẫu thuật đã kết thúc thành công sau 4 giờ. Sau đó, người bệnh được chuyển sang khu hồi sức tim mạch tích cực, huyết động ổn, mạch hai chân tốt.

Sau 10 giờ được hồi sức tích cực, thở máy hỗ trợ, người bệnh đã hoàn toàn tỉnh táo. Sau 6 ngày phẫu thuật, người bệnh đã tự đi lại, ăn uống bình thường.

Tạ Văn Toàn (TTXVN)
Nội soi phế quản ống cứng đặt stent cứu sống bệnh nhân bị suy hô hấp cấp
Nội soi phế quản ống cứng đặt stent cứu sống bệnh nhân bị suy hô hấp cấp

Ngày 3/10, thông tin từ Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết đã tiến hành ca nội soi phế quản ống cứng đặt stent cứu sống bệnh nhân bị suy hô hấp cấp do hẹp khí quản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN