Tạo nền tảng, cơ hội phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam cần “sớm lên đoàn tàu 4.0,” điều đó cho thấy sự cần thiết xây dựng một chiến lược quốc gia trí tuệ nhân tạo phù hợp nhất cho Việt Nam.
Tạo nền tảng, cơ hội phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam ảnh 1Khách tham quan khu triển lãm hàng công nghệ. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tại Hội thảo chuyên đề “Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Cơ hội và thách thức cho Việt Nam” diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 17/1, chủ đề về trí tuệ nhân tạo và định hướng chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo của Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nhận được sự quan tâm, cho ý kiến của nhiều diễn giả, chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Xây dựng chính sách tạo động lực tăng quy mô thị trường trí tuệ nhân tạo

Ở Việt Nam hiện nay, các thuật ngữ như “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,” “thời đại số,” “cuộc sống số” và “trí tuệ nhân tạo” xuất hiện khá thường xuyên trong nhiều phát biểu, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trí tuệ nhân tạo được xác định là một công nghệ cho mục đích tổng thể, là công nghệ “nguồn” dẫn dắt năng suất quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam cần “sớm lên đoàn tàu 4.0.” Điều đó cho thấy sự cần thiết xây dựng một chiến lược quốc gia trí tuệ nhân tạo phù hợp nhất cho Việt Nam.

Trí tuệ nhân tạo là một công nghệ “lõi” và công nghệ “nguồn” dẫn dắt năng suất quốc gia, có tác động mạnh, mang tính cách mạng và đột phá đến sự phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và mọi mặt đời sống của con người; tạo ra giá trị gia tăng trong các sản phẩm dựa trên hàm lượng trí tuệ trong mọi hoạt động.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo ra những cơ hội cho các quốc gia, các nền kinh tế, các ngành và các tập đoàn có độ sáng tạo cao. Trong xu thế phát triển toàn cầu, việc xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược Trí tuệ nhân tạo quốc gia, trong đó công nghệ và sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo là trung tâm, hạ tầng dữ liệu và tính toán là nền tảng, trí tuệ nhân tạo lõi mang tính động lực, sẽ góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, trong bối cảnh của Việt Nam, cần thiết phải xác định rõ mục tiêu và các biện pháp hướng tới mục tiêu trong chiến lược quốc gia về công nghệ thông tin. Theo đó, yêu cầu đặt ra là phải xác định đúng quy mô thị trường trí tuệ nhân tạo Việt Nam hiện nay và theo kỳ vọng chiến lược của một quốc gia xếp hạng 29 vào năm 2030, xếp hạng 20 vào năm 2050 tính theo GDP trên thế giới, tránh kỳ vọng chiến lược bị phóng đại hoặc bị hạ thấp quá mức.

Hiện chưa có báo cáo khảo sát chính thức về quy mô thị trường trí tuệ nhân tạo Việt Nam, các báo cáo về thị trường trí tuệ nhân tạo thế giới và khu vực của các công ty khảo sát có uy tín trên thế giới chưa cho thông tin về Việt Nam.

Trí tuệ nhân tạo chưa thành hạng mục đầu tư của nhiều doanh nghiệp Việt Nam và nếu có chỉ chiếm một phần không đáng kể. Điều đó cho thấy, thị trường trí tuệ nhân tạo Việt Nam hiện còn rất nhỏ và độ cam kết của các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp vào thị trường trí tuệ nhân tạo chưa rõ ràng. Song đây cũng là cơ hội mở ra cho các chủ thể có ý tưởng đi sâu vào lĩnh vực này.

Một mặt, Việt Nam có lợi thế vị trí địa lý kề cận với một trung tâm trí tuệ nhân tạo là Đông Bắc Á (chiếm 50,32% lợi ích toàn cầu từ trí tuệ nhân tạo năm 2030 theo dự báo). Mặt khác, Việt Nam có hạn chế là thị trường trí tuệ nhân tạo hiện tại quá nhỏ bé. Tìm ra các biện pháp để khắc phục hạn chế và khai thác tốt lợi thế để tăng trưởng nhanh thị trường nội địa, xuất khẩu sản phẩm trí tuệ nhân tạo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, đối với thị trường trí tuệ nhân tạo nội địa, với vai trò vừa là người tiêu dùng lớn nhất, vừa là tác nhân có trách nhiệm dẫn dắt, phát triển nền kinh tế đất nước, Nhà nước ta cần là nhà đầu tư chiến lược vào những thành phần trí tuệ nhân tạo cốt lõi của quốc gia. Trước mắt là đầu tư xây dựng một cách công phu, bài bản Chiến lược Trí tuệ nhân tạo quốc gia phù hợp nhất với Việt Nam.

Chiến lược này cần bao gồm việc xác định đúng quy mô, thị trường trí tuệ nhân tạo Việt Nam theo kỳ vọng và xây dựng các chính sách tạo động lực tăng cường quy mô thị trường trí tuệ nhân tạo Việt Nam theo kỳ vọng đó.

Tạo nền tảng, cơ hội phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam ảnh 2(Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN)


Nhân sự - yếu tố góp phần hiện thực hóa cơ hội phát triển trí tuệ nhân tạo


Các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng như khởi đầu làn sóng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, quá trình hiện thực hóa cơ hội và giải quyết thách thức nhằm góp phần xây dựng nền tảng chia sẻ công nghệ.

Diễn giả Bùi Hải Nam, Giám đốc điều hành Dự án PowerSell của Datamart, Quán quân Start-up Việt 2018 cho biết, với doanh nghiệp của anh, việc tập hợp dữ liệu là nền tảng để tạo ra giá trị cũng như triển khai các công việc khác. Tin tưởng “có dữ liệu sẽ tạo ra giá trị,” Datamart đã nỗ lực thu thập những nguồn dữ liệu có sẵn, tối ưu thế mạnh về thu thập và phân tích, nghiên cứu dữ liệu.

Nhân lực trí tuệ nhân tạo Việt Nam tài năng là yếu tố cốt lõi đảm bảo cho sự thành công phát triển trí tuệ nhân tạo và nền kinh tế số Việt Nam. Đầu tư phát triển tài năng trí tuệ nhân tạo Việt Nam có chuyên môn và đạo đức tốt, không chỉ biết tạo ra sản phẩm trí tuệ nhân tạo mà còn đảm bảo sử dụng nó có lợi cho loài người, thấm nhuần triết lý “Trí tuệ nhân tạo cùng con người, trí tuệ nhân tạo vì nhân loại” cần trở thành một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo của Việt Nam.

[Tuyển sinh đại học 2019: Chuyển hướng đào tạo đáp ứng cách mạng 4.0]

Đầu tư đặc biệt cho phát triển tài năng trí tuệ nhân tạo cần được coi là thành phần then chốt trong đầu tư chiến lược tăng cường quy mô thị trường trí tuệ nhân tạo của đất nước.

Cho rằng “nhân sự là nỗi đau của startup,” trước tình trạng chảy máu chất xám, anh Bùi Hải Nam cho biết, rất nhiều bạn bè của anh không về nước làm việc vì e ngại không có được môi trường phù hợp. Ngoài nghiên cứu toán cơ bản, toán ứng dụng là một trong những nền tảng góp phần đưa trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam phát triển.

“Nếu có thể xây dựng được những viện nghiên cứu để thu hút nguồn lực trở về nước nghiên cứu về toán ứng dụng, đáp ứng nhu cầu, đưa được các vấn đề của doanh nghiệp, của nền kinh tế giải quyết bằng trí tuệ nhân tạo, sẽ có rất nhiều người trở về,” Giám đốc điều hành Dự án PowerSell chia sẻ.

Khẳng định trí tuệ nhân tạo là công cụ góp phần giúp các doanh nghiệp hiện thực hóa mong muốn, cơ hội để có bước phát triển vượt bậc, diễn giả Phạm Nam Long, Giám đốc điều hành Abivin, Vô địch Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo quốc gia 2018 chia sẻ quan điểm về vấn đề giáo dục-đào tạo nhân sự tương lai dưới góc nhìn từ các vấn đề liên quan đến kỹ thuật và logistic.

Theo anh Long, về giáo dục kỹ thuật, từ trước đến nay Việt Nam vẫn có hệ thống các trường chuyên rất tốt về toán cũng như các môn tự nhiên. Khẳng định đây chính là nguồn phát triển nhân lực trí tuệ nhân tạo cho Việt Nam, anh Long cho biết, thực tế có rất nhiều các nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đã ra nước ngoài làm việc và rất có tên tuổi.

“Tuy nhiên, lên đến bậc Đại học và nhất là cấp nghiên cứu, làm sao chúng ta tạo được môi trường giúp cho ngành toán, ngành nghiên cứu cơ bản ứng dụng trở thành xu hướng ở Việt Nam?” - Diễn giả Phạm Nam Long đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, việc thay đổi tư duy, nhìn nhận logistic không chỉ dưới góc độ những vấn đề có tính chất vi mô mà ở tầm vĩ mô để nhân sự kỹ thuật hiểu về chuỗi cung ứng, quản lý chuỗi cung ứng và logistic, hiểu được chi phí cấu thành là rất cần thiết và cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ, điều đó sẽ giúp nền kinh tế phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục