Không có vùng cấm khi xử lý tình trạng ‘bảo kê’ buôn lậu

Liên tiếp các vụ buôn lậu nóng, có dấu hiệu được lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn làm ngơ, đã được báo chí phản ánh. Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia khẳng định: Sẽ chỉ đạo khẩn trương xác minh xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị để xảy ra sai phạm. 

Chú thích ảnh
Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm - Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh bàn giao tang vật 11.000 gói thuốc lá điếu nhập lậu cho Công an thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật. Ảnh: TTXVN phát.

“Không có vùng cấm, sai đâu xử lý đến đó. Kết quả xử lý các vụ việc trên phải báo cáo về BCĐ 389 Quốc gia qua Văn phòng thường trực trước ngày 15/2/2019”, ông Đàm Thanh Thế nhấn mạnh  

Về thông tin khiến dư luận bức xúc trước tình trạng hàng lậu tự do qua biên giới Quảng Ninh; hàng trăm cửu vạn ngang nhiên cõng hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam, ông Đàm Thanh Thế cho hay: Đơn vị đã chỉ đạo địa phương khẩn trương kiểm tra, xác minh, xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị để xảy ra sai phạm; đồng thời, có các biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn. 

“Việc xem xét xử lý kỷ luật các cá nhân liên quan phải đúng quy trình, không thể ngày một ngày hai. Quan điểm của chúng tôi là sai đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm. Khi có kết luận chính thức, báo chí có thể liên hệ với Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng-BĐBP để lấy thông tin thêm”, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh BĐBP nói.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh BĐBP đã làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn, BCĐ 389 huyện Văn Lãng và xác định có tình trạng người dân biên giới lợi dụng chính sách để qua biên giới Trung Quốc mang vác các mặt hàng tiêu dùng về Việt Nam bán kiếm lời. “BCĐ 389 tỉnh Lạng Sơn xác định Trạm Biên phòng Tân Thanh làm việc chưa đến nơi đến chốn, có tình trạng buông lỏng địa bàn, để hàng lậu tuồn về. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh những cá nhân liên quan. Tuy nhiên, mọi việc vẫn phải theo quy trình, sau khi có kết luận cuối cùng sẽ thông tin tới báo chí”, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp nói.

Trả lời báo giới về vấn nạn hàng giả, đặc biệt là đồ uống dịp Tết, trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) như thế nào, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương khẳng định: Biết nhưng không xử lý triệt để được!

Theo ông Trần Hữu Linh, trách nhiệm chính trong chống hàng giả là của QLTT. Tất nhiên, QLTT vẫn phải phối hợp với các cơ quan chức năng khác.

Nguyên nhân theo ông Linh, các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi. “Ví dụ như vụ việc báo chí đưa tin hộ làm rượu vang nho siêu tốc, giá rẻ tại Hà Đông (chỉ 18.000 đồng/chai) vừa qua, thực ra ngay từ tháng 1/2018 QLTT đã kiểm tra và phát hiện các sai phạm, nhưng lúc đó chỉ xử phạt vi phạm về tem nhãn. Tháng 12/2018, QLTT cùng công an quận, phường đã xử phạt hành chính cơ sở này. Tuy nhiên, đây là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, do Phòng Kinh tế của quận cấp phép nên giao cho địa phương xem xét xử lý. Việc xác minh rượu vang có phải rượu giả, rượu kém chất lượng hay không cũng không đơn giản bởi phải lấy mẫu, kiểm định ở trung tâm độc lập rồi đợi trả kết quả, nếu vi phạm mới xử phạt được”, ông Trần Hữu Linh cho hay.

Về thực trạng sản xuất bánh kẹo và hàng giả, hàng nhái tại làng La Phù, Hoài Đức (Hà Nội), ông Linh khẳng định: “La Phù là đầu mối phân phối hàng hóa cho miền Bắc chứ không chỉ là nơi chuyên sản xuất hàng giả như bánh kẹo giả, rượu giả, kém chất lượng ở đây. Nhiều năm qua, QLTT xử lý nhiều vụ nên hộ sản xuất hàng giả hoạt động tinh vi hơn, khó phát hiện hơn”.

Theo Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia, năm 2018, lực lượng chức năng đã quyết liệt chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, khởi tố 1.979 vụ việc (tăng 21%) và 2.339 đối tượng (tăng 10%) so với năm 2017. Trong năm 2018, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 202.980 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách hơn 20.123 tỷ đồng; khởi tố 1.979 vụ (tăng 21%), 2.339 đối tượng (tăng 10%) so với năm 2017.

Trong đó nổi bật là lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 6.934 vụ việc; thu nộp ngân sách hơn 200 tỷ đồng; khởi tố hình sự 1.000 vụ, 1.295 đối tượng. Lực lượng hải quan thông qua hoạt động chống buôn lậu, thanh tra, kiểm tra sau thông quan đã phát hiện, xử lý 24.238 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách hơn 2.807 tỷ đồng; khởi tố hình sự 62 vụ. Cơ quan thuế đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 87.248 doanh nghiệp, truy thu về cho ngân sách 16.438 tỷ  đồng.

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia  cho biết: Điểm mới của năm 2019 là Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia sẽ tham mưu cho lãnh đạo BCĐ 389 Quốc gia các giải pháp chỉ đạo BCĐ 389 bộ, ngành, địa phương thực hiện các kế hoạch chống buôn lậu theo chuyên đề.

Cụ thể là các chuyên đề phòng, chống việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan khu vực biên giới phía Bắc; chống sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ.

Minh Phương/Báo Tin tức
Những ngày cuối năm ở 'điểm nóng' buôn lậu thuốc lá khu vực biên giới Tây Nam
Những ngày cuối năm ở 'điểm nóng' buôn lậu thuốc lá khu vực biên giới Tây Nam

Vốn có sức hấp dẫn do lợi nhuận cao nên tình hình buôn lậu thuốc lá luôn "nóng" tại khu vực biên giới Tây Nam. Có lẽ vì vậy, những ngày cuối năm này vùng “chảo lửa” nơi đây lại như được tiếp thêm nhiệt bởi giới buôn lậu hoạt động ngày đêm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN