Xem thấy nghe đọc tuần này: Tết sắp đến rồi…

21/01/2019 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hết tuần này, ngày đầu của tuần kế tiếp đã là ngày 23 tháng Chạp - đó là ngày mà theo truyền thống, ngày xưa ở các làng quê dựng cây nêu và tiễn ông Táo về trời - thời điểm được xem là bắt đầu của những ngày “ăn chơi” Tết. Ngày nay chúng ta ít thấy hình ảnh cây nêu, nhưng chuẩn bị cho ngày Tết thì vẫn rộn rã.

Ngắm 'đàn lợn' trong ‘Tranh Tết Kỷ Hợi 2019’ 

Ngắm 'đàn lợn' trong ‘Tranh Tết Kỷ Hợi 2019’ 

Triển lãm Tranh Tết Kỷ Hợi  diễn ra từ 15-23/1 tại Đông A Gallery (Nhà sách Cá Chép – 115 -Nguyễn Thái Học, Hà Nội)  giới thiệu 57 tác phẩm của 30 họa sĩ đương đại Việt Nam  xoay quanh chủ đề “Hợi” – con giáp của năm 2019.

1. Tuần này có 2 sự kiện đáng lưu ý, đó là triển lãm tranh Tết (21-26/1) cùng phiên đấu giá tranh Tết (27/1) của nhà đấu giá Chọn tại Hà Nội và thi công Đường hoa Nguyễn Huệ tại TP.HCM.

Phiên đấu giá nghệ thuật số 20 của nhà đấu giá Chọn diễn ra lúc 18h ngày 27/1 tại Hà Nội có chủ đề Tết, vì có 10/39 lô tác phẩm đề cập trực tiếp đến chủ đề này. Đó là các tác phẩm của Lưu Công Nhân, Mai Long, Lê Trí Dũng, Cơ Chu Pin, Bùi Ngọc Tư, Bùi Suối Hoa, Lư Tòng Đạo, Đặng Hồng Vân…

Xem tác phẩm Đầu sự vui của Lưu Công Nhân có thể thấy không khí ngày Tết khá ngồn ngộn. Ông vẽ một đầu lân mà con nít thường múa ngày Tết, như hồi tưởng về một thời trẻ thơ của bản thân.

Bức Hội chùa Thầy của Đặng Hồng Vân diễn tả trực tiếp không khí lễ hội ngày Xuân, rộn ràng, áo quần sặc sỡ, người người chen chúc. Bức Dấu Xuân của Cơ Chu Pin là những cành đào khoe sắc ở một con hẻm đầu làng. Bức Chữ xưa của Lê Trí Dũng gợi về hình ảnh ông đồ ngồi cho chữ ở hè phố…

Chú thích ảnh
Bức “Hội chùa Thầy” của Đặng Hồng Vân

Như để hòa vào không khí Xuân, các tác phẩm còn lại của Lê Thánh Thư, Dương Ngọc Sơn, Nguyễn Thanh Bình, Đỗ Thị Kim Doãn, Thanh Tâm, Hoàng Hồng Cẩm… cũng có không khí, màu sắc tươi vui, ấm áp.

Nói về lý do làm chủ đề Tết, ông Vũ Tuấn Anh (sáng lập nhà đấu giá Chọn) cho biết: “Chọn muốn gợi lại nét đẹp truyền thống của người Hà Nội ngày trước, khi mỗi độ Xuân về Tết đến là mua tranh về treo. Hành động này từng là một nét đẹp văn hóa, nó rất cần có và nên có trong không gian ấm cúng của mỗi gia đình ngày nay”.

Trước phiên đấu là một tuần trưng bày tác phẩm cho giới sưu tập và thưởng lãm, khai mạc lúc 18h ngày 20/1, mỗi ngày sẽ mở cửa từ 10h đến 18h.

2. Đường hoa Nguyễn Huệ bắt đầu từ Tết Giáp Thân (2004), đến Tết Kỷ Hợi (2019) này là lần thứ 16 được tổ chức. Đường hoa gần như trở thành “truyền thống” của người dân TP.HCM.

Dĩ nhiên Đường hoa Nguyễn Huệ chủ yếu vẫn là… hoa, nhưng nó được sắp xếp trong những tiểu cảnh, đại cảnh suốt chiều dài 720m. Nghệ thuật sắp đặt hoa sẽ hòa quyện với sự mềm mại của nước và sự lung linh huyền ảo của ánh sáng để tạo nên một đường hoa đầy tính nghệ thuật.

Chú thích ảnh
Phối cảnh 9 chú heo ở cổng chào Đường hoa Nguyễn Huệ 2019

Cụm linh vật của năm - các chú “hợi” - được bố trí tại cổng chào của đường hoa. Trên nền tạo hình biểu trưng của chợ Bến Thành là 9 chú heo, trong đó có 2 chú heo lớn nhất, 1 mặc áo dài đội nón là và 1 mặc áo dài quấn khăn rằn Nam bộ. Đại gia đình heo thể hiện sự hưng phấn, vui vẻ để chào đón năm mới.

Đặc biệt sẽ có 6 chú “heo đất” quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam trong việc “bổ ống dồn tiền”. 6 chú heo đất lớn, tượng trưng cho sự nghĩa tình sẽ được bố trí những vị trí đặc biệt trên đường hoa trong tinh thần “Tết làm điều hay, chung tay đóng góp cho học sinh nghèo TP”. Các chú heo đất mong muốn nhận được tấm lòng vàng của nhân dân và du khách vui Xuân nhằm giúp đỡ cho những học sinh nghèo hiếu học.

Ngoài ra ở tiểu cảnh Thành phố thông minh (giao lộ Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Huệ) với đại cảnh Internet vạn vật, các tiểu cảnh Không gian ba chiều, Vườn kết nối, Robot thân thiện, Cây thông minh… thể hiện công nghệ của thời đại 4.0 của thành phố.

Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ phục vụ nhân dân và du khách từ ngày 2/2 (28 tháng Chạp) đến hết ngày 8/2/2019 (mùng 4 Tết).

Bình Minh - Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm