CPTPP: Bộ nguyên tắc xuất xứ ‘chặt’ nhưng linh hoạt

Quy định trong CPTPP có yếu tố cộng gộp, cụ thể nguyên liệu nhập khẩu không đạt xuất xứ nhưng có giá trị gia tăng trong CPTPP và giá trị dù chỉ 1% vẫn được chấp nhận.
CPTPP: Bộ nguyên tắc xuất xứ ‘chặt’ nhưng linh hoạt ảnh 1Hội thảo 'CPTPP với doanh nghiệp Việt: Lợi ích hay thách thức'. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

“Hình dung, một gói càphê được sản xuất tại Biên Hòa song càphê nhân có xuất xứ từ Buôn Mê Thuột, sữa từ Mộc Châu, đường từ Quảng Ngãi và bốn tỉnh này đều nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Qua đó có thể hiểu, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP như một quốc gia mà ở trong đó mỗi đối tác là một tỉnh. Khi đó, CPTPP yêu cầu chỉ số RCV [hàm lượng giá trị khu vực] đạt 40% như các hiệp định thương mại tự do khác và thậm chí nếu chỉ số này chỉ đạt 15-20% thì vẫn được cấp C/O [giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa] bình thường và khi về đến Hải quan sẽ được cộng gộp.”

[‘Muốn hóa rồng, hóa hổ trước tiên phải duy trì tốc độ tăng trưởng’]

Bà Bùi Kim Thùy - một chuyên gia kinh tế đã trao đổi các quy tắc về xuất xứ hàng hóa trong CPTPP cùng các đại diện doanh nghiệp trong nước, tại Hội thảo “CPTPP với doanh nghiệp Việt: Lợi ích hay thách thức” do Bộ Công thương, Báo điện tử VnExpress, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và sự đồng hành của thương hiệu Tôn Colorbond từ BlueScope phối hợp tổ chức ngày 18/1, tại Hà Nội.


Cắt giảm 97,8% dòng thuế

Hiệp định CPTPP (có hiệu lực vào ngày 30/12/2018) là hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao với sự tham dự của 11 nền kinh tế (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam), nó tạo nên khu vực mậu dịch tự do với quy mô thị trường 500 triệu dân và chiếm 13% GDP toàn cầu.

Chia sẻ thông tin tổng quan về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên - Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP từ ngày 14/1. Hiệp định này điều chỉnh nhiều vấn đề liên quan đến thương mại truyền thống, từ hàng hóa, dịch vụ, đầu tư vốn phổ biến trong các hiệp định thương mại tự do – FTA trước đó và cả các vấn đề mới (phi truyền thống), như thương mại điện tử, mua sắm của cơ quan chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, thương mại trong mối quan hệ với bảo vệ môi trường, thương mại trong mối quan hệ với bảo vệ các quyền cơ bản của người lao động, chống tham nhũng.

Về độ mở đối với thị trường hàng hóa, bà Phạm Quỳnh Mai cho hay, tỷ lệ cắt giảm thuế về 0% đối với 97,8% các dòng thuế hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (trong đó 66% về 0% khi hiệp định có hiệu lực, 86,5% về 0% sau 3 năm. Không áp dụng thuế xuất khẩu ngoại trừ một số mặt hàng, như xăng dầu...).

Đối với ngành dịch vụ và đầu tư, độ mở cửa thị trường còn cao hơn nhiều, cụ thể là dịch vụ quảng cáo, dịch vụ logistics, dịch vụ tư vấn pháp lý, phân phối sẽ bỏ cơ chế kiểm tra nhu cầu kinh tế - ENT sau 5 năm, cho phép phân phối gạo và đường.

“Những quy định CPTTP sẽ góp phần thúc đẩy cải cách, tạo thuận lợi cho kinh doanh, xóa bỏ rào cản thương mại khi Việt Nam tích cực áp dụng cam kết mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, Hiệp định có liệu lực sẽ tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động đồng thời giúp xóa đói,  giảm nghèo trong xã hội,” bà Mai nói.

CPTPP: Bộ nguyên tắc xuất xứ ‘chặt’ nhưng linh hoạt ảnh 2Bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên - Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo, ngày 18/1. (Ảnh: Nguyễn Hạnh/Vietnam+)

Độ mở trong quy định "cộng gộp"

Theo bà Bùi Kim Thùy, CPTPP là một FTA toàn diện và bao trùm, những nội dung đàm phán về thuế đều quan chặt chẽ với cam kết quy tắc xuất xứ.

“Chỉ khi vượt qua được các đòi hỏi về nguyên tắc xuất xứ thì các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường mới được hưởng mức thuế ưu đãi. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có ý thức tìm hiểu cụ thể và tuân thủ chặt chẽ các quy tắc xuất xứ để có thể xuất khẩu hàng hóa,” bà Thùy nhấn mạnh.

Tuy nhiên với kinh nghiệm của một chuyên gia kỹ thuật tham gia trong các quá trình đàm phán, bà Thùy khẳng định “CPTPP có bộ nguyên tắc xuất xứ ‘chặt’ nhưng linh hoạt.”

Cụ thể, quy tắc xuất xứ sẽ xác định hàng hóa nhập khẩu có đủ các điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan đồng thời đảm bảo sự cân bằng giữa "thuận lợi hóa thương mại" và "phòng tránh gian lận thương mại".

Bà Thùy phân tích, xuất xứ thuần túy được hiểu trong các FTA cũ là 100% các nguyên vật liệu tạo ra sản phẩm phải nằm toàn bộ trong một quốc gia. Đây là quy tắc xuất xứ ‘chặt’ nhằm ngăn chặn các quốc gia không phải là thành viên của hiệp định tận dụng các ưu đãi thuế.

Tuy nhiên, quy định trong CPTPP có yếu tố cộng gộp, nguyên liệu nhập khẩu không đạt xuất xứ nhưng có giá trị gia tăng trong CPTPP (dù chỉ 1%) vẫn được chấp nhận. Khi đó, số phần trăm giá trị gia tăng thực tế của nguyên liệu đó sẽ được cộng gộp để tính hàm lượng CPTPP trong sản phẩm được sản xuất tại nước xuất khẩu sản phẩm đó.

Bà Thùy nhấn mạnh, đây là yếu tố linh hoạt và nó đặc biệt tốt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi không có đủ nguồn lực như các doanh nghiệp lớn, từ đó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng trong các ngành sản xuất. Đặc biệt là tại các hiệp định cũ trước đây, tỷ lệ 39% cũng không được cộng gộp, nhưng đối với CPTPP lại được phép cộng gộp dù là 1%.

Do đó, doanh nghiệp trong nước nên lưu ý tới Tiêu chí xuất xứ De Minimis, bởi bà Thùy cho rằng, quy tắc linh hoạt này cho phép thành phẩm dù xuất xứ 10% nhưng vẫn có ưu đãi thuế quan đặc biệt.

 
CPTPP: Bộ nguyên tắc xuất xứ ‘chặt’ nhưng linh hoạt ảnh 3Bà Bùi Kim Thùy - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Một điểm thuận lợi khác trong CPTPP cũng được bà Thùy lưu ý, với cơ chế cấp C/O hiện tại, nhà xuất khẩu phải nộp hồ sơ xin cấp C/O, sau đó chờ từ 4 giờ và thậm chí là đến 3 ngày làm việc để có được C/O, chưa kể các loại phí, lệ phí đã phải bỏ ra. Nhưng khi Việt Nam gia nhập CPTPP, các doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm được sản xuất hoặc do mình sở hữu, nhờ đó có sự chủ động trong các thủ tục liên quan đến C/O, sẽ tiết kiệm được cả thời gian và chi phí.

Như vậy có thể thấy, những cam kết từ Hiệp định sẽ mở ra nhiều cơ hội mới từ thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, kỹ năng… cho doanh nghiệp trong nước và tất nhiên CPTPP cũng sẽ tác động trực tiếp, gián tiếp đối với nền kinh tế.

Mặc dù, thách thức mà CPTPP mang lại cũng là đáng kể, với những áp lực đòi hỏi sự cải cách, đổi mới lên hệ thống chính sách, pháp luật, môi trường đầu tư - kinh doanh, công nghệ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, những áp lực này cũng có mặt tích cực, bởi nó cũng góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Bà Bùi Kim Thùy - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục