Lý do Mỹ nghi ngờ sự nhượng bộ của Trung Quốc

Dù Trung Quốc tăng cường mua sắm sản phẩm của Mỹ, thậm chí cam kết không cưỡng ép doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ, nhưng phía Mỹ vẫn rất thận trọng.
Lý do Mỹ nghi ngờ sự nhượng bộ của Trung Quốc ảnh 1Quang cảnh tại cảng container Yangshan, Thượng Hải, miền đông Trung Quốc ngày 1/11/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mặc dù cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung cấp thứ trưởng được tổ chức ở Bắc Kinh kết thúc trong bầu không khí khá tốt, nhưng trong cách tuyên bố của hai bên, người ta vẫn thấy giữa Washington và Bắc Kinh ẩn hiện sự mất lòng tin rất lớn đối với nhau.

Dù Trung Quốc tăng cường mua sắm sản phẩm của Mỹ, thậm chí cam kết không cưỡng ép doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ, nhưng phía Mỹ vẫn rất thận trọng. Sự mất tin tưởng lẫn nhau này không phải là không có lý do.

Theo tờ Economic Journal ngày 11/1, chỉ cần xem xét các biện pháp mà Trung Quốc liên tục đưa ra gần đây có thể thấy nhượng bộ của phía Trung Quốc đối với Mỹ được thể hiện trên 3 phương diện: Thứ nhất là tăng cường mua sắm nông sản và dầu khí từ Mỹ. Thứ hai là không cưỡng ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ. Thứ ba là tăng cường bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ.

Điều đáng chú ý là sau khi phía Trung Quốc đưa ra các biện pháp nêu trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ nói “đàm phán tiến triển thuận lợi,” chứ không nói rõ ông có hài lòng hay không.

Thậm chí, người giữ vai trò chủ đạo trong vòng đàm phán Mỹ-Trung lần này là Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tới nay vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về sự nhượng bộ của Trung Quốc. Dư luận ngờ rằng có thể Mỹ vẫn chưa “gặt hái” được gì từ các điều kiện mà Trung Quốc đưa ra.

Đằng sau đó có thể là những đòi hỏi quá cao của phía Mỹ, sự không tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên và cũng có thể là các nhân tố tích tụ lâu nay trong quan hệ Mỹ-Trung.

Một là về vấn đề chuyển giao công nghệ. Tháng 12/2018, Ủy ban Thường vụ Nhân đại Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khởi động việc xem xét Dự thảo Luật Đầu tư ngoại thương, trong đó có điều khoản cấm quan chức địa phương cưỡng ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ để đổi lại việc họ được triển khai hoạt động ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyên gia pháp luật Trung Quốc Donald Clarke thuộc trường Đại học Washington cho rằng bộ luật nêu trên có thể không mang tới sự thay đổi có ý nghĩa.

Nguyên nhân là do câu từ sử dụng trong bộ luật rất mơ hồ, không thừa nhận thực tế là các công ty Mỹ phải đối mặt với áp lực trên phương diện chia sẻ công nghệ. Các áp lực này không đến từ yêu cầu nghiêm khắc của chính quyền mà được thực hiện bởi các thủ đoạn ngầm ở “phía sau màn trướng.”

Bên cạnh đó, dù Trung Quốc mới thành lập tòa án bản quyền tri thức thuộc Tòa án Nhân dân tối cao nhằm phát đi thông điệp sẽ tăng cường bảo vệ bản quyền tri thức đối với các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng có học giả Mỹ chỉ rõ giống như các bộ luật khác của Trung Quốc, nếu chính quyền địa phương không muốn thực thi hoặc mức độ trừng phạt không đủ răn đe thì nó cũng không có ý nghĩa thực tế.

Hai là về việc Trung Quốc tăng cường mua sắm sản phẩm của Mỹ. Trung Quốc cam kết tăng cường mua đậu tương, dầu khí và xe hơi Mỹ, cho nên quan chức Mỹ có thể lớn tiếng tuyên bố đã gặt hái được thắng lợi nhất định trong đàm phán thương mại với Trung Quốc.

[Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Kẻ tự tin, người lo ngại]

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là lượng đậu tương mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ hiện nay vẫn chưa bằng mức trước đây, trong khi lượng xe hơi Mỹ mà Trung Quốc nhập khẩu tương đối ít bởi phần lớn xe hơi Mỹ vốn dĩ được chế tạo tại Trung Quốc.

Do vậy, cam kết tăng cường mua sắm sản phẩm Mỹ của phía Trung Quốc tới nay không phải là điều kiện hấp dẫn. Quan trọng hơn, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra chỉ tiêu lượng hóa và thời gian biểu nhập khẩu hàng hóa Mỹ để giảm thâm hụt hương mại Mỹ-Trung.

Ngoài ra, cho dù Trung Quốc về mặt chính thức không tiếp tục tuyên truyền chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025,” nhưng vẫn chưa tỏ rõ có điều chỉnh chính sách ngành nghề (trợ cấp cho các ngành nghề thuộc chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”) hay không.

Trong khi đó, không chỉ Mỹ mà cả Liên minh châu Âu (EU) đều cho rằng chiến lược "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025" sẽ trở thành vấn đề lâu dài trong va chạm thương mại giữa Trung Quốc với họ bởi thực chất của chiến lược này là nhằm loại bỏ các sản phẩm công nghệ phương Tây khỏi thị trường Trung Quốc.

90 ngày đàm phán đã đi qua hơn một nửa, thời gian còn lại sẽ vô cùng cấp bách đối với Trung Quốc. Do vậy, theo tờ Economic Journal, Trung Quốc cần phải nỗ lực giành được sự tin tưởng từ phía Mỹ và giải quyết các vấn đề nêu trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục